Thầy giáo "khùng" ngồi trên bãi cát chờ dạy học cho trẻ em nghèo và ước mơ dang dở

Ngày 08/12/2019 00:08 AM (GMT+7)

29 năm có mặt trên cuộc đời là ngần ấy thời gian người thầy giáo trẻ gồng mình chống chọi với bệnh tật. Thuở nhỏ, gồng mình để được đến trường, trưởng thành thì gồng mình để được làm thầy giáo. Thế nhưng số phận đâu phải lúc nào cũng thuận lòng người...

"Cha nói với bác sĩ bớt truyền máu cho con để con có tiền đi học..."

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Khơ-me nghèo ở ấp An Phú, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, Kiên Giang, cậu bé Danh Văn chưa một lần có được tuổi thơ trọn vẹn vì đã sớm làm bạn với nỗi đau bệnh tật và những lần truyền máu mệt đến lả người - hậu quả của căn bệnh Hemophilia A (rối loạn đông máu bẩm sinh làm cho người bệnh dễ chảy máu và rất khó cầm - PV)

Kể về căn bệnh và những năm tháng đầu đời đã phải oằn mình với nỗi đau của con trai mình, ông Danh Định (64 tuổi, cha của Danh Văn) bật khóc cho biết trong gia đình chỉ có mỗi Danh Văn là con trai cho nên mọi niềm hi vọng đều đặt dồn về phía cậu.

Ngày Danh Văn ra đời, mái nhà nhỏ nghèo tiền bạc nhưng dư dả tình thương trở nên rộn rã tiếng cười. Khuôn mặt kháu khỉnh, đôi mắt sáng, thông minh của Văn càng khiến gia đình vững tin hơn về một tương lai sáng sủa cho đứa con trai duy nhất của mình.

Thầy giáo amp;#34;khùngamp;#34; ngồi trên bãi cát chờ dạy học cho trẻ em nghèo và ước mơ dang dở - 1

Từ nhỏ, Danh Văn đã nuôi ước mơ được làm thầy giáo.

Năm lên 11 tuổi, bệnh tật bắt đầu ập đến trên đôi vai gầy của cậu bé Danh Văn. Người cậu bắt đầu nổi nhiều nốt u nhỏ, do chủ quan, cha mẹ chỉ tự mua thuốc cho con uống cầm chừng. Vì hiếu động, một lần Văn chạy chơi té ngã, không cầm được máu, cậu bé được chuyển từ Kiên Giang lên TPHCM cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy Văn bị Hemophilia A. Vì muốn níu giữ mạng sống cho con, ông Định đành bán nhà và đất dù không biết rõ con mắc bệnh gì, chỉ biết máu con sẽ chảy mãi nếu không được cấp cứu kịp thời. Từ đó, mỗi tháng, cha và mẹ Văn phải gồng gánh, chắt chiu tiền bạc đưa con lên Sài Gòn truyền máu.

Nhà nghèo, đất đai lần lượt ra đi dần theo mỗi lần truyền máu của con, thế nhưng điều làm ông Định đau xót nhất là khát khao đến trường chưa lúc nào ngưng chảy trong tâm trí của đứa con trai nhỏ. "Tôi và mẹ nó khóc hết nước mắt khi nghe con năn nỉ cha nói với bác sĩ bớt truyền máu lại, để tiền cho con đi học. Nó ham được làm thầy giáo, nó muốn dạy chữ cho trẻ em nghèo", ông Định nói.

Thầy giáo amp;#34;khùngamp;#34; ngồi trên bãi cát chờ dạy học cho trẻ em nghèo và ước mơ dang dở - 2

Năm 2012, thầy Văn nhận công tác ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải (ấp Hòn tre, xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên), dạy tại điểm lẻ Hòn Đước.

Vượt qua mọi khó khăn, gắng gượng học thuộc từng bài học ngay trên giường bệnh, làm từng bài tập ngay lúc tay còn cắm kim truyền máu. Tốt nghiệp xong cấp 3, Văn đậu ngành sư phạm và hiện thực hoá ước mơ được làm thầy giáo của mình.  Năm 2012, thầy Văn nhận công tác ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải (ấp Hòn tre, xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên), dạy tại điểm lẻ Hòn Đước. Cứ ngỡ mọi ước mơ đều đã được đền đáp, mọi nỗ lực đều đã được gặt lấy quả ngọt, nhưng số phận chưa bao giờ dễ dàng với Danh Văn.

Người thầy "gàn dở" và ước mơ dang dở

Những ngày đầu mới nhận điểm dạy, để đến được lớp học, thầy Văn phải di chuyển bằng xuồng. Thời tiết không phải lúc nào cũng yên ả, có những khi biển động, ôm cặp sách vào lòng, thầy Văn đổ cả mồ hôi. Đảo nghèo, thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu ăn...và dĩ nhiên thiếu luôn cả chữ. Thầy giáo trẻ quyết định ở hẳn lại trên đảo, cùng ăn, cùng sống cuộc sống vất vả, thiếu thốn với ước mơ soi sáng cuộc đời những đứa trẻ đen nhẻm, rám nắng bằng ánh sáng của tri thức và niềm hi vọng mới về cuộc đời.

Cuộc sống ở đảo làm những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn cũng tự đặt trên vai gánh nặng cơm áo gạo tiền. Sinh ra ở đảo, lớn lên ở đảo, tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây là những chuyến theo phụ việc cho cha mẹ trên tàu. Nhanh thì vài ngày, lâu thì nửa tháng, có khi vừa học được chữ cái mới, tụi nhỏ phải xin phép thầy cho nghỉ học để ra khơi, khi trở về thì quên sạch sành sanh bài học cũ.

Hình ảnh người thầy giáo trẻ ngồi trên bãi cát đợi học trò đi biển trở về, gom góp từng đứa về để dạy học đã quen thuộc với người dân xứ đảo nơi đây. Gọi thầy giáo "khùng" nhưng ai cũng thương, cũng quý vì họ hiểu rằng nhờ thầy Văn, những đứa trẻ nghèo biết đọc, biết viết tên mình.

Lao lực vì những đêm thức trắng soạn giáo án, những buổi vắt kiệt sức đứng trên lớp học, các cơn đau liên tục ập đến khiến các khớp tay, chân của thầy Văn sưng vù. Tình yêu nghề và lòng yêu trẻ của người thầy ấy dường như đủ sức xoa dịu mọi cơn đau, làm nhoè mọi vất vả suốt 7 năm ròng. Ai cũng nghĩ sẽ không phong ba nào xô ngã được người thanh niên không phải sinh ra ở biển nhưng rắn rỏi, vững chãi, tưởng chừng không dễ khuất phục như những người con của biển. Sẽ là như thế, nếu không có tai nạn định mệnh hôm 18/11 vừa qua.

Trong một lần đang dạy học, thầy Văn trượt chân té ngã, cẳng chân trái gãy đôi, máu chảy quá nhiều, thầy rơi vào nguy kịch. Nghe tin con gặp tai nạn, người cha già chạy vạy khắp nơi, vét hết tiền trong nhà không đủ, ông Định bán cả 3 công đất còn lại, giàn giụa nước mắt chạy đến bên con.  

Bệnh viện tại tỉnh chuyển thầy Văn đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với tình trạng gãy hai đoạn xương cẳng chân trái buộc phải mổ khẩn nhưng bệnh máu khó đông khiến máu chảy ồ ạt, bác sĩ buộc phải xử lý thật nhanh, truyền máu liên tục cho anh. 

Số tiền mang theo để lo lắng cho con chỉ vài hôm đã cạn sạch, ngồi ngoài phòng chờ, ông Định khóc không thành tiếng khi biết dù con bị biến chứng kháng thuốc nhưng nếu dùng thuốc đặc trị lên đến 40 triệu đồng/ ngày, con ông hoàn toàn có thể hồi phục. "Tôi chạy vạy khắp nơi, bán cả gia tài còn sót lại chỉ hơn trăm triệu, giờ mỗi ngày chi phí điều trị cao như thế, tôi biết kiếm đâu ra", ông Định nói.

Thầy giáo amp;#34;khùngamp;#34; ngồi trên bãi cát chờ dạy học cho trẻ em nghèo và ước mơ dang dở - 3

Hiện tại Danh Văn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Theo tiến sĩ – bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, căn bệnh máu khó đông khiến thầy Văn bị biến chứng kháng thuốc gây chảy máu khó cầm nên sau phẫu thuật máu chảy rất nhiều, chảy máu ép khoang bên trong chân buộc các bác sĩ phải hội chẩn gấp, mổ tiếp lần hai để xử lý, nếu không anh sẽ khó qua khỏi.

“Lần này, chúng tôi quyết định dùng thuốc đặc trị, phức hợp protein để cầm máu và thành công, tình trạng vết thương ở chân đã ổn, kiểm soát được chảy máu, theo dõi sát tình trạng máu khó đông và kháng thuốc cho anh Văn. Hiện sức khỏe của anh tiến triển khá tốt, khả năng bình phục cao. Sau điều trị bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường, tiếp tục đứng trên bục giảng”, bác sĩ Tùng nói.

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình thầy giáo Danh Văn xin liên hệ SĐT: 0907.803.108 (Cha bệnh nhân) 

Bạn đọc cũng có thể gửi đến Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy qua tài khoản Bệnh viện Chợ Rẫy, 0071000077458, ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sài Thành, nội dung: “Giúp bệnh nhân Danh Văn, khoa Huyết học”.

Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: Hay con chết, mẹ để tiền nuôi em
Ngày đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, nghe bác sĩ bảo phải đóng tạm ứng 25 triệu đồng vì bệnh tình đã quá nguy kịch, ông bà chỉ biết gạt nước mắt xin...
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động