Rất nhiều bộ phận của gà bị đồn đại là khi ăn vào sẽ gây bệnh, thậm chí cả ung thư… Thực hư điều này thế nào sẽ được các chuyên gia phân tích sáng tỏ.
Phó Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Nếu như xưa kia khi ăn thịt gà nhiều cụ cao niên vẫn có câu “nhất thủ, nhì vĩ” (thủ bao gồm phần đầu, cổ gà, vĩ là phao câu), thì ngày nay những bộ phận này lại được cho là không tốt cho sức khỏe. Theo đó, có rất nhiều thông tin cho rằng, ăn cổ gà rất bẩn, nhiều hạch có thể gây ung thư. Phao câu gà cũng chứa nhiều chất bẩn, không nên sử dụng. Thậm chí là da gà cũng được cho là không tốt cho sức khỏe, mọi người nên tránh ăn.
Vậy dưới góc độ khoa học, những thông tin trên có thật sự chính xác và có cơ sở? Theo các chuyên gia dinh dưỡng đây là thông tin thiếu xác thực vì việc ăn các bộ phận trên của gà có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không còn là do lượng ăn vào nhiều hay ít, khâu vệ sinh có sạch hay không?...
Da gà gây ung thư: Không đúng
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Chuyên gia Dinh dưỡng, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Da gà không gây ung thư như một số lời đồn đại.
Theo PGS Ninh, đúng là da gà chứa nhiều chất béo, nhưng những chất béo này còn tốt hơn so với mỡ lợn, mỡ bò và mỡ động vật nói chung. Ngoài ra, da gà còn có nhiều chất dinh dưỡng, như protein và collagen, giúp tăng cường sự hấp thu ô xy của da, tăng tính đàn hồi và giữ ẩm cho da, chống lão hóa da...
Tuy nhiên, điểm trừ của da gà là chứa nhiều chất béo, cholesterol, do vậy khi ăn cần chú ý đến liều lượng, không nên ăn nhiều vì sẽ tăng năng lượng đưa vào cơ thể. "Cho tới nay, chưa có khuyến cáo chính thức nào cho thấy việc ăn da gà có liên quan đến nguy cơ ung thư”, PGS.TS Ninh nói.
Cổ gà rất bẩn, nhiều hạch: Điều này đúng một phần.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, cổ gà đúng là có chứa một số hạch, điều này chúng ta có thể phát hiện thấy khi mổ gà. Do vậy, nếu khi chế biến, sơ chế không chú ý loại bỏ thì cổ gà sẽ không đảm bảo vệ sinh. Ngược lại nếu giết mổ và sơ chế sạch thì hoàn toàn có thể sử dụng cổ gà giống như các bộ phận khác của con gà. Thậm chí, đây còn là nguồn cung cấp collagen rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là những người cao tuổi.
Cổ gà nếu làm sạch sẽ là nguồn bổ sung collagen rất tốt cho cơ thể.
“Bản thân tôi khi ăn gà vẫn ăn hết phần cổ, thậm chí là nhai hết cả xương. Xương cổ gà không cứng như xương cánh hay xương đùi, nếu răng khỏe ăn được là rất tốt. Bởi như vậy sẽ tận dụng được hết nguồn collagen có trong đó, điều này cần thiết do da, hệ thống xương, nhất là với những người nhiều tuổi”, TS Từ Ngữ nói.
Chân gà không có giá trị: Sai.
TS Từ Ngữ cho biết, chân gà có hệ thống da, gân, sụn khá nhiều. Tuy hàm lượng chất dinh dưỡng ít hơn đáng kể so với thịt nhưng lại cung cấp nhiều collagen. Do vậy, nếu ai răng còn khỏe và thích ăn chân gà thì hoàn toàn có thể sử dụng vì nó có lợi ích nhất định cho cơ thể.
TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo, hiện có nhiều người dùng chân gà để ngâm mắm, làm chua ngọt, chân gà sả tắc…những món ăn đó chỉ làm đổi khẩu vị khi ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý đến lượng muối khi ngâm chân gà, bởi nạp quá nhiều natri vào không hề tốt cho cơ thể, nhất là người đang có sẵn bệnh lý tim mạch, huyết áp.
Chân gà tuy không giàu dinh dưỡng nhưng có những giá trị nhất định với cơ thể.
Phao câu gà chứa nhiều vi khuẩn: Chưa hoàn toàn đúng!
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, không chỉ phao câu mà tất cả các bộ phận khác của gà nếu không được giết mổ đảm bảo vệ sinh sẽ đều là ổ chứa vi khuẩn.
Riêng với phao câu gà, nếu được làm sạch, được nấu chín thì hoàn toàn có thể sử dụng được tùy theo sở thích của từng người. Tuy nhiên, về mặt dinh dưỡng, phao câu gà chứa nhiều chất béo vì vậy ăn có cảm giác mềm và ngậy, nhưng đây cũng chính là nguyên nhân gây nên những rối loạn mỡ máu, béo phì… nếu sử dụng quá nhiều, không kiểm soát.
“Ăn phao câu nhiều lượng mỡ và cholesterol có thể gây hại cho sức khỏe, tuyệt đối không tốt với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, rỗi loạn máu mỡ”, TS Hưng khuyến cáo.
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm
Rau quả là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, nhưng liệu bạn có tự tin mình đã biết cách nhận diện rau quả sạch, an toàn? Tham gia bài trắc nghiệm sau đây để kiểm tra kiến...