Củ hũ khóm là đặc sản nổi tiếng Hậu Giang, nay được bán trên chợ mạng khiến nhiều người bất ngờ bởi bộ phận này ai cũng nghĩ là vứt đi, không ăn được.
Trái khóm, trái dứa là thứ quả giải nhiệt quen thuộc và dân dã. Ở Việt Nam, loại quả này được trồng ở khắp nơi, giá bán rẻ bèo ở các chợ hay siêu thị. Nhưng có một bộ phận của cây khóm nhiều người nghĩ là vứt đi, nhưng thực chất nó có thể ăn được và là đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang. Đó là củ hũ khóm.
Nếu có dịp đi ngang vùng Vị Thanh, men theo bờ sông Cái Lớn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng khóm (dứa) trải dài, rộng bạt ngàn. Người dân trồng khóm lấy trái, không ai trồng khóm chỉ lấy củ hũ, vì thế mà củ hũ khóm rất khan hiếm, người dân Hậu Giang cũng chỉ được thưởng thức mỗi năm vài lần vào mùa phá khóm. Khóm trồng 8 tháng cho trái, cứ 4 tháng thu hoạch một lần. Chừng 24-30 tháng, khóm lão hóa, người dân nơi đây phải phá bỏ đi và trồng lứa mới.
Củ hũ khóm là đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang
Theo đó, những nhánh non từ gốc khóm già sẽ được cắt phần thân, gọt vỏ, phần trắng vàng bên trong chính là củ hũ. Chỉ có củ hũ khóm "dậy thì" ăn mới ngon, những đọt già dai và đắng thì vứt đi. Để lấy được củ hũ khóm, người ta phải nhổ cả cây đang còn tươi tốt để lấy phần lõi. Trước đây, người dân xem nó là một món ăn quý giá chỉ dùng riêng để thiết đãi khách đến chơi nhà.
Củ khóm được rửa sach rồi ngâm với nước muối, sau đó đem luộc sơ trước khi chế biến. Nghe giản đơn nhưng từng công đoạn phải đúng cách, luộc thiếu hoặc quá lửa, củ hũ khóm sẽ nhẫn đắng.
Những nhánh non từ gốc khóm già sẽ được cắt phần thân, gọt vỏ, phần trắng vàng bên trong chính là củ hũ.
Người dân Hậu Giang chế ra hàng chục món ăn ngon từ củ hũ khóm như chiên bánh xèo, làm gỏi, xáo măng, xào, luộc đến làm dưa chua... Ở đây, người ta sẽ làm món gỏi củ hũ khóm tôm thịt là phổ biến nhất vì cách làm rất đơn giản, nhanh chóng, không cần đòi hỏi tay nghề cao, quan trọng là phải thực hiện đủ các bước cần thiết là đã có món vừa ngon vừa lạ.
Chị Trần Thị Kim Hai, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) kể lại, trước đây những người đi làm đồng thấy cây khóm vứt ven đường thì lấy tay vạt vạt cái vỏ ngoài, thấy trong đó có củ hũ non và thơm xong người ta đem về ăn thử. Đầu tiên chỉ xào thôi, ăn cũng ngon sau này mới chế ra nhiều món dưa chua củ hũ khóm, củ hũ khóm hầm giò heo, củ hũ khóm xào tép, bánh xèo củ hũ khóm và gỏi củ hủ khóm.
Củ khóm được bán nhiều trên chợ mạng với giá khoảng 70.000 đồng/kg
Mấy năm gần đây, củ hũ khóm cũng được bán trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử với giá 70.000 đồng/kg. Theo đó, củ hũ khóm được làm sạch sẽ, đựng trong túi zip bảo quản lạnh rồi bán ra thị trường. Vì mới lạ và thơm ngon, thức đặc sản miền Tây này đã nhanh chóng chinh phục các chị em và trở thành mặt hàng bán chạy.
Lần đầu được thưởng thức món củ hũ non xào bò khi về quê chị đồng nghiệp ở Hậu Giang chơi, chị Hòa Linh (ở TP.HCM) ấn tượng mãi bởi vị giòn, ngọt dịu nhẹ của món dân dã này. Sau đó về thành phố, chị tìm địa chỉ bán củ hũ non để chế biến cho gia đình thưởng thức.
"Tôi search thì thấy có một vài người bán củ hũ non trên chợ mạng, nó được đóng thành túi và bán với giá 35.000 đồng nửa cân. Một túi này có thể xào, nấu canh được một bữa 4-5 người ăn, rất ngon và hấp dẫn. Ngoài ra tôi còn tìm hiểu công thức muối chua củ hũ non, để tủ lạnh có thể ăn được vài tuần", chị Linh chia sẻ.