Loại cây này mọc đầy ở đầm lầy, bờ ao quê nhưng khi lên thành phố lại trở thành đặc sản khiến nhiều người mê mẩn dù giá đắt đỏ.
Dọc mùng là loại cây mọc dại, trước đây chúng có đầy ở bờ ao, bờ ruộng, đầm lầy ở quê và không mang lại giá trị kinh tế. Người dân hái dọc mùng về để nấu canh chua, hoặc muối chua, còn nữa thì nhổ cho lợn ăn, cho gà vịt ăn, không ai mang ra mua bán ở chợ.
Những năm gần đây, dọc mùng "đổi đời" sau khi được nhiều đơn vị thu mua để xuất đi Nhật, Malaysia, Philippines. Người ta đem dọc mùng sấy khô thay vì phơi ngoài trời để giữ nguyên vị.
Dọc mùng sấy khô được ưa chuộng ở thành phố, còn được xuất đi các nước
Theo tìm hiểu, dọc mùng được ưa chuộng cho các món gỏi, thịt nướng ở nước ngoài. Còn ở thị trường trong nước, dọc mùng khô được nhiều nhà hàng, quán ăn sử dụng. Loại này không chỉ dùng để nấu canh chua, nấu bún dọc mùng khi cần mà nó còn là dược liệu chữa một số bệnh ở trẻ nhỏ.
Chị Hoà (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích ăn các món canh dọc mùng hoặc bún bung. Mỗi lần như thế phải ra hàng rau ngoài chợ kiếm dọc mùng tươi về làm. Giờ đây có dọc mùng khô, tiện lợi vô cùng, mua 1 cân có thể ăn trong vài tháng, mang ra rửa sạch rồi ngâm, sau đó đem nấu. Loại này khô nhưng vẫn thơm và giữ được hương vị”.
Chị Hoa, một cơ sở chuyên bán dọc mùng sấy khô ở Hà Nội cho biết, mỗi tháng nhà chị bán cả nửa tạ, có những khách còn đặt riêng để gửi cho con hoặc gửi cho họ hàng ở nước ngoài.
"Cũng chính vì sấy khô nên sạch sẽ và khá tiện lợi cho người dùng. Mùa này hàng không nhiều nên mỗi kg tôi bán 300.000 đồng với hàng loại 1 và 200.000 đồng với hàng loại 2. Hàng loại một được tuyển chọn từ những cây bạc hà ngon, không ngứa nên có giá cao", chị Hoa chia sẻ.
Để làm ra một 1 kg dọc mùng khô phải mất 5 kg tươi. Muốn dọc mùng ngon, giữ nguyên vị, các nhà xưởng thường dùng máy sấy thay vì phơi ngoài trời. Nếu như trước đây dọc mùng tươi phải đóng gói cẩn thận rồi gửi lên thành phố thì bây giờ hầu hết mọi người đều lựa chọn dọc mùng khô, vừa dễ bảo quản lại tiện lợi nữa.
Theo người dân địa phương ở miền Tây, dọc mùng không được trồng đại trà với số lượng lớn như rau xanh nên người dân đa phần trồng thêm để bán kèm với đồ nấu canh chua. Vì là dùng để bán tươi nên hàng khô trên thị trường không nhiều. Gần đây, có vài cơ sở đi thu gom về sản xuất cũng chỉ mang tính thời vụ và bán trong thời gian ngắn.
Tại một số trang thương mại điện tử ở Việt Nam, dọc mùng khô thường được bán theo lạng với giá từ 30.000 đồng/lạng. Theo quảng cáo của người bán, dọc mùng này sẽ không bị ngứa, khi chế biến chỉ cần ngâm cho nở, bóp rửa sạch với nước là có thể nấu ăn được ngay.