Dẫu chuẩn bị sẵn tâm lý Cẩm sẽ ra đi nhưng vợ chồng bà Thu vẫn không thể chấp nhận hiện thực. Thời gian đầu bà giống như người mất hồn, lúc nào cũng nghĩ đến con gái bạc mệnh.
Cách đây gần 1 năm, câu chuyện người mẹ nặng vỏn vẹn 20 kg vượt “cửa tử”, giành giật sự sống cho con gái Kỳ Tích chào đời đã khiến dư luận xúc động. Người mẹ “siêu nhân” đó là Tú Cẩm (25 tuổi, Quảng Ngãi) – mắc căn bệnh teo cơ đốt sống cổ khi mang thai đứa con thứ 2.
Mẹ “siêu nhân” qua đời sau 3 tháng sinh con Kỳ Tích
Chiều 9/6, chúng tôi tìm về xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành thăm hai mẹ con Tú Cẩm. Vừa vào nhà, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy tấm di ảnh của chị đặt phía bên trái ban thờ.
“Kỳ Tích chào đời, Cẩm gắng gượng được 3 tháng thì… đi. May mắn nó cũng tỉnh để được gặp mặt con lần cuối”, bà Nguyễn Thị Thu (49 tuổi, mẹ Cẩm) buồn rầu kể lại.
Bà Thu cho biết, những ngày cuối đời, Cẩm với cơ thể gầy gò chằng chịt dây nhợ vẫn cố gắng liên tục mở mắt nhìn về phía bà rồi rưng rưng như muốn hỏi: “Con của con đâu hả mẹ?”.
“Ngày nhập viện điều trị bệnh, Cẩm nói với tôi dù chết cũng phải nuôi cái thai lớn và nhìn thấy mặt con. Lúc Kỳ Tích chào đời, tôi đã thấy nó khóc dù đang hôn mê. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người mẹ khao khát được gặp con... mong muốn được ẵm con vào lòng. Cuối cùng, nó cũng đã thấy con gái nhưng sẽ không bao giờ được thỏa ước nguyện làm mẹ”, bà Thu bật khóc.
Những ngày cuối đời, Cẩm với cơ thể gầy gò chằng chịt dây dợ vẫn cố gắng liên tục mở mắt nhìn về phía bà rồi rưng rưng như muốn hỏi: “Con của con đâu hả mẹ?”.
Dẫu chuẩn bị sẵn tâm lý Cẩm sẽ ra đi nhưng vợ chồng bà Thu vẫn không thể chấp nhận hiện thực. Thời gian đầu bà giống như người mất hồn, lúc nào cũng nghĩ đến con gái rồi khóc thương con còn trẻ đã “đoản mệnh”. Và... chính tiếng khóc của Kỳ Tích đã vực bà ra khỏi nỗi đau đớn ấy.
“Con bé mới vài tháng tuổi nhưng hiểu chuyện lắm. Mỗi lần tôi khóc nhớ Cẩm là nó cũng khóc ầm nhà luôn, phải dỗ dành mãi mới chịu nín. Có lẽ Kỳ Tích không muốn tôi buồn, mong mẹ nó ở trên đó được thanh thản nên đã phản ứng vậy”, bà Thu nói.
Vừa dứt lời, bà Thu đưa đôi mắt ngấn lệ hướng về phía di ảnh của con gái xấu số. Bà từ từ kể về tháng ngày Cẩm mang thai Kỳ Tích rồi bất ngờ phát hiện mắc bệnh teo cơ đốt sống cổ.
Bà Thu vỡ òa hạnh phúc khi nghe thấy tiếng cháu ngoại cất tiếng khóc chào đời, nặng 1.9kg.
“Gia đình tôi đưa Cẩm đi khắp các viện từ trong Nam lẫn ngoài quê khám chữa nhưng không có tiến triển. Cơ thể nó cứ teo đi, chỉ còn nặng 20kg và truyền thức ăn nước uống qua ống dẫn. Bác sĩ khuyên nó bỏ cái thai để đảm bảo an toàn tính mạng nhưng nó khăng khăng giữ lại.
Ngày bác sĩ báo sẽ tiến hành ca mổ mắt Kỳ Tích, tôi vừa lo sợ vừa hồi hộp không biết mẹ con nó có vượt qua hay không? Đến tối, tôi vỡ òa hạnh phúc khi nghe thấy tiếng cháu ngoại cất tiếng khóc chào đời, nặng 1.9kg”, bà Thu nhớ lại.
"Kỳ Tích chưa từng được bú một giọt sữa nào của Cẩm…"
Do Kỳ Tích chào đời với cân nặng quá nhẹ lại phải cách ly mẹ, vì thế việc chăm sóc và nuôi dưỡng đều một tay bà ngoại lo liệu. Bà Thu bảo, mấy tháng đầu, bé thường hay khóc quấy đêm và không chịu bú sữa ngoài. Bà đành phải gửi cháu ở bệnh viện nhờ y tá trông giùm rồi chạy vạy khắp nơi xin người ta sữa.
“Mấy cô biết hoàn cảnh của Kỳ Tích đã gom sữa rồi quần áo cũ gửi cho con bé. Tôi cũng chạy khắp nơi xin với hi vọng có đủ sữa cho cháu ăn. Con bé tội nghiệp lắm, nó vẫn chưa từng được bú một giọt sữa nào của mẹ”, người bà gần 50 tuổi tâm sự.
Bé Kỳ Tích hiện gần 12 tháng tuổi, tuy nhiên chỉ nặng 7.5kg và đang tập ăn dặm. “Nhiều người bảo tôi cho con bé ăn bột từ hồi 6 tháng nhưng nó quá bé lại không khỏe như những đứa trẻ khác. Bởi vậy, tôi quyết định cho cháu ăn sữa đến gần đây mới tập ăn dặm. Trộm vía nó ăn gần hết bát bột. Con bé cũng cứng cáp hơn rất nhiều, có thể ngồi xe đẩy và bi bô bắt chuyện với ông bà”, bà Thu kể.
Bé Kỳ Tích hiện gần 12 tháng tuổi, tuy nhiên chỉ nặng 7.5kg và đang tập ăn dặm.
Một người mẹ nuôi một đứa trẻ vốn đã vất vả và tốn kém, với bà Thu, điều đó khó khăn hơn gấp nhiều lần. Mỗi tháng bà tốn khoảng 3 triệu đồng mua sữa và bỉm cho cháu ngoại. Số tiền ấy chủ yếu dựa vào tiền làm công của chồng bà.
“Hơn 1 năm nay, tôi cứ quẩn quanh ở nhà trông coi Kỳ Tích, không làm được việc gì. Mọi lo toan cuộc sống đều đổ dồn lên đôi vai của ông xã. Hễ ai mướn làm việc gì là ông ấy đi liền với hy vọng kiếm được dăm ba chục mua sữa cho cháu”, bà Thu thở dài.
Bà Thu vừa làm bà ngoại, làm mẹ lẫn làm cha của Kỳ Tích.
Nhắc đến con rể - chồng Cẩm, người phụ nữ đầu 2 thứ tóc nhoẻn miệng cười: “Ngày Cẩm phát bệnh, cậu ta đã bỏ mặc 2 mẹ con nó rồi dẫn bé lớn về bên nội sinh sống. Khi Cẩm sinh Kỳ Tích, tôi cũng gọi điện thông báo nhưng đến nay vẫn chưa thấy qua nhìn mặt con một lần. Vợ chồng tôi không hề oán giận gì, chỉ mong cậu ta qua thăm con để nó đỡ tội nghiệp. Nó đã không có mẹ, giờ cũng không có bố…”.
Bà Thu vừa làm bà ngoại, làm mẹ lẫn làm cha của Kỳ Tích. “Công việc” đó sẽ theo bà suốt cuộc đời này cho đến khi nhắm mắt. Bà bảo sẽ cố gắng để đứa cháu ngoại bé bỏng có một cuộc sống sung túc và đủ đầy yêu thương.