Loại rong này được bán trên thị trường với giá khoảng 200.000 đồng/kg. Nó được ví như "lộc trời" mang lại thu nhập cho người dân miền biển.
Ngoài dún đá, rêu đá, ở Việt Nam còn có một thứ được ví như "lộc trời" mọc trên đá, đó là rong mứt. Rong mứt hay còn gọi là rong mứt biển, rong biển đen, tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta sinh sống và phát triển tự nhiên ở khu vực nước lợ hoặc vùng nước biển nông.
Rong mứt là đặc sản nổi tiếng ở các vùng biển miền Trung, chứa nhiều dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng
Theo tìm hiểu, rong mứt có ở vùng biển các tỉnh miền Trung, chúng mọc trên các gành đá, dập dềnh nơi chân sóng. Chị Chính - một người dân ở Quảng Nam cho biết: "Rong mứt mỗi năm chỉ có một mùa, chúng chỉ xuất hiện vào mùa đông, năm nào biển càng động thì rong mứt càng nhiều. Chính vì vậy mà việc khai thác rong mứt cũng không dễ dàng chút nào. Khi đi khai thác rong mứt thường mang theo chiếc giỏ tre để đựng và một miếng nhôm để cạo rong mọc ở những gành đá".
Người dân vùng biển thường chia rong mứt thành 2 loại: Rong mứt cọng và rong mứt sợi. Rong mứt cọng thường mọc ở các gành đá sát bờ, cọng rong to hơn, được bán giá thấp hơn, vào mùa khoảng 150.000 đồng/kg. Còn rong mứt sợi thường mọc ở các gành đá xa bờ, cọng rong nhỏ như sợi chỉ mành, được bán với giá cao hơn, khoảng 200.000 đồng/kg tươi.
Bà Tám, 51 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết mùa rong mứt kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch năm sau. Hái rong mứt phải tùy thuộc vào con nước, khi thủy triều xuống, bãi đá lộ thiên mới hái được.
Rong mứt khô nấu thành nhiều món ngon
Sau khi khai thác về, rong mứt được rửa sạch bằng nước ngọt sau đó cho vào tấm vải màn để vắt sạch nước. Bước tiếp theo là trải lên các tấm phên tre để phơi giữa trời. Ngoài rong mứt tươi thì rong mứt khô cũng rất được ưa chuộng, có thể bảo quản được lâu và gửi đi khắp các tỉnh thành. "Một kg rong tươi phơi khô được gần hai lạng khô, bán giá 200.000 đồng một lạng", bà giải thích.
Từ rong mứt có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh tôm, thịt băm, cá khoai tươi, tép, hến hoặc củ quả. Nếu như trước đây, rong mứt là món "nhà nghèo", chỉ có người dân miền biển đi khai thác về để chế biến các món ăn dân dã thì giờ đây chúng đã có mặt trong các nhà hàng đặc sản, có mặt trên các sàn thương mại điện tử và chợ mạng với giá không hề rẻ.
Nghề khai thác rong mứt tuy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng mang lại nguồn thu nhập cho bà con vùng biển
Chị Chính chia sẻ thêm: "Ngày trước, canh rong mứt biển là món của mùa đông vì sự xuất hiện của nó chỉ có trong mùa này và người dân chỉ dùng tươi. Thì bây giờ khi khai thác được nhiều, người dân đã biết trữ rong mứt bằng cách cấp đông hoặc phơi khô để đãi khách và bán ra thị trường".
Ở các vùng biển Quảng Nam, Khánh Hòa, nghề thu hái rong mứt vào mùa đông cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Sau khi khai thác, rong mứt được làm sạch, hoặc đem phơi khô sau đó bán cho thương lái.