Từng là quả mọc dại ở Việt Nam nên khi phát hiện thứ quả này được bày bán trong siêu thị với giá đắt đỏ, nhiều chị em bất ngờ và mua về ăn thử
Cây thù lù còn có tên gọi khác là cây tầm bóp, cây lồng đèn, cây bôm bốp hay cây bùm bụp. Đây là loại quả quen thuộc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường mọc dại ven hai bên bờ ruộng, ven bờ sông, suối hoặc ở những vùng đồi núi thấp. Từ xa xưa, trẻ con đã biết hái quả thù lù làm đồ ăn vặt, gắn liền với câu hát “Thù lù, thù lủ, thù lu/ Ai mà không có, tôi cho thù lù”.
Cây thù lù mọc dại ở ven sông, ven bờ ruộng.
Thực tế, cây thù lù có tên khoa học là Physalis angulata L, thuộc họ nhà cà (Solanaceae). Cây có dạng thân thảo, chỉ cao khoảng tầm 1 mét, thường chia làm nhiều cành và mọc rủ xuống đất. Quả thù lù thuộc loại quả mọng, căng tròn với lớp vỏ nhẵn có đường gân nổi. Khi còn non, trái thù lù có màu xanh và chuyển dần sang màu da cam hoặc đỏ cam khi đã chín. Quả được bảo vệ bởi lớp đài bên ngoài, khi bóp nát sẽ có phát ra tiếng kêu bộp bộp.
Cây thù lù chủ yếu phân bố tập trung ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc… Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra quả thù lù rất giàu vitamin A, C, B3 và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho… Riêng về vitamin A trên cùng một trọng lượng tính nó có thể cao gấp 10 lần quả cherry, gấp 3 lần quả việt quất, gấp 13 lần quả phúc bồn tử và gấp 60 lần quả dâu.
Quả thù lù có giá trị dinh dưỡng rất lớn.
Nhiều năm trở lại đây, trái thù lù vốn mọc dại được bày bán trong các siêu thị, quầy hàng organic với giá lên tới 400.000 đồng/kg. Tại một hệ thống cửa hàng tiện lợi, trái tầm bóp tươi đựng trong hộp nhựa có giá 39.000 đồng/100g (tức 390.000 đồng/kg). Hiện loại quả này cùng phân khúc cạnh tranh với cherry, việt quất, phúc bồn tử, dâu. Đây là thù lù giống Nam Mỹ được trồng ở Việt Nam.
Theo lời giới thiệu, quả thù lù có thể dùng ăn tươi, làm salad, làm bánh kem, mứt, nước ép hoặc dùng làm nguyên liệu trang trí các món ăn… Ngoài tầm bóp tươi còn có sản phẩm chế biến như mứt, sấy, nước cốt… đều có giá cá khá đắt đỏ. Một số nơi quảng cáo sinh tố thù lù cung cấp khoảng 42 miligam vitamin C, trong khi đó, một người lớn trung bình mỗi ngày cần bổ sung 75-90 miligam vitamin C nên là “siêu thực phẩm” cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể.
Thù lù được bày bán trong các siêu thị với giá rất đắt đỏ.
Chị Thanh Phương (35 tuổi, TP. HCM) cho biết: “Chúng tôi đã quen với tên gọi cây tầm bóp hơn là cây thù lù. Cây mọc hoang dại đầy vườn, không cần chăm sóc cũng cứ thế tốt tươi. Cây này ở quê tôi có 2 dạng, một là cây mọc thành bụi như cây thường thấy, 2 là dạng thân leo, trái chín hái ăn vừa mát vừa ngọt. Trái thù lù khi chín đồng loạt thì nhìn cả cây như có hàng loạt chiếc đèn lồng treo trên đó nhìn rất thích”.
Ngược lại với chị Thanh Phương, anh Phạm Hùng lần đầu thấy loại trái cây này trong siêu thị, lạ mắt nên đã mua về dùng thử: “Ăn có vị như quả cà chua bi, thanh mát lạ miệng, mình ăn thấy thích quá nên hôm sau ra mua tiếp cho cả nhà ăn. Sau đó tra cứu trên mạng mới biết có rất nhiều tác dụng với sức khỏe”.
Hiện tại, trên các diễn đàn về trồng cây, rất nhiều người tìm hiểu cách trồng và chăm sóc các giống cây thù lù để lấy trái ăn. Theo lời của chị Bùi Thị Nga, một người chuyên cung cấp thù lù cho các cửa hàng rau quả sạch tại TP. HCM chia sẻ, chị có một vừa trồng cây thù lù ở Lâm Đồng, có chứng nhận VietGap. Thù lù rất dễ sống, phát triển tốt tại những nơi nhiều ẩm, ít nắng và điều kiện thổ nhưỡng phong phú chất dinh dưỡng.
“Vốn là cây dại nên thù lù không có sâu bệnh, không cần phun thuốc, đất đai Lâm Đồng lại rất màu mỡ nên vườn chẳng cần bón phân vẫn cho năng suất, mình đều đổ mối hết cho các siêu thị, chẳng cần quảng cáo người ta vẫn nườm nượp kéo đến hỏi mua, giá trị kinh tế rất lớn”, chị Nga nói thêm.
Thù lù trang trí món ăn, làm sinh tố, ăn sống đều ngon…
Theo chị Nga, những người mua thù lù thường là muốn tìm lại ký ức tuổi thơ vì đây là loại quả khá giống với tầm bóp mọc dại ngày xưa. Một nhóm khác là khách nước ngoài hoặc người Việt từng sống ở nước ngoài nên biết đến những lợi ích của tầm bóp đến sức khỏe.
Đông y từ lâu đã sử dụng quả thù lù chữa bệnh tiểu đường vì có nhiều magiê, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Quả thù lù còn có chứa một số chất có đặc tính chống ung thư như quercetin. Một số axit ellagic, axit gallic và axit chebulagic có trong quả thù lù còn mang lại tác dụng chống oxy. Nghiên cứu cho thấy, quả thù lù giúp cải thiện chứng dư thừa axit dạ dày và điều trị chứng khó tiêu.