Loài đặc sản "nhát chết", giống con cua, trước cho không ai lấy nay đổi đời bán giá đắt ở thành phố

Ngày 13/05/2022 19:01 PM (GMT+7)

Loài này có hình dạng khá giống với con cua, xưa có mặt trong bữa cơm "nhà nghèo". Hồi đó, mâm cơm bình dị với bát canh rau đay mồng tơi nấu cáy biển kèm vài quả cà pháo là lựa chọn của nhiều gia đình. Giờ đây nó là đặc sản nổi tiếng mà ai cũng muốn được thưởng thức. 

Khoảng tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, đi dọc rừng sú vẹt trong Bang, Thống Nhất (TP Hạ Long, Quảng Ninh) sẽ thấy những ánh đèn đêm lấp lánh. Đó chính là lúc người dân nơi đây đi "săn" cáy.

Cáy thuộc họ cua, có nhiều loại cáy: càng đỏ, cáy gió, cáy đen, cáy lông, nhưng ngon nhất là cáy gọng đỏ. Chúng sống vùng nước lợ ven cửa sông, cửa biển nên có người gọi là cáy biển, người gọi cáy sông. Cáy thường có lông nhỏ nhưng càng khá to, các chân nhỏ hơn nhưng mang nhiều lông, mang của chúng có nhiều vân. 

Cáy là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh

Cáy là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh

Loài đặc sản này thường sống trong hang các bờ ruộng hoặc bờ mương, bờ sông, nắng càng to thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều. Anh Tiến (ở Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, cáy là loài "nhát chết", hễ có tiếng động nhẹ là trốn vào hang, chúng chạy rất nhanh nên việc săn cáy không hề dễ dàng. 

Trước đây, cáy có nhiều vô kể, ra đồng ruộng, ven sông ven suối một lúc là có thể bắt được một rọ đầy cáy về chế biến món ăn. Thời đó, cáy là thực phẩm của người nghèo, giá cực kỳ rẻ. Nhưng giờ đã khác, con cáy từ chỗ "mang bỏ đi" nay đã có giá trị cao gấp hàng chục lần làm lúa. Khi con cáy bán có giá, người bắt cáy đã được đổi đời".

Trước đây, cáy có mặt trong bữa cơm người nghèo, nay đổi đời thành đặc sản đắt đỏ

Trước đây, cáy có mặt trong bữa cơm người nghèo, nay đổi đời thành đặc sản đắt đỏ

Theo anh Tiến, săn cáy cũng phải có kinh nghiệm, phải thật khéo léo, nhanh tay mới bắt được chúng. Từ tờ mờ sáng lúc còn nhá nhem, khi đó cáy ra kiếm ăn là lúc dễ bắt nhất. "Lúc đó, cáy ra khỏi hang đi kiếm ăn sẽ chui vào rọ, đến giữa buổi sáng phải tới gom rọ mang về, không để lâu quá dưới trời nắng to cáy sẽ chết. Mỗi người có thể bắt được 15-20kg cáy rồi bán cho thương lái", anh Tiến nói. 

Theo khảo sát, đến mùa cáy được bán với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Nếu gặp ngày không được con nước, lượng cáy khan hiếm, giá bán con cáy có thể còn lên tới 150.000 đồng/kg. 

Lúc khan hiếm, cáy có thể lên tới 150.000 đồng/kg

Lúc khan hiếm, cáy có thể lên tới 150.000 đồng/kg

Theo người dân địa phương, những món ăn chế biến từ cáy tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Hầu hết các nhà hàng ở Quảng Ninh đều có món cáy để phục vụ du khách, nổi tiếng nhất là mắm cáy. Những chum mắm cáy sau khi muối phải 2 tháng mới ăn được, kỳ công hơn thì phải để đến 1 năm sau mới ăn thì nước mắm cáy có màu vàng rộm. Đây mới là nước mắm cáy tuyệt hảo, được ăn một lần là nhớ cả đời.

Cáy sau khi bắt xong thì bỏ phần yếm và dải phân là nguyên nhân làm thịt cáy hôi rồi ngâm cáy trong nước sạch 30-40 phút. Tiếp đến tách phần mai cáy để riêng, phần thân cáy cùng càng cho vào giã nhỏ hoặc xay đến nhuyễn. Khi giã cáy cho thêm chút muối. Theo kinh nghiệm dân gian cho một nhúm muối khi giã cùng sẽ làm cho thịt cáy kết lại khi nấu và phải đun nhỏ lửa mới giữ được độ thơm ngon.

Chị Hoàng Xuân (người dân địa phương) tiết lộ khi bóc yếm cáy thường có những chùm trứng nhỏ li ti. Chùm trứng này có thể bóc riêng ra, để nơi khô ráo sau đó chưng với hành khô và mỡ thành món ăn giàu dinh dưỡng, lại rất thơm ngon. Trứng cáy có thể nấu với rau đay, rau mồng tơi. 

Loại cá nghe tên hết hồn nhưng là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi, xưa giá rẻ bèo nay rất đắt đỏ
GiadinhNet - Loại cá nghe tên hết hồn nhưng là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi, xưa giá rẻ bèo nay đắt đỏ, 200.000đồng/kg

Đặc sản 4 phương

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương