Mầm đá không chỉ là một loại rau trong truyền thuyết mà còn là đặc sản nổi tiếng của đất Sapa (Lào Cai), mấy năm gần đây được bán với giá đắt đỏ.
Rau mầm đá Sapa còn có tên gọi khác là cải mầm đá, có vẻ bề ngoài khá giống cây cải ngồng mà chúng ta thường ăn, nhưng phần bẹ thường to và có nhiều nhánh hơn. Do phần lá của cây khá ít nên khi nhìn vào sẽ liên tưởng đến hình ảnh hòn đá mọc mầm, có lẽ vì vậy mà cái tên “mầm đá” ra đời.
Rau mầm đá có vẻ bề ngoài khá giống cây cải ngồng mà chúng ta thường ăn, nhưng phần bẹ thường to và có nhiều nhánh hơn
Loại rau này thường mọc tự nhiên tại những đỉnh núi trên cao như Sapa, Lào Cai, Hà Giang… và chỉ có thể thưởng thức món ăn này vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm - thời điểm lạnh nhất trong năm. Theo lời người dân Sapa, rau mầm đá vào tiết trời càng lạnh thì rau càng ngọt và giòn.
Cải mầm đá Sapa có vị ngọt thanh, ăn giòn và mềm lại thơm như cơm tấm nhưng đậm hơn. Điều đặc biệt, mầm đá chỉ có thể xào với mỡ lợn trên lửa củi Pơ Mu, được dân sành ăn tôn là đệ nhất món. Nếu xào cải với dầu thực vật hay với những loại mỡ khác thì mầm đá tự nhiên chuyển sang màu vàng và không có mùi thơm.
Đặc sản Sapa có vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm
Đặc biệt, cái tên “mầm đá” khiến nhiều du khách liên tưởng đến một món ăn cứng và phải chờ lâu trong câu chuyện dân gian Trạng Quỳnh. Thế nhưng điều bất ngờ là khi chế biến món này lại rất nhanh chóng, nếu người nấu chỉ cần sơ sẩy vài giây thì rau sẽ bị nhũn. Mầm đá có thể dùng để luộc, xào, nấu canh, làm salad, làm gỏi… Bất kỳ nhà hàng đặc sản nào ở Sapa cũng đều phục vụ đa dạng các món ăn làm từ loại rau này.
Liên hệ với anh Hùng Văn - một chủ nhà hàng tại Sapa, anh cho biết món “mầm đá” là một trong những món ăn đắt khách nhất nhì tại nhà hàng. Ngoài các món ăn dân dã từ rau mầm đá, nhà hàng còn phục vụ món mầm đá muối chua để làm quà mang về. Món ăn đặc sản Sapa này không phải ai cũng biết nhưng thực khách đã một lần thưởng thức sẽ muốn ăn thêm và mua về.
“Đến Sapa phải ăn mầm đá xào thịt trâu, mầm đá luộc chấm muối lạc… rồi mua một hộp mầm đá muối chua mang về làm quà thì mới gọi là khám phá hết cái nét tinh hoa của Sapa”, ông chủ nhà hàng hài hước cho biết.
Những món ngon, hấp dẫn được chế biến từ rau mầm đá.
Chính vì mầm đá rất đắt khách nên nhiều người dân tại Sapa, Lào Cai đã tận dụng loại rau rừng này để khai thác, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Loại rau này xưa vốn chỉ mọc hoang trên các triền núi, nay đã được mang vào sản xuất nông nghiệp. Người dân tại đây còn tìm cách để trồng trái vụ rau mầm đá, nhân giống rau sao cho phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, thích nghi cao với biến đổi khí hậu vùng cao bằng cách ứng dụng các biện pháp kỹ thuật.
Trung bình, 1kg rau mầm đá được người dân Sapa bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg. Một số hộ gia đình còn ký hợp đồng cung ứng với các siêu thị lớn để mang đặc sản Sapa về phố thị, tiếp cận rộng rãi tệp khách hàng. Một số khác bán nhỏ lẻ, thường trồng rau mầm đá để mang ra chợ bán hoặc đổ mối cho các nhà hàng tại Sapa. Nhờ đó, doanh thu 1ha trồng rau mầm đá có thể dao động 500 - 700 triệu đồng/năm.
Nhờ sản xuất với quy mô rộng rãi, rau mầm đá rất dễ để tìm mua. Tại các chuỗi siêu thị lớn, loại rau này được bày bán với mức giá 50.000 - 100.000 đồng/kg tùy thời vụ. Chưa kể, nếu tìm mua trên các sàn thương mại điện tử, loại rau này cũng được cung ứng kịp thời, chất lượng đảm bảo, giá thành không chênh lệch nhiều. Hoặc nếu có dịp ghé chợ phiên Sapa, có thể mua loại rau này với giá cực rẻ lại rất tươi ngon.
Mầm đá vừa là một món ăn đặc sản vừa là một món rau bổ dưỡng. Theo người dân bản xứ, cải mầm đá được xem như một vị thuốc an thần và chữa đau xương khớp. Bởi vậy, những người thường xuyên leo núi thường ăn mầm đá để duy trì sức khỏe. Đặc biệt, theo dân gian nếu uống rượu với mầm đá, bạn sẽ không bao giờ bị say bởi loại rau kỳ lạ này giải được rượu.