Trước kia quăng mọc rất nhiều ở dọc bìa chân đồi, bìa rừng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mấy năm trở lại đây, thứ quả lạ này thỉnh thoảng được bán trên mạng với giá lên đến 60.000 đồng/kg, nhiều người tò mò đặt ăn thử.
Trái quăng rừng, nghe tên có vẻ lạ lẫm với một số người nhưng lại là một loại trái rừng quen thuộc với nhiều bà con ở Quảng Ngãi. Ngày xưa, dọc trên con đường vào các bản làng, ra nương rẫy ở vùng miền núi, không khó để bắt gặp trái quăng với cành lúc lỉu quả chín nhuộm đỏ một cung đường. Hợp khí hậu nắng gió của vùng đất này, cây quăng cứ thế phát triển, không cần ai chăm sóc hay bón phân.
Cây quăng rừng có nhiều ở Quảng Ngãi
Trái quăng có tên khoa học là Alangium salviifolium (L.f.) Wang, thuộc họ Thôi chanh - Alangiaceae. Loài này phân bố từ Ấn Ðộ qua qua Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta, cây quăng thường thấy mọc trên núi đá vôi và nhiều nhất là ở Quảng Ngãi.
Lá và quả quăng rừng non.
Cây quăng có thân nhỡ, có gai. Lá hình bầu dục hay xoan ngược, dài 10-20cm, có lông mềm ở mặt dưới. Hoa xếp thành cụm 3-5 cái ở nách lá. Cây cho quả dạng bầu dục hay dạng trứng, hơi dẹp, dài 15-20mm, có cạnh lồi khi khô, bao bởi các thuỳ dài, màu tím rượu vang hoặc ngả đỏ rất lạ mắt. Theo lời bà con Quảng Ngãi, tháng 6, khi rừng núi rền vang bởi khúc nhạc hè của ve cũng là lúc trái quăng chín rộ, từ khi mọc đến lúc ra quả của cây quăng phải mất rất nhiều năm.
Trái quăng rừng là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người
Trái quăng rừng được bà con nơi đây hái về làm trái cây với vị thơm và ngọt đặc trưng kèm vị chua riêng biệt, ăn nhiều sẽ gây rát lưỡi. Tuy lớp vỏ bao bọc bên ngoài khá dày nhưng bóc tách dễ dàng bằng móng tay. Với chiều cao của loại cây này, để hái được trái quăng, bà con thường phải sử dụng thang cao trèo, hoặc dùng sào tre để đập rơi xuống và lượm. Vào mùa, nhiều người đặc biệt là học sinh ở vùng thôn quê lại kéo nhau mang sào đi đập trái quăng để ăn.
Chính vì vậy, trái quăng trở thành những ký ức về thời thơ ấu của nhiều lớp trẻ. Những ngày nắng cháy, đám trẻ thường trốn ngủ trưa đi hái quăng rừng cùng đám bạn trong làng, rồi cùng tìm một bóng mát, vừa ăn vừa hát những bài hát đồng quê. Giờ đây, khi điều kiện vật chất đủ đầy, loại trái này dần thưa bóng ở những vùng quê và cũng không còn được săn đón nhiều. Nhưng khi vô tình bắt gặp, thì đây vẫn là loại trái yêu thích của nhiều người.
Trái quăng rừng không còn nhiều tại Quảng Ngãi, thỉnh thoảng được bán trên chợ mạng với giá 60.000 đồng/kg
Anh Trần Văn Hùng (Quảng Ngãi) đã rời quê nhiều năm, hiện đang sống và làm việc tại TP. HCM. Thi thoảng, anh Hùng bắt gặp được một mẻ trái quăng rừng được ai đó bày bán trên MXH thì ngay lập tức “chốt đơn”: “Xưa ăn quăng nhiều tới độ rát cả lưỡi, giờ xa quê rồi mới nhớ mùi vị của tuổi thơ, thi thoảng có dịp mua được loại trái này để giới thiệu cho các con về tuổi thơ của bố mẹ”.
Từ loại quả rẻ tiền, chín rụng gốc cây ở vườn nhà, quả quăng giờ trở thành một trong những loại đặc sản được bán nhiều ở thành thị. Tại một số nơi, trái quăng hiện có giá 40.000 - 60.000 đồng/kg bởi mùi vị lạ và mang nhiều giá trị dinh dưỡng gây tò mò cho nhiều người.
Tuy vậy, trái quăng ngày càng trở nên hiếm có, kể cả ở Quảng Ngãi. Do không mang lại giá trị kinh tế nhiều như các loại cây trái khác nên cây quăng bị người dân chặt bỏ. Giờ đây, chỉ còn một số ít mọc ở dọc bìa chân đồi, bìa núi vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Một số nơi tận dụng cây quăng làm hàng rào, cây che bóng mát và lấy trái ăn.
Một số nơi vẫn còn cây quăng rừng tự nhiên.
Chị Vân, chuyên kinh doanh đặc sản Quảng Ngãi rao bán trái quăng rừng trên trang cá nhân với giá 60.000 đồng/kg, không phải là hàng có sẵn, khách đặt trước chị sẽ nhờ người nhà ở Quảng Ngãi đi tìm. Chị Vân cho biết: “Nhiều khách hàng thấy quả quăng lạ, lại là loại quả rừng nên rất muốn mua ăn thử. Nói cây trái rừng là biết trái sạch, không thuốc trừ sâu hay chất bảo quản. Khi nào mình mở đợt đặt hàng cũng rất đắt khách nhưng không dám nhận nhiều vì sợ số lượng không đủ để trả hàng cho khách”.
Không chỉ là một loại cây cho quả, cây quăng còn được xem là một phương thuốc quý trong Đông y tại các nước. Ở Ấn Ðộ, vỏ rễ quăng được dùng trị sốt và bệnh ngoài da, cũng dùng làm thuốc chống nôn mửa. Ở Thái Lan, vỏ thân dùng trị hen suyễn và trị bệnh tiêu hóa, gỗ được xem là bổ, dùng trị bệnh trĩ, quả dùng làm thuốc trừ giun.