Thứ cây dại mọc hoang ngoài bìa rừng, ven sông nay thành đặc sản, ăn kèm bánh tráng thịt luộc Trảng Bàng, bánh canh Trảng Bàng, gỏi lá, bò tơ Củ Chi…
Săng máu hay sơn máu, xăng máu… là tên của loại cây thường được trồng ven các con sông, bìa rừng ngập mặn để bảo vệ đê điều. Lý do người ta đặt tên cho loại cây cổ thụ này nghe có vẻ “ghê rợn” là bởi vì khi khai thác gỗ của cây, nhựa cây rỉ ra có mùi như xăng dầu nhưng lại có màu đỏ như máu.
Cây săng máu có bộ rễ to khỏe, trồng ở bờ tiếp xúc với dòng nướcn rễ cây sẽ mọc dọc theo bờ sông rạch tạo thành tấm chắn bảo vệ bờ đê, chống lại sự xói mòn của dòng chảy hoặc sự va đập của các cơn sóng do tàu, thuyền hoặc gió thổi tạo ra.
Cây săng máu thường được trồng ven các con sông, bìa rừng ngập mặn để bảo vệ đê điều
Cây săng máu có tên khoa học là Horsfielddia irya Warbg, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,... Cây ưa ẩm, chịu đựng được nước ngập của thủy triều, nước ngập mặn, sức sống rất mạnh mẽ. Cây cao trung bình khoảng 7-15m, lá dày, dài đến 30cm. Cây ra hoa màu vàng nhụy nâu, nở rộ từ tháng 5 đến khoảng tháng 6. Cây săng máu có trái màu xanh, khi chín chuyển qua màu đỏ.
Ngoài công dụng che chắn, bảo vệ đê điều, từ lâu đời nay người dân miền Tây đã sử dụng lá cây săng máu như một loại rau sống ăn cùng các loại rau tự nhiên khác trong vườn nhà. Lá non của loại cây này có vị chát, hơi chua nhẹ, ăn dai giòn, kết hợp cùng các loại rau rừng khác như đọt choại, đọt mọt, lá trâm ổi, lá cóc non… để ăn kèm bánh tráng thịt luộc đặc sản Trảng Bàng, hay bánh xèo miền Tây, chấm kho quẹt, các món cá thịt kho tộ đều cho mùi vị đúng điệu, vừa dân dã lại lạ miệng.
Săng máu là rau sống được ăn kèm bánh tráng thịt luộc Trảng Bàng, bánh canh Trảng Bàng, gỏi lá, bò tơ Củ Chi…
Ghé Trảng Bàng, Tây Ninh, thực khách khi thưởng thức những món ăn đặc sản vùng này, chắc chắn sẽ rất ấn tượng với đĩa rau rừng, đặc biệt là phải có sự xuất hiện của rau săng máu. Ăn bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, bánh canh Trảng Bàng ít nhất phải có từ 7 - 10 loại lá khác nhau, cuốn thành 1 cuốn, thiếu săng máu là giảm 1 phần hương vị riêng của cuốn bánh.
Rau rừng Tây Ninh nói chung và săng máu nói riêng không chỉ nổi tiếng với khách nội địa, mà đến cả Việt kiều hay người nước ngoài cũng biết tiếng loại rau này.
Bà Ánh (62 tuổi ở quận 3, TP.HCM) cho biết hầu như tuần nào bà cũng có 2 - 3 lần làm các món từ rau rừng cho cả nhà ăn. Các loại rau được bà Ánh chọn là có cả săng máu, rau nhái, lá cóc... để làm món gỏi cuốn với thịt luộc. Tuy nhiên, bà Ánh cho biết không phải cứ thích là mua được ngay, vì không phải ngày nào người bán cũng có những loại rau này. "Thường họ hái từ Tây Ninh chở xuống thành phố, bán nhiều ở các chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ (quận 3), ví dụ như cây săng máu có giá 180.000 đồng/kg", bà Ánh nói.
Đĩa rau rừng tươi ngon không thể thiếu rau săng máu.
Có lẽ vì nhu cầu ngày càng cao mà thay vì đi hái ven 2 bờ sông Vàm Cỏ (Tây Ninh), trong rừng hay những khu đất bỏ hoang về bán lại cho các quán ăn như ngày xưa, loại rau rừng này đã được bứng gốc mang về vườn trồng tập trung, hoàn toàn không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do vốn là cây rừng, chẳng có mấy sâu bệnh hại cây.
“Gọi săng máu là rau rừng chứ thực ra chỉ có vài loại là cây rau đúng nghĩa, còn phần lớn chúng là loài thân gỗ, mình trồng rồi hái lá ăn”, ông Dĩ - một người trong tổ hợp tác trồng rau rừng ở Tây Ninh nói.
Xưa kia khi còn nhỏ, ông Dĩ thường cùng bạn bè vào bìa rừng hái săng máu, quế vị… về bán lại cho các quán bánh canh. Nhưng thời gian qua đi, rau rừng ngày càng hiếm, phần vì đất hoang thu hẹp dần, phần vì nhiều người đi hái. Thế là ông Dĩ nảy ra ý tưởng mang rau này về vườn nhà trồng, cây mọc dại vừa ít sâu bệnh, lại đỡ nhọc công đi hái. Sau khi cắt vài ngày, cây lại đâm chồi mới, xanh non mơn mởn. Ông tìm mối đổ cho các thương lái, các hộ dân xung quanh cũng bắt chước trồng theo, rồi thành lập tổ hợp tác rau rừng.
Vườn rau săng máu của ông Dĩ ở Tây Ninh.
Trồng cây săng máu và các loại rau rừng khác mang lại nguồn thu khá ổn định cho người nông dân ở Tây Ninh. Hiện nay, giá rau thành phẩm chỉ 30.000 - 45.000 đồng/kg, chung cho tất cả các loại. Ngoài ra, ông Dĩ còn bán cây giống săng máu với giá 150.000 đồng/cây. Cây săng máu ít chăm mà lại năng suất, do đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn cả hoa màu, cây nông nghiệp lâu ngày khác.
Không chỉ bảo vệ đê điều, chống xói mòn đất đai và sử dụng lá như một loại đặc sản rau rừng, các bộ phận khác của cây săng máu đều rất hữu ích. Khi cây già có thể lấy gỗ làm ván ép, còn hạt cây săng máu ép thành dầu dùng để thắp sáng, làm xà phòng và còn dùng trong y học dân gian ở một số nơi. Ở Philippines và Ấn Độ, nhựa của cây săng máu được xem như là thuốc giải ngộ độc, làm dầu gió để đắp và dùng trong làm thuốc uống điều trị thấp khớp và bại liệt.