Ngoài lá giang, lá é, trên chợ mạng còn bán một thứ lá làm gia vị trong những món đặc sản ở Tây Bắc, đó là lá mắc mật.
Lá mắc mật từ lâu đã được bà con vùng Tây Bắc sử dụng như một thứ nguyên liệu làm gia vị trong nhiều món ngon nổi tiếng như lợn mán xào lá mắc mật, thịt vịt xiên lá mắc mật nướng, thịt lợn rán lá mắc mật, lợn quay lá mắc mật, gà rang lá mắc mật, khâu nhục... Nhưng với người dân ở thành phố, loại lá rừng này còn xa lạ, ít người biết tới.
Rao bán lá mắc mật ở chợ chung cư với giá 40.000 đồng/kg, chị Loan (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết lá mắc mật chứa rất nhiều tinh dầu thơm, thường được dùng để quay hoặc nướng chung với các món ăn, giúp món ăn dậy mùi thơm và rất hấp dẫn. Chỉ cần 5-7 lá mắc mật cũng đã đủ để tạo hương vị.
Lá mắc mật sử dụng làm nguyên liệu tạo mùi thơm đặc trưng trong nhiều món ăn ở Tây Bắc, đặc biệt là món vịt quay lá mắc mật
"Loại lá này có nhiều ở Lạng Sơn, Hòa Bình. Trước đây nó mọc hoang dại, người dân hái về để làm gia vị nướng các món vịt quay, lợn quay. Đến mùa tôi nhờ người thân gửi xe xuống, vừa ăn vừa bán ở chung cư và rao trên cả chợ mạng. Vài năm nay nhiều người biết đến nên năm nào cũng vào đặt hàng, có ngày tôi bán khoảng chục kg lá mắc mật, có người mua cả cân về bỏ tủ dùng dần. Ngoài bán lẻ, tôi còn nhập sỉ cho các nhà hàng, quán ăn", chị Loan nói thêm.
Người bán giới thiệu lá mắc mật bảo quản trong tủ lạnh được 7-10 ngày, ai muốn để lâu hơn thì hút chân không hoặc đem phơi khô rồi bảo quản cẩn thận. Lá mắc mật khô vẫn giữ được mùi thơm như lá tươi và có thể sử dụng được quanh năm.
Từ lá rừng, những năm gần đây lá mắc mật thành "mỏ vàng", bán đi khắp các tỉnh thành
Cũng rao bán lá mắc mật trên chợ mạng, anh Lâm (ở Hà Nội) cho biết lá mắc mật chứa trong mình tinh dầu làm thơm nên thường sử dụng để khử mùi tanh, hôi của thịt. Ngoài ra, loại lá này còn có nhiều công dụng với sức khỏe. Lá mắc mật tươi có giá khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi đó lá mắc mật khô có giá tới 200.000 đồng/kg.
Cây mắc mật thuộc họ Cam (Rutaceae) tên khoa học là Clausena indica. Ở nước ta, cây mọc phổ biến từ Bắc vào Nam, tập trung phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình... Lá mắc mật có hình lông chim, thuôn dài, mọc so le nhau, nhọn ở hai đầu. Viền lá có nhiều khía răng cưa nhỏ. Mặt trên lá xanh, nhẵn, bóng, mặt dưới thì có màu nhạt hơn và có thêm lớp lông tơ gây cảm giác thô ráp khi sờ vào.
Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội sử dụng lá mắc mật làm nguyên liệu cho các món nướng
Nếu trước đây người dân vào rừng hái lá mắc mật về để làm nguyên liệu, không ai mang ra mua bán ở chợ thì vài năm gần đây, thứ lá rừng này bỗng trở nên có giá. Đến mùa, người dân ở Tây Bắc lại vào rừng hái lá mắc mật về bán cho thương lái, nhập sỉ đi các tỉnh thành, được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng.
Nhiều hộ dân ở Tây Bắc còn trồng cây mắc mật để thu hoạch lá, quả để bán, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.