Con trai không may mắc bệnh hiếm gặp, vợ chồng họ đã quyết định gác lại tất cả để cùng đồng hành, tìm đường sống cho con. Trong những năm tháng vất vả ấy cũng là lúc họ nhận được sự quan tâm và giúp đỡ đến từ những người xung quanh, giúp họ có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống.
"Tôi không thể khóc. Tôi phải mạnh mẽ để tìm đường sống cho con"
Chen và Yuan là một cặp vợ chồng Trung Quốc sinh vào những năm 1990. Trước đây, họ đều có công việc ổn định, Chen làm lái xe, còn Yuan là nhân viên kế toán của một công ty. Cuộc sống của hai vợ chồng không dám nói là giàu sang nhưng ổn định, 5 giờ chiều là kết thúc công việc về với gia đình.
Năm thứ 2 sau khi kết hôn, gia đình nhỏ vui mừng đón thành viên mới. Cậu bé Chengzi rất dễ thương với nụ cười ngọt ngào. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu thì biến cố đã ập đến.
Khi Chengzi được 5 tháng rưỡi, cậu bé đột nhiên lên cơn sốt cao không hạ. Yuan ban đầu tưởng con bị cúm nhưng sau đó, cô bỗng thấy con có vết xuất huyết trên người nên đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện tuyến trên điều trị.
"Kết quả kiểm tra máu cho thấy chỉ số bạch cầu của con rất cao. Sau đó, vợ chồng tôi đưa Chengzi đến bệnh viện tuyến trên thì bác sĩ chẩn đoán con mắc bệnh bạch cầu cấp nguyên bào tủy vị thành niên. Các tài liệu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh này rất thấp và trẻ em thường tử vong trong vòng 1 năm kể từ khi khởi phát", Yuan nhớ lại.
Mặc cho nhiều người khuyên không nên hy vọng nhiều, cặp vợ chồng vẫn quyết kiên trì, còn nước còn tát. Họ đi khắp các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh nhưng không có bác sĩ nào chắc chắn có thể chữa khỏi bệnh. Một lần tình cờ, vợ chồng Yuan nghe được từ phụ huynh một bệnh nhân khác nói “một bệnh viện ở Quảng Châu nghiên cứu về căn bệnh này và con của họ đang được điều trị”.
Biến cố ập đến với Chengzi đã thay đổi cuộc sống của cả gia đình họ.
Gia đình họ lập tức lên đường tới Quảng Châu. Vì cấy ghép tủy xương rất rủi ro nên Chengzi đã phải trải qua 2 năm hóa trị, tiêm, truyền máu, chọc hút tuỷ xương... Cuối cùng, khi Chengzi được 2 tuổi, ca ghép tủy đã được thực hiện thành công bằng cách sử dụng máu cuống rốn phù hợp và tủy xương của cha. Nhưng trong quá trình cấy ghép, Chengzi lại không may bị viêm não.
“Lúc đó tôi thật sự cảm giác như tất cả đều sụp đổ nhưng tôi không thể khóc. Nếu tôi khóc bây giờ, đứa trẻ biết phải làm sao? Tôi phải mạnh mẽ để tìm đường sống cho con", Yuan nói.
Kể từ đó, Chengzi phải chịu di chứng của bệnh viêm não và các triệu chứng động kinh. Mặc dù sống sót sau ca phẫu thuật nhưng cậu có thể lên cơn động kinh bất cứ lúc nào. Điều này khiến cả hai vợ chồng Yuan đêm ngủ không yên, nỗi hoảng loạn ngày càng trầm trọng, không dám rời con dù chỉ nửa bước.
Căn bệnh thay đổi cuộc sống cả gia đình
Trong những năm Chengzi điều trị ở Quảng Châu, hai vợ chồng Chen và Yuan không có nhiều thời gian rảnh ngoài việc chăm sóc con nên đều bị mất việc làm. Họ đã chi khoảng 2 triệu nhân dân tệ (7 tỷ đồng) để chữa bệnh cho con trai, vay tất cả bạn bè người thân có thể.
Để tiếp tục chạy chữa cho con trai và trả nợ, vợ chồng họ mở một sạp hàng ăn ở Quảng Châu. Đứa trẻ đến Quảng Châu khi mới 5 tháng rưỡi và khi trở về quê hương ở Sơn Đông đã 5 tuổi.
Đầu năm 2023, Yuan khi đang trò chuyện video với bạn bè, nhìn thấy phía sau là khu chợ sầm uất nên nảy ra ý định “về nhà”. Sau này, vợ chồng họ được biết ở Thanh Đảo, Sơn Đông có một bệnh viện phục hồi chức năng rất tốt nên quyết định trở lại Sơn Đông.
Để kiếm sống và tiện chăm sóc con trai, hai vợ chồng mở quán bán hàng ăn bên đường.
Để tiện chăm sóc con trai, họ thuê một căn nhà gần bệnh viện. Mỗi ngày, hai người sẽ thức dậy lúc 4 giờ để đi chợ rồi bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu vào lúc 6 giờ sáng.
“Khách hàng của chúng tôi phần lớn là sinh viên và các em học sinh. Nếu Chengzi khoẻ mạnh, thằng bé cũng có thể đến trường như các anh chị. Chúng tôi coi khách như người nhà, luôn luôn đảm bảo nguyên liệu sạch sẽ”, Yuan nói.
Vợ chồng họ bắt đầu mở hàng vào khoảng 10 giờ sáng, đóng cửa vào khoảng 1 giờ 30 chiều và nghỉ ngơi một lúc trước khi chuẩn bị nguyên liệu cho buổi chiều. Chengzi được cha mẹ đặt vào chiếc xe đẩy gần đó để tiện chăm sóc. Họ sẽ mở cửa lại vào 3, 4 giờ chiều và đóng cửa vào 10 giờ tối, thậm chí có lúc 11, 12 giờ.
Yuan nhớ có lần cô phải di chuyển một thùng gạo nặng hơn 50kg, khoảng cách cỡ 3 mét nhưng cô đã vừa làm vừa ôm bụng vì quá mệt. Chồng cô nhìn thấy vậy đã ôm vợ và khóc rất lâu. Anh nói rằng chưa bao giờ nghĩ có ngày người phụ nữ của mình lại phải vất vả đến vậy.
Anh Chen cho biết, đêm nào hai vợ chồng cũng lo con lên cơn động kinh. Đó là lý do họ phải thay nhau túc trực, không dám ngủ lâu. Ngay cả việc tắm rửa và gội đầu, họ cũng phải tính toán thời gian.
“Nhưng vì Chengzi, dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng sẽ kiên trì. Ở Thanh Đảo có một bệnh viện phục hồi chức năng tốt. Một khi chứng động kinh của Chengzi được kiểm soát, thằng bé sẽ được đưa đi phục hồi chức năng. Chúng tôi dựng một quầy hàng trước để kiếm sống, chỉ mong sao con sớm có thể cất tiếng gọi mẹ", Yuan xúc động nói.
Vì con, vợ chồng Chen và Yuan dù vất vả đến đâu cũng sẽ cố gắng kiên trì.
Những ngày đầu mới mở hàng, Yuan nhớ rõ có lúc đứng lạnh cóng hơn 3 tiếng đồng hồ và chỉ bán được 2 nắm cơm. Sau đó, một số học sinh biết được chuyện của gia đình cô nên đã quảng cáo cho mọi người trong trường cùng biết. Họ còn góp ý, giúp vợ chồng cô điều chỉnh khẩu vị, quán vì thế cũng ngày càng đông khách hơn. Quầy hàng của gia đình họ còn thu hút rất nhiều người dân trong cộng đồng nhiệt tình đến ủng hộ.
"Tôi chỉ hy vọng mọi người có thể đến mua đồ và đừng cho chúng tôi thêm tiền. Tôi rất vui khi bán được hàng và sẽ rất ngại khi cầm tiền mọi người tặng", Yuan vừa nói, vừa ôm Chengzi khóc nức nở.
Xiao Wu, một sinh viên của Đại học Hải Dương Trung Quốc, cho biết kể từ năm ngoái, anh gần như ngày nào cũng mua cơm nắm của vợ chồng Yuan. Anh còn giới thiệu rất nhiều bạn bè đến ủng hộ. Vợ chồng Yuan rất thật thà và mến khách, cũng nhờ vậy mà những sinh viên từ nơi xa đến như anh có thể cảm nhận được sự ấm áp ở một thành phố xa lạ.
Nhiều người khi biết chuyện đã liên hệ với vợ chồng cô thông qua Douyin và WeChat, bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ nhưng đều bị hai vợ chồng từ chối. Chính quyền địa phương sau khi nắm được tình hình hoàn cảnh của gia đình họ đã đến thăm hỏi, bố trí cho họ bán hàng ở một khu vực đảm bảo không lấn chiếm đường và không làm phiền tới các hộ dân.
Nói về sự giúp đỡ của các nhân viên quản lý đô thị, Yuan lại rơi nước mắt: “Đôi khi chúng tôi quá bận rộn, họ sẽ giúp chúng tôi chăm sóc thằng bé, có lúc còn mua đồ ăn, đồ chơi cho Chengzi. Tôi chân thành cảm ơn Thanh Đảo vì những điều này. Thành phố này đã giúp chúng tôi sống và mang lại cho chúng tôi cảm giác ấm áp".