Món bánh "nhà nghèo" giờ thành đặc sản hút khách ở thành phố, ngày bán vèo vèo cả nghìn chiếc

H.A - Ngày 23/04/2022 12:00 PM (GMT+7)

Bánh ít lá gai gắn là món quà vặt gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Định. Giờ đây, thứ dân dã này đã trở thành đặc sản nổi tiếng, bán đi khắp các tỉnh thành.

Về Quy Nhơn (Bình Định), du khách phải dừng chân thưởng thức món bánh ít lá gai trứ danh của “xứ Nẫu", rồi nghe câu ca dao: "Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi"...

Không đủ đầy, dư dả và có nhiều quà bánh, đồ chơi như trẻ con thế hệ 9X, 10X…, với những ai sinh ra và lớn lên vào những năm 70, 80 thì quà vặt như một thứ gì đó “xa xỉ" mà bất kỳ đứa trẻ nào khi nghe đến cũng thấy thèm thuồng. Dẫu vậy, các bà các mẹ từ lâu vẫn luôn tìm cách “chiều lòng" con trẻ bằng cách nghĩ ra nhiều loại bánh dân dã, từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn, trong nhà để dỗ dành con. 

Món bánh amp;#34;nhà nghèoamp;#34; giờ thành đặc sản hút khách ở thành phố, ngày bán vèo vèo cả nghìn chiếc - 1

Bánh ít lá gai Bình Định.

Bánh ít lá gai Bình Định.

Giống như trẻ con đất Bình Định cái thuở chân đất đầu trần, những chiếc bánh ít lá gai là món ăn vặt quen thuộc. Gọi là bánh ít lá gai vì để làm nên loại bánh này không thể thiếu một trong những thứ nguyên liệu là lá gai, một loại lá mọc bạt ngàn nơi vùng quê Bình Định. Người ta trồng cây gai để lấy sợi làm lưới đánh cá, rồi chẳng biết từ bao giờ, lá gai được dùng để làm món bánh ít lá gai vừa dân dã lại vừa ngon lành.

Làm bánh ít lá gai cũng vô cùng kỳ công. Đầu tiên phải chọn nếp loại dẻo, ngâm với nước một đêm. Sáng sau bỏ vào cối đá xay thành bột, cho vào túi vải, đăng cho ráo nước. Đăng bột tức là cho nước bột vào túi vải, rồi dùng vật nặng đè lên cho nước vắt ra từ từ đến cạn khô, chỉ còn lại trong túi nguyên khối bột mịn). Lá gai chọn loại dày, tức không quá già mà cũng không quá non, trộn thêm củ gừng, giã nhuyễn, cho thêm chút nước, vắt lấy nước bỏ xác. Nước trộn với bột, nhào nhuyễn, vậy là có bột để làm bánh. 

Món bánh amp;#34;nhà nghèoamp;#34; giờ thành đặc sản hút khách ở thành phố, ngày bán vèo vèo cả nghìn chiếc - 3

Công đoạn làm món bánh ít lá gai khá kỳ công

Công đoạn làm món bánh ít lá gai khá kỳ công

Nhân bánh thường là đậu xanh luộc chín bỏ vỏ, hấp nhuyễn, xào lên trên bếp than hồng cùng với gừng, khi nào bốc mùi thơm là đường đã "tới". Dừa nấu chín với đường, cho thêm ít gừng cho đến khi khô lại là được. Lá chuối được cắt từng miếng lớn hơn bàn tay, hơ qua lửa cho mềm và khoanh tròn hình phễu, bôi một lớp dầu lên mặt để cho lá khỏi dính vào bánh sau khi hấp chín. Nặn bánh với nhân đậu và dùng tay xoay đến khi cái bánh tròn, gói kín trong lá chuối. Cuối cùng dùng xửng hấp bánh trong 20 phút là hoàn thành.

Kỳ công là vậy, nhưng đám con nít thời xưa thích nhất là được gói bánh, cảm giác như được chơi đồ hàng. Cứ khi nào bà hay mẹ gói bánh là cả đám xúm vào xin được gói cùng. Từng đứa tranh nhau véo cục bột, vo viên trong lòng bàn tay như được chơi đất nặn vậy rồi đè bẹp ra, sau đó bỏ cục nhân nho nhỏ vào, vo tròn lại. Cứ thế mê mẩn cả buổi chiều, ngồi chờ nồi bánh ít lá gai chín bốc hơi thơm phức. 

Cầm được chiếc bánh vừa mới bắc ra khỏi bếp, bánh nóng quá vừa trở trong tay, vừa thổi vừa chạy, xuýt xoa nhưng vẫn cố cầm để không bị rớt, ba bốn đứa khác rượt theo tranh nhau đòi ăn chung. Cắn một miếng, vị ngọt bùi của nhân đậu xanh, vị béo của dầu, vị ngọt của đường, độ dẻo của nếp quyện nhau ngập đến tận chân răng. Hương vị ngọt ngào của món quà vặt "xa xỉ" tuổi thơ này không đâu sánh bằng.

Thời gian trôi đi, cuộc sống không còn khó khăn như thời tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X… thế nhưng món bánh ít lá gai đã trở thành đặc sản của “xứ Nẫu" Bình Định. Không chỉ luôn xuất hiện trên các mâm cúng cỗ vào các dịp Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ…, món bánh ít lá gai còn theo chân các chuyến hàng về thành thị, được bày bán rất rộng rãi và vô cùng đắt khách. Tại TP.HCM, không khó để tìm bánh ít lá gai đặc sản Bình Định tại các cửa hàng, siêu thị với mức giá không quá đắt đỏ, chỉ tầm 8 - 15.000 đồng/chiếc tuỳ theo kích thước. 

Món bánh amp;#34;nhà nghèoamp;#34; giờ thành đặc sản hút khách ở thành phố, ngày bán vèo vèo cả nghìn chiếc - 5

Món bánh ít lá gai được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng với mẫu mã bắt mắt.

Món bánh ít lá gai được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng với mẫu mã bắt mắt.

Từng chiếc bánh ít lá gai bọc trong lá chuối, nay đã được khoác thêm lớp “bao bì" bắt mắt, vừa để thu hút khách hàng, vừa là để bảo quản bánh trong quá trình vận chuyển không bị hư hỏng. Dù vậy, bánh ít lá gai vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, mộc mạc chân chất.

Theo chia sẻ của anh Huỳnh Văn Lý (người Tuy Phước, Bình Định) - chủ một cửa hàng đặc sản tại quận 5: “Bánh ít lá gai mình nhập hàng ở ngay quê mình, xứ Tuy Phước nổi danh với món bánh truyền thống này. Mỗi chiếc bánh mình lãi ít lắm, lấy công làm lời nhưng muốn đem món bánh mang đậm hương vị quê hương đến với người dân thành thị. Trung bình mỗi đợt mình nhập từ 1000 - 2000 bánh, chỉ bán trong vòng 2 - 3 ngày là xong vì bánh cũng có thời hạn sử dụng ngắn".

Cũng theo anh Lý, người con đất Bình Định dù bôn ba khắp chốn nhưng vẫn không sao quên được món bánh ít lá gai trong các dịp lễ Tết, là món quà dâng tổ tiên trong các dịp đại lễ, các nghi lễ quan trọng. 

Loại quả xưa chín rụng không ai hái, nay thành đặc sản cực ngon giá đắt ở thành phố, 150.000đồng/kg
Quả mắc nhung (có nơi gọi là cà đắng) là loại quả đặc sản của đất Phù Yên, có thể chế biến làm nhiều món ngon trứ danh như nấu cháo và làm mọ. Giờ...

Đặc sản 4 phương

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương