Loại quả này có thể ăn sống, làm siro, mứt, vị chua chua ngọt ngọt khiến ai cũng bị mê hoặc.
Chùm ruột là cái tên lạ lẫm với nhiều người, thế nhưng ở miền Tây, đây lại là thứ quả dân dã quen thuộc. Cây chùm ruột mọc hoang ven các ao, kênh rạch hoặc được người dân miền Tây trồng để làm cảnh. Đến mùa quả chùm ruột lúc lỉu trồng rất bắt mắt.
Theo một số người, có lẽ tên gọi loài cây này bắt nguồn từ chùm trái của nó, giống như ruột động vật. Có 2 loại chùm ruột: Trái chùm ruột có loại chua thanh gọi là chùm ruột chua, có loại chua nhưng pha lẫn vị ngọt gọi là chùm ruột ngọt.
Loại cây này ra hoa vào khoảng tháng 6 đến tháng 8. Ở miền Nam, giá bán của chúng chỉ dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội hay các tỉnh thành khác do cộng thêm chi phí vận chuyển nên giá chùm ruột tươi có thể cao hơn.
Chùm ruột tươi còn được dùng để kho cá, ăn với mắm quẹt hay nấu canh chua cá rô. Theo đó, thay vì dùng me hay chất tạo vị chua thì bà con nội trợ miền Tây thay bằng chùm ruột, vị chua thanh đặc trưng, ngon không lẫn vào đâu được.
Ngoài ăn tươi, trái chùm ruột có thể làm thành các món chùm ruột ngâm mắm đường, mứt chùm ruột muối ớt, mứt chùm ruột dẻo, chùm ruột ngâm chua ngọt... Đặc biệt món mứt chùm ruột để thành thức quà vặt được yêu thích, được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Trước đây, chùm ruột là thứ quả quê ăn "cứu đói" không thể nào quên với những đứa trẻ sống ở miền quê. "Thời đó lúc đói làm gì có nhiều bánh trái và quà ăn vặt như bây giờ, tôi và đám bạn rủ nhau đi hái trái chùm ruột về đổ ra thau dầm với mắm và đường. Đứa nào đứa nấy ăn ngấu nghiến kèm theo nhăn mặt, hít hà, lè lưỡi, … vậy mà chỉ vài phút là hết bay. Giờ mỗi khi nhớ đến quả chùm ruột lại thèm chảy nước miếng", chị Minh Trang (hiện đang sống ở TP.HCM) tâm sự.
Thứ quả dại này giờ đây đã trở thành đặc sản. "Món này khá mất công, người ta phải chịu khó vò chùm ruột tươi cho ra bớt chất chua chát, sau đó mới đi ngào với đường, thêm chút si rô để lên màu đỏ tươi rồi cho thêm mấy lát gừng. Bình thường chùm ruột ngào đường hay để trong hộp hoặc túi bóng, nhưng cũng có nơi xâu thành xiên. Trẻ con tan trường mỗi đứa cầm một xiên là mừng tít mắt", anh Vinh (ở Đà Nẵng) nhớ lại.
Trong y học, trái, lá, vỏ hoặc rễ chùm ruột đều có dược tính. Trái có tác dụng giải nhiệt, bổ gan, bổ máu, làm da mịn màng. Lá đun nước tắm chữa bệnh ngoài da. Vỏ thân cây có khả năng tiêu độc, trị ung nhọt, sát trùng, đặc biệt chống độc đối với nọc rắn...