Thứ quả mọc hoang này giờ được người dân An Giang mang về trồng, bán với giá khá đắt và phải đặt trước mới có hàng.
Ở vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang có một thứ quả đặc sản mà ít người biết tới, đó là trái chúc. Theo tiếng Khmer, người dân gọi chúc là Kôt–sôt, cùng họ với chanh, có vị chua dùng để lấy nước, giữ mùi hương.
Trái chúc là đặc sảh của vùng đất An Giang
Được biết, cây chúc có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Úc. Ở Việt Nam, loại cây này vốn mọc hoang dại ở những vùng đất khô cằn tại các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là ở An Giang. Cây chúc có thể cao từ 2-10 m, thân cây có gai ngang, lá thuôn hay ngọn giáo. Trái chúc to hơn quả chanh Bắc, vỏ ngoài xù xì, thịt bên trong có màu vàng xanh, nước tuy ít nhưng lại có vị chua thanh, thơm lâu và mùi hương nồng nàn. Lá chúc có mùi hương giống như bưởi non, giữ mùi rất lâu. Trái chúc được sử dụng làm nước giải khát, nước mắm chấm, bóp gỏi, ngâm mật ong hoặc làm tinh dầu.
Từ thứ quả mọc dại, bây giờ chúc được nhiều người biết đến hơn
Thứ quả này có thể làm gia vị hoặc làm tinh dầu
Chị Bổn (ở huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết chúc là đặc sản nổi tiếng của vùng đất này, lá chúc và quả chúc là thứ gia vị đặc trưng có mặt trong các nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ. "Loại quả này mọc dại ở triền núi, bờ ruộng, vùng đất trống khô cằn. Trước không mấy ai ngó ngàng, bà con dân tộc Khmer thỉnh thoảng hái về làm nước chấm. Sau đó, thứ quả dại này được một số người và quán ăn hỏi mua nên đến mùa bà con hái rồi bán ở 2 bên đường hoặc nhập cho thương lái và các nhà hàng", chị Bổn chia sẻ.
Nhận thấy loại quả này mang lại giá trị kinh tế nhưng đang dần khan hiếm, nhiều gia đình đã tìm cách trồng và kiếm được nhiều tiền nhờ nó. Cây chúc dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt, tuy nhiên người trồng sẽ cần từ 5-8 năm mới có thể thu hoạch. Mỗi năm, cây chỉ cho trái 1 lần vào mùa mưa, cây trồng càng lâu năm thì quả càng nhiều.
Do chỉ được trồng ở Bảy Núi, huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên nên số lượng cung cấp ra thị trường thường khá hiếm. Nhiều thời điểm, giá bán có thể cao gấp 5-6 lần so với các cây cùng họ nhà chanh khác. Theo khảo sát, trên chợ và các sàn thương mại điện tử, trái chúc có giá lên tới 180.000 đồng/kg, những đợt khan hiếm hoặc trái mùa, khách phải đặt trước vài hôm mới có hàng.
Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, chúc có giá lên tới 180.000 đồng/kg
Liên hệ với chị Thảo Vân - người bán trái chúc trên chợ mạng, chị Vân cho biết mấy năm trước chúc ít người biết đến, chủ yếu nhập cho nhà hàng quán ăn, nhưng 3 năm trở lại đây thứ quả lạ này rất đắt hàng. "Tôi gửi hàng cho khách đi khắp các tỉnh, nhiều nhất là TP.HCM và Đà Nẵng. Lá chúc lưu lại hương rất lâu nên sử dụng dùng để nấu các món gà luộc, canh gà lá chanh, gà hấp lá chanh, gỏi gà, khô gà lá chanh. Trái chúc dùng làm gia vị chấm, bóp gỏi, thơm và đặc trưng hơn trái chanh", chị Vân cho hay.
Nhiều nhà hàng tìm mua trái chúc vì nó có vị đặc trưng, thơm hơn chanh
Theo chị Vân, vào đợt cao điểm, có ngày chị bán 50 cân chúc, gửi đi các tỉnh thành với giá sỉ 70.000-80.000 đồng/kg. Ngoài làm gia vị, trái và lá chúc còn làm tinh dầu, nhiều cơ sở thu mua sản xuất tinh dầu chúc nên có khi khan hiếm, khắch đặt hàng phải chờ vài hôm mới gom đủ.