Đến nay, loại gạo này được bán khá phổ biến với giá cao hơn các loại gạo khác một chút nhưng nhiều chị em vẫn lựa chọn vì những lợi ích sức khỏe của nó.
Những loại gạo thông thường chúng ta biết hầu hết có màu trắng, trắng ngà, tím (nếp cẩm), nhưng thực tế là gạo có nhiều màu sắc hơn thế. Có những loại gạo màu đỏ, màu nâu, thậm chí là màu đen bóng. Loại gạo đen này lại chính là một loại gạo thượng hạng, xưa kia chỉ dành cho vua chúa. Nó được mệnh danh là “ông hoàng của thế giới gạo”, là một loại ngũ cốc cao cấp bởi sở hữu thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Trong lịch sử, ở Trung Quốc cổ, gạo đen là một thứ gạo cấm hay là “gạo của hoàng đế”, "gạo tiến vua" bởi nó không dành cho dân thường. Một số nguồn tin còn cho rằng khi xưa gạo đen chỉ dùng để phục vụ cho các lãnh đạo và quý tộc ở vùng Viễn Đông, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Loại gạo có hạt đen bóng này là một dạng đột biến, có chung nguồn gốc với những loại gạo khác
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy gạo đen có cùng nguồn gốc với các loại gạo màu khác khoảng 10.000 năm trước. Tuy nhiên loại gạo này lại rất hiếm, chỉ thỉnh thoảng mọc lên dưới dạng đột biến gen. Đột biến này khiến cây gạo sản xuất ra lượng lớn chất anthocyanin (một hợp chất chống oxy hóa). Biết được sự bổ dưỡng của loại gạo này, người nông dân bắt đầu tìm cách trồng chúng rộng rãi hơn.
Cho đến nay, sản lượng của gạo đen cũng chỉ chiếm khoảng 10% so với gạo trắng nên giá cả của chúng vẫn khá cao so với các loại gạo khác. Cũng bởi lợi ích sức khỏe của loại gạo này đối với con người, như hỗ trợ sức khỏe tim mạch, huyết áp, giàu chất chống oxy hóa, chống béo phì, giúp giảm cân,..., nên nó ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng.
'
Cơm gạo đen được mô tả là thơm, dẻo, mềm lại có vị ngọt ngọt, thanh thanh
Gạo đen rất giàu hàm lượng các hoạt chất sinh học (ASG. IP6, Ferulic acid...). chất xơ, protein, vitamins và khoáng chất. Đặc biệt hàm lượng Anthocyanin gấp 4 lần so với đỗ đen. Nhờ vậy, gạo đen giúp tăng khả năng điều hòa huyết áp, hỗ trợ các chức năng tim mạch, tốt cho người bị tiểu đường.
Cơm gạo đen được quảng cáo là thơm nức, dẻo dai, mềm như gạo nếp cẩm, ăn vị ngọt bùi, thanh thanh lại không bị ngán như gạo nếp. Lưu ý, nhiều người nhầm lẫn giữa gạo đen, gạo lứt và gạo nếp cẩm, tuy nhiên đây là 3 loại gạo khác nhau dù hình thức có một số điểm tương đồng. Khi mua hàng bạn nên hỏi rõ để được tư vấn kỹ lưỡng.
Chị Hồng Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng ăn gạo đen trong một thời gian dài, cho biết: "Mình ăn gạo đen từ khoảng 3 năm trước, vì nghe nói có công dụng giảm cân, tốt cho sức khỏe. Cơm gạo đen khá là dẻo mềm, khá là giống nếp cẩm nhưng thanh hơn một chút, chỉ cần ăn khoảng nửa bát thôi là thấy no nhưng không hề có cảm giác đầy bụng. Ăn xong cực kỳ nhẹ nhàng, dễ chịu. Chính vì thế mà mình duy trì ăn loại gạo này khá lâu rồi".
Gạo đen khi nấu lên khá dẻo và giống gạo nếp cẩm
"Gạo đen hiện vẫn chưa được nhiều người biết tới bằng gạo lứt, dù nó bắt đầu gây sốt từ khoảng những năm 2017 - 2018. Mình là đại lý của thương hiệu gạo đen P.T, bán online trên Facebook và một số trang thương mại điện tử. Dù loại gạo này có đắt hơn so với mặt bằng chung một chút nhưng khách nào đã quen ăn thì sẽ thích luôn. Vì thế mà mình có khá nhiều khách quen", chị Trúc Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Giá của gạo đen hiện bán trên thị trường là từ 40.000 đồng - 110.000 đồng/kg tùy thương hiệu. Gạo đen được bán phổ biến ở những siêu thị lớn hoặc các trang thương mại điện tử, các shop bán đồ online.