Quả mắc nhung (có nơi gọi là cà đắng) là loại quả đặc sản của đất Phù Yên, có thể chế biến làm nhiều món ngon trứ danh như nấu cháo và làm mọ. Giờ đây, mắc nhung được bán ở thành phố với giá đắt đỏ.
Quả cà đắng Phù Yên, còn được biết đến với nhiều tên khác như tiếng Thái gọi là mắc nhung… Mắc nhung được tìm thấy ở những vùng có khí hậu mát mẻ của Tây Bắc như xã Tân Lang, Mường Do và các bản Suối Pai, Suối Nhúng của xã Huy Tường... Đặc biệt, cứ vào tháng 10 hàng năm, mắc nhung lại nở rộ ở các bìa rừng trên miền đất cao nguyên Sơn La trùng điệp, nhiều nhất là ở Phù Yên.
Đây là một loại quả cùng họ với cà chua kích thước bé, khi quả chín rụng xuống và phát triển thành cây non, mọc thành từng đám, leo quanh các thân cây, hoặc bò lan dưới mặt đất, càng chỗ đất ẩm gốc hoặc thân cây càng to, thì càng sai quả. Trên thân dây leo, những chùm quả mọng như chùm nho, ken đặc trong màu lá xanh thẫm.
Cứ vào tháng 10 hàng năm, mắc nhung lại nở rộ ở các bìa rừng trên miền đất cao nguyên Sơn La trùng điệp
Từ lâu, đồng bào Mường, Dao nơi đây thường hái mắc nhung ở nương dong riềng hoặc vách đá dọc các bìa rừng về dùng trong các bữa cơm hàng ngày, nó được xem là quả "cứu đói". Khi chế biến thành món ăn, mắc nhung có vị ngăm ngăm đắng, nhưng bùi, thơm ngậy, đậm đà. Phổ biến và hấp dẫn nhất là món cháo mắc nhung.
Tìm đến Phù Yên gặp anh Phù A Chảng (người dân tộc Dao, 37 tuổi), anh cho hay: “Muốn có một bát cháo mắc nhung thơm ngon, trước hết phải chọn được mớ quả tươi, nhặt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước. Khi chế biến, cho chút dầu vào chảo nóng rồi cho thịt băm vào đảo đều tay, đến khi thịt vàng ươm, dùng bột gạo nếp dẻo pha với lượng nước vừa đủ, khuấy đều rồi đổ chung vào nồi nấu, thêm gia vị, bột nêm, nước mắm, gừng, hạt tiêu, rồi cho quả mắc nhung vào đảo. Khi nồi cháo sôi, bốc mùi thơm phức là chín. Thực khách chỉ cần múc thìa cháo vào bát, rắc thêm chút rau mùi, thì là…”.
Ăn cháo mắc nhung làm món khai vị vừa lành dạ, vừa no lâu lại vừa bổ dưỡng.Quả mắc nhung căng mọng, vỡ tan, nhẩn đắng hòa với vị của thịt, của rau thơm, hạt tiêu... làm nên đủ vị đắng, cay, mặn, ngọt quyện vào nhau. Món ăn thật sự mang hương vị đặc trưng, riêng có của người dân vùng núi Tây Bắc.
Cháo mắc nhung.
Mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển du lịch tại mảnh đất Phù Yên, nhiều du khách khi tới mảnh đất này và thưởng thức món ăn Tây Bắc từ quả mắc nhung đã đem lòng yêu thích. Khi nhiều người biết đến, loại quả này được bày bán khắp các chợ trong huyện. Xen kẽ giữa hàng rau, thịt, cá là những rổ tre, những chiếc sọt của đồng bào bày bán mắc nhung. Những chùm quả vừa độ chín tròn đều, béo múp, màu xanh đậm, quả già, chín hơn có màu cam hoặc đỏ thẫm, được bán với giá từ lên tới 150 nghìn đồng/kg.
Về Hà Nội, để tìm được quả mắc nhung phải ghé đến các cửa hàng rau sạch, hàng đặc sản Tây Bắc. Chị Huỳnh Thu Vy (chủ cửa hàng rau sạch Tây Bắc) cho biết cứ đến mùa là mắc nhung rất đắt khách. “Mắc nhung chỉ có duy nhất một mùa trong năm, bảo đảm sạch, nên được nhiều người mua về chế biến trong bữa ăn cho gia đình. Ai ghé Tây Bắc mà đã ăn qua quả này một lần thì sẽ không thể nào mà quên được những món ăn chân chất, mang hương vị riêng của vùng quê Phù Hoa giàu bản sắc văn hóa dân tộc”, chị Vy chia sẻ.
Theo lời chị Vy, quả mắc nhung được chính người đồng bào Dao, Mường tại Phù Yên hái vào các đợt trong năm, sau đó đóng gói và vận chuyển bằng xe khách tới Hà Nội trong ngày nên đảm bảo chất lượng tới tay khách vẫn còn tươi ngon. Trung bình vào mùa mắc nhung, mỗi ngày cửa hàng chị Vy tiêu thụ từ 2-3 chục cân mắc nhung, chủ yếu là khách quen phải đặt trước mới có hàng, còn khách vãng lai vẫn không có đủ nguồn hàng để cung cấp. Chính vì vậy mà giá mắc nhung tại đây mắc hơn so với tại các chợ Phù Yên, chợ Tây Bắc.
Không chỉ là loại món ăn đặc sản của người Phù Yên và Tây Bắc, mắc nhung còn có nhiều lợi ích như kích thích sự thèm ăn, mát gan, sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể… Chính vì vậy, đây không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là bài thuốc hữu hiệu cho sức khỏe của người miền núi và là “phương thuốc” bồi bổ công lực cho người ốm yếu, bị bệnh…