Cây bìm bịp mọc ở khắp nơi từ hàng rào, bờ suối, bìa rừng,... Ít ai biết được rằng đây là thứ rau đặc sản vừa ngon vừa hiếm và còn tốt cho sức khỏe.
Rau bìm bịp, còn có tên gọi khác là rau mảnh cộng, rau xương khỉ… Cái tên này ra đời là vì truyền thuyết con chim bìm bịp non bị gãy chân, chim mẹ liền tha loại lá cây này về đắp cho con, chỉ vài hôm là lành. Bìm bịp có tên khoa học là Clinacanthus nutans, được công bố lần đầu vào năm 1768 dưới danh pháp Justicia ở nước Ấn Độ.
Cây bìm bịp mọc thành bụi, có thể cao tới 3m, lá nguyên, cuống ngắn, mặt hơi nhẵn, màu xanh thẫm. Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Lá khô có mùi thơm đặc trưng, như mùi cơm nếp nên thường dùng để ngâm bột gạo nếp, làm bánh. Hoa màu đỏ hay màu hồng, rủ xuống ở ngọn; tràng hoa có 2 môi, môi dưới có 3 răng; bao phấn vàng xanh, quả hình chùy dài khoảng 1,5cm, cuống ngắn, chứa 4 hạt.
Rau bìm bịp mọc dại ở khắp nơi
Đây là hoa của cây bìm bịp
Tại Việt Nam, bìm bịp là loại cây mọc nhiều ở vùng nông thôn, từ bìa rừng, suối cho đến hàng rào. Đây là loại rau rừng rất quen thuộc với các chiến sĩ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam, được dùng thay cho một phần lương thực bị thiếu hụt để chế biến các món ăn như canh, xào, ăn sống…
Hiện nay, cây bìm bịp thường dùng để ăn kèm với lẩu thịt, lẩu cá hoặc dùng nấu canh với thịt bằm, canh tôm, canh cua rất ngon và giàu dinh dưỡng. Rau bìm bịp có mùi thơm nhẹ, có thể hơi khó ăn đối với những ai mới lần đầu ăn, nhưng đã từng thưởng thức qua loại rau này sẽ nhớ tới vị ngọt thanh đặc trưng của bát canh rau bìm bịp, chẳng cần nêm bột ngọt hay đường vẫn chuẩn vị ngọt như nấu canh cua. Bìm bịp phơi khô làm trà, sắc thuốc, ngoài ra còn được dùng để ướp bánh làm bánh mảnh cộng nức tiếng gần xa.
Món canh cua bìm bịp
Bánh mảnh cộng.
Đặc biệt, món bánh này phải lấy lá cây giã nát vắt lấy nước cốt rồi hoà vào bột nếp. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh hấp nhuyễn trộn với dừa sợi và đường cát trắng. Nhân đậu xanh ngọt bùi vàng ươm ở giữa, bao xung quanh là bột nếp dẻo thơm, ngát xanh màu lá, phảng phất vị cây. Bánh được vo tròn, gói lá chuối, hấp cách thủy. Món bánh mảnh cộng là tuổi thơ của bao nhiêu đứa trẻ lớn lên ở vùng Bắc Bộ, quen với nhiều loại bánh trái từ vườn nhà.
Bà Hồng Hà, chủ một tiệm bánh cổ trên phố Hàng Bút vẫn bán loại bánh mảnh cộng nức tiếng gần xa này. Bà Hà cho biết: “Bà tôi bảo: “Ăn canh mảnh cộng (bìm bịp) như ăn cua ăn tôm ấy. Rau này có nhiều canxi, tốt cho xương. Các cháu thường xuyên ăn sẽ khỏe mạnh”. Còn tôi thì vẫn thích nhất là bánh mảnh cộng, đọng lại vị của nếp dẻo, của lá thơm, của đậu và của cả những xúc cảm ngày thơ ấu vọng về”...
Tuy còn rất ít người làm bánh mảnh cộng như bà Hồng Hà, nhưng các món ăn từ rau bìm bịp lại trở nên phổ biến hơn.
Rau mảnh cộng khô có giá 100.000 đồng nửa cân
Không được bày bán ngoài chợ như những loại nông sản khác, rau bìm bịp thường được bán theo đơn hoặc trong những cửa hàng thực phẩm sạch. Là loại rau đặc sản, mọc tự nhiên trong rừng, ven suối hay trên vách đá cao nên rau thường có giá khá đắt đỏ, số lượng cũng khiêm tốn. Muốn mua nhiều, người mua phải đặt trước vài hôm mới có hàng. Ngoài ra có thể săn lùng trên các sàn thương mại điện tử, giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg cho rau bìm bịp tươi, khoảng 200.000 đồng/kg đối với cây bìm bịp khô.
Liên hệ tới một cửa hàng có bán rau bìm bịp tại Hà Nội, chị Minh Nhi (chủ cửa hàng) cho biết: “Loại rau này có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, hoặc một số tỉnh như Thanh Hóa, Tây Ninh… Từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết thuận lợi nên rau rừng mọc nhiều, giá cả vì thế cũng rẻ hơn. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ cả tiền triệu, đặt mua số lượng lớn về ăn dần. Đa phần là nấu canh, ăn lẩu hoặc làm thuốc cũng có”.
Trung bình, mỗi ngày cửa hàng chị Minh Nhi bán khoảng 40 – 50kg rau rừng, trong đó có cả rau bìm bịp. Tuy nhiên để tìm được nguồn cung chuẩn không phải đơn giản bởi ngay ở Hà Nội, một số vùng cũng thử nghiệm trồng các loại rau này rồi nhưng chưa thu được kết quả khả quan. Một đầu mối đổ buôn các loại rừng ở Hà Nội khẳng định, ngày cao điểm có thể bán từ 10kg rau bìm bịp cho các khách lẻ.