Ngoài quả mướp, một số bộ phận khác trên cây mướp như lá mướp, hoa, đọt… cũng được sử dụng làm các món ăn ngon mà nhiều người chắn chắn chưa biết.
Mướp là cây thân thảo, thuộc dạng dây leo, thân dài, nhỏ, hình tiết diện đa giác, màu xanh lục nhạt, có năm đường gân chạy dọc. Cây mướp có lá đơn, màu xanh, mọc cách so le, phiến lá có hình trái tim. Lá dài khoảng 8 – 16cm, rộng khoảng 7 – 20 cm, có 5 – 7 thùy theo kiểu chân vịt, mép lá có răng cưa. Mặt dưới của lá có màu xanh nhạt, còn mặt trên có màu xanh đậm, cả hai mặt lá đều có phủ lớp lông nhám màu trắng.
Mướp lá thứ quả quen thuộc trong bữa cơm của người dân Việt Nam
Thế nhưng không phải ai cũng biết được rằng lá mướp có thể ăn được
Đây là loài bản địa của Bắc Phi, lần đầu tiên được khoa học mô tả vào năm 1846. Tại Việt Nam, cây mướp được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu để lấy quả làm thực phẩm. Quả mướp không còn xa lạ với nhiều người, thế nhưng ít ai biết rằng tất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể sử dụng được để làm các món ăn dân dã.
Từ hoa mướp, thân mướp, đọt mướp cho đến lá mướp vừa là món ăn ngon miệng vừa là vị thuốc chữa bệnh. Trong đó, lá mướp là một món rau được nhiều người yêu thích vì hương vị thơm, mát, giòn của nó.
Món ngon từ lá mướp, nhiều người chưa từng được thưởng thức
Lá mướp thường được dùng nấu canh ăn giải nhiệt ngày hè hoặc được dùng xào với thịt bò, tôm tươi, luộc… như một món ăn bổ dưỡng. Lá mướp còn dùng để gói thịt ngỗng, thịt chuột bằm rồi đem hấp tạo nên mùi vị đặc trưng ăn không biết ngán. Vị giòn ngọt của nó sẽ khiến bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn. Tuy nhiên lá mướp hợp nhất là xào tỏi chứ không mấy khi luộc hoặc nấu canh, vì phần nhám của lông đọng lại trên lá có thể làm giảm hương vị thơm ngon của các món ăn.
Quy trình sơ chế lá mướp khá “phức tạp” và cầu kỳ. Khi lựa lá từ giàn mướp, phải chọn cắt vài đọt ở nhánh lá thứ hai kể từ ngọn vì đó là phần mềm và ngọt nhất, lá không được quá già, chưa ngả màu xanh thẫm. Sau đó, tước bỏ lớp xơ bên ngoài, nếu có cả phần đọt và thân thì bẻ thành những đoạn ngắn rồi rửa sạch và để ráo nước. Nếu nấu canh, phải vò nhẹ lá mướp dưới vòi nước để làm giảm độ nhám trên lá. Còn nếu chế biến các món hấp như lá mướp bọc thịt hấp… thì phải chần sơ qua một lần để giữ được độ dai.
Lá mướp là nguồn thực phẩm sạch, được người dân miền Tây rất ưa chuộng. Thông thường người miệt vườn trồng mướp là để lấy quả. Vì vậy, họ thường hái những hoa mướp đực, đọt non và phần lá mướp dùng để chế biến các món ăn. Các phần từ cây mướp đều rất giàu dinh dưỡng, giúp chống oxy hóa và được mệnh danh là “siêu thực phẩm” vì rất tốt cho sức khỏe.
Theo chị Mười (Tiền Giang) ra vườn hái lá mướp cuộn thịt, chị Mười chia sẻ: “Ở miền Tây nhà nào cũng có một giàn mướp, cứ bán hết quả là sẽ còn lại cả cây mướp dài ngoằng, đọt non, hoa đực, lá mướp… nhiều vô kể. Chẳng biết từ bao giờ người ta hái lá mướp để làm các món ăn, từ nấu canh đến xào. Thời xưa đói khổ, có một dĩa lá mướp xào tỏi là bữa cơm nhà đã “đỉnh cao” lắm rồi”.
Cũng theo chị Mười, loại lá này không phổ biến, ít được rao bán, chỉ có ai sành ăn mới biết đến chúng. Bởi vậy người thành phố muốn mua cần phải đặt hàng trước với giá từ 60.000- 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Liên hệ với chị Hoàng Thư, một thương lái bán rau tại chợ Xã Tây (quận 5, TP. HCM), chị cho biết: “Những ai thích hương vị lạ, xen chút đồng quê đều tìm mua lá và ngọn mướp về thưởng thức. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi lá mướp, ngọn mướp được bày bán, nhưng cũng có nhiều người biết rõ đây là loại rau vừa ngon vừa bổ dưỡng. Hàng không có nhiều nên bán trong buổi sáng là hết veo".
Không chỉ là đặc sản, lá mướp còn có công dụng chữa bệnh. Trong Đông y, lá mướp có vị đắng, chua, tính hàn nhẹ, có tác dụng chống viêm, chữa viêm họng, chảy máu chân răng và một số bệnh khác. Lá mướp có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm nên rất có tác dụng trong việc điều trị mụn nhọt.