Loại cây này thường mọc hoang trong rừng núi hoặc các nương rẫy vùng cao, mấy năm gần đây được người thành phố săn lùng có vì nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Mướp đắng rừng hay còn gọi là khổ qua rừng, là thực vật thuộc họ bầu bí mọc hoang dại ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Caribbean,...
Tất cả các bộ phận thân, lá, quả của khổ qua rừng đều được sử dụng và chúng có tác dụng đối với sức khỏe. Khổ qua rừng có thể được thu hái vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm, dùng ở cả dạng tươi hay dạng khô đều được. Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng, cả người lớn và trẻ nhỏ.
Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ và hỗ trợ điều trị một số bênh lý khác như tiểu đường, huyết áp…
Ở nước ta, loại cây này có thể mọc hoang dại ở nhiều vùng đồi núi khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến hơn ở khu vực miền Nam. Đến mùa, những cây mướp đắng rừng sai trĩu quả, chín rụng đầy gốc nhưng ít ai để ý, chỉ có người dân địa phương hái về sử dụng. Vài năm gần đây, thứ quả dại này lên đời thành loại quả nổi tiếng được người dân thành phố tìm mua khắp nơi.
Anh Hải - một đầu mối bán mướp đắng rừng ở Hà Nội, cho biết quả mướp đắng tươi khó bảo quản, dễ giập nát nên ai muốn đặt loại quả tươi phải đặt trước mới có hàng. Anh Hải thường bán mướp đắng khô với giá lên đến 250.000 đồng/kg, 70.000 - 80.000 đồng/kg tươi.
"Giá bán của mướp đắng rừng chưa năm nào thấp, năm nào vận chuyển khó khăn nên giá có cao hơn một chút. Loại quả khô vừa tiện, vừa dễ sử dụng nên hàng tôi mang ra bao nhiêu cũng hết, nhiều người còn đặt trước. Mùa hè, mướp đắng khô bán chạy nhất vì đó là mùa rôm sảy ở trẻ nhỏ", anh Hải nói.
Chị Bích (ở Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: "Chồng tôi rất thích các loại quả có vị đắng, vì thế năm nào đến mùa tôi cũng đặt hàng của người quen gửi từ Tây Nguyên ra. Tuy nhiên, loại quả này không để được lâu, bảo quản ngăn mát tủ lạnh cũng chỉ được vài tuần nên mỗi lần tôi chỉ lấy độ 5kg để ăn".
Với loại quả tươi có thể dùng để xào thịt, xào trứng. Khi ăn, mọi người sẽ thấy vị đắng nhưng nhai lâu sẽ ngọt bùi và đậm vị hơn loại thường.
Mướp đắng khô có nhiều công dụng, nhưng các chuyên gia cảnh báo có thể gặp một số tác dụng phụ. Một số người không nên sử dụng mướp đắng: những người bị huyết áp thấp, hạ đường huyết; người thiếu canxi, người vừa phẫu thuật…