Không chỉ làm cảnh, lá đinh lăng còn là một loại rau có thể ăn sống hoặc nấu chín đều ngon, hấp dẫn và có mùi vị rất riêng.
Lớn lên ở những làng quê Việt Nam, cây đinh lăng có lẽ không còn xa lạ với thế hệ 8X - 9X. Loại cây này thường xuất hiện ở trước các ngôi đình, ngôi chùa,… có lẽ vì thế mà cái tên “đinh lăng” ra đời. Không ai biết đinh lăng ở đó có ai trồng hay mọc tự nhiên, đến mùa lá rụng đầy gốc, sau đó được người dân hái về làm thuốc hoặc chế biến nhiều món ăn ngon lành, bổ dưỡng.
Ở các làng quê Việt Nam, cây đinh lăng là hình ảnh quen thuộc, mọc ở nhiều nơi
Cây đinh lăng còn có tên khác là cây gỏi cá, nam dương lâm, mang tên khoa học là Polyscias fruticosa Harms, thuộc họ Cuồng Cuồng, được cho là có nguồn gốc từ quần đảo Polynesie (Thái Bình Dương) và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây phân bổ ở hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Loài cây này ưa ẩm và thích bóng râm, phù hợp trên nhiều loại đất và có khả năng tái sinh rất dễ.
Đinh lăng là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao khoảng 0,8–1,5m. Lá đinh lăng mọc so le, kép lông chim, lá chét có răng cưa nhọn. Lá đinh lăng có mùi thơm khi vò nát, cuống dài, phát triển thành bẹ to ở phần cuối. Cây ra hoa và quả ở nách lá vào tầm tháng 4-7 hằng năm. Phần rễ cây đinh lăng gần giống với nhân sâm Hàn Quốc hay sâm ngọc linh ở nước ta nên loại cây này còn được mệnh danh là “nhân sâm của nhà nghèo”.
Phần lá non của cây đinh lăng được dùng làm rau.
Các nhà khoa học đã tìm thấy trong đinh lăng có các loại vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lysin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác, rất tốt cho sức khỏe. Từ xa xưa, ông bà ta đã biết sử dụng lá, rễ, vỏ cây đinh lăng làm thuốc.
Bên cạnh đó, đinh lăng còn được biết đến là một loại rau đặc biệt, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau hoặc ăn sống, làm gia vị. Rau đinh lăng khi ăn chỉ hái lá non, có mùi vị thơm đặc trưng, vị chát đắng nhẹ nhưng càng nhai trong miệng lại càng thấy vị bùi và cay nồng khó quên. Người ta thường chọn loại lá đinh lăng nhỏ có nhiều răng cưa để làm rau ăn kèm với món gỏi cá, thêm vài cọng lá đinh lăng khi gói nem tạo mùi vị hấp dẫn và khử vị tanh.
Các món ngon từ rau đinh lăng từ bữa cơm gia đình cho tới nhà hàng, quán ăn
Lá đinh lăng còn nổi tiếng với các món kho với cá lóc, cá điêu hồng dân dã, hay các món xào thịt bò, nấu canh sườn hầm, hấp chung với cá… Lá đinh lăng khi nấu chín mang mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại rau nào khác. Đinh lăng còn là 1 trong 9 vị rau rừng Tây Ninh ăn kèm với bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh canh Tây Ninh nổi tiếng. Ở miền tây, đinh lăng cũng được ăn kèm bánh xèo, bò tơ Củ Chi…
Nhiều năm trở lại đây, lá đinh lăng phổ biến với người dân các tỉnh thành thị do xu hướng tìm tới các giống rau rừng lạ để thưởng thức. Chị Quý Bình (Quận Tân Bình, TP. HCM) cho biết: “Lá đinh lăng thường được bán ở các cửa hàng rau sạch. Mùi vị của loại lá này khá lạ, có thể dùng để đổi các món ăn hằng ngày cho đỡ chán. Hơn nữa là lá đinh lăng có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên mỗi tuần tôi vẫn mua 1-2 lần để nấu canh”.
Dọc về các tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu, anh Trần Hiếu (chủ vườn rau rừng rộng 1ha) chia sẻ cây đinh lăng sau khi giâm cành, trồng dưới bóng mát của những cây thân gỗ khác và chỉ sau 60 ngày đã có thể thu hoạch.
Đinh lăng là giống cây dễ trồng, dễ chịu với thời tiết và chống chọi sâu bệnh tốt.
“Với mỗi 1kg rau đinh lăng tôi bán cho thương lái với giá 57.000 đồng. Đinh lăng tươi tốt suốt năm nên không thiếu nguồn cung cho khách hàng. Khi cây già, năng suất lá non ít đi thì mình sẽ thu hoạch rễ cây và phơi khô để đổ mối sỉ”, anh Hiếu cho biết.
Giờ đây, lá đinh lăng tươi có thể dễ dàng được người dân thành thị tìm thấy ở nhiều cửa hàng bán rau rừng hay trên các trang thương mại điện tử. Theo khảo sát, giá cả của loại rau rừng này có giá dao động 100.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn bán lá đinh lăng khô pha trà, rễ đinh lăng để ngâm rượu hoặc cây giống đinh lăng trồng làm cảnh.
Một số giống cây đinh lăng làm cảnh.
Đinh lăng được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Trong phong thủy, cây đinh lăng được biết đến với ý nghĩa có thể ngăn chặn khí xấu xông vào nhà, từ đó trấn giữ nguồn năng lượng tốt, giúp tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán, được coi như “thần giữ của” cho chủ nhà, giúp gia chủ dẫn dụ tài lộc. Ngoài ra, một số loại đinh lăng còn có lá cây hình lạ mắt, xanh mơn mởn và rất dễ trồng. Chính vì vậy, cây đinh lăng cảnh rất “đắt hàng” tại các cơ sở sinh vật cảnh.