Chuyên gia cảnh báo 4 thói quen ăn sáng âm thầm hại cơ thể, điều 2 nhiều người Việt mắc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/03/2022 06:53 AM (GMT+7)

Bữa sáng có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, tuy nhiên khi ăn sáng cũng cần phải chú ý một số điểm để không gây hại với sức khỏe.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Vai trò của bữa sáng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sức khỏe, đặc biệt là việc bổ sung năng lượng cho cơ thể để bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn mắc phải một số sai lầm khi ăn sáng không tốt cho sức khỏe.

Ăn sáng quá muộn

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng Tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) cho biết, hiện rất nhiều người đang có thói quen ăn sáng quá muộn, điều này là không tốt, bởi sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn tiếp theo. Ví dụ như bữa sáng 9-10 giờ mới ăn, khi cơ thể chưa tiêu hao hết năng lượng đã nạp tiếp năng lượng vào bữa trưa, như vậy là không hợp lý. Đó là chưa kể, việc ăn sáng quá no trưa sẽ không muốn ăn và nhiều người bỏ luôn bữa trưa…

Thời gian ăn sáng hợp lý phụ thuộc vào tính chất công việc của mỗi người, ví dụ như có người ăn sáng từ lúc 6h sáng, học sinh ăn sáng lúc 7h nhưng người hưu trí 7h30 mới ăn… Tóm lại, thời điểm ăn sáng tốt nhất là trước 8h sáng.

Việc ăn cân đối nhóm chất vào bữa sáng là rất quan trọng với cơ thể. Ảnh minh họa.

Việc ăn cân đối nhóm chất vào bữa sáng là rất quan trọng với cơ thể. Ảnh minh họa.

Ăn không cân đối nhóm chất

TS Nguyễn Trọng Hưng cho biết vấn đề này thường gặp ở nhóm người giảm cân. Có người không ăn tinh bột, protein mà chỉ ăn sáng bằng hoa quả. Hoặc có trường hợp chỉ uống cốc ngũ cốc là xong bữa sáng...

Việc ăn sáng rất đa dạng, có người chỉ hai quả trứng, ăn bắp ngô, củ khoai hoặc có người thì một nắm xôi, có người lại ăn bát phở… Việc này nếu thỉnh thoảng mới thực hiện thì không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng tạo thành thói quen, lặp đi lặp lại sẽ không tốt.

Do vậy, bữa sáng tốt nhất cho tất cả mọi người là nên ăn đủ các nhóm chất và đa dạng thực phẩm cụ thể là nhóm đường bột, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất.

Việc chỉ ăn một loại thực phẩm trong bữa sáng kéo dài một thời gian dài là không tốt. Ảnh minh họa.

Việc chỉ ăn một loại thực phẩm trong bữa sáng kéo dài một thời gian dài là không tốt. Ảnh minh họa.

Rất ít ăn rau

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay người dân đã ý thức và hiểu được vai trò của bữa sáng, đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, qua quan sát rất nhiều người “lười” ăn rau vào bữa sáng.

Bữa sáng của mỗi người tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích nhưng đa số đều có điểm chung là ăn rất ít rau. Cụ thể như ăn sáng bằng một bát bún, phở thì lượng rau trong đó chỉ có ít hành, giá đỗ như vậy là quá ít. Hay bánh mỳ và xôi cũng vậy, dù vẫn có rau nhưng rất ít.

Theo khuyến cáo, lượng rau xanh, quả chín cho một người trưởng thành là khoảng 400g/ngày và phân chia theo các bữa ăn chính trong ngày. Như vậy, bữa sáng cần phải dùng đủ 1 khẩu phần rau (bằng 1 bát con ăn cơm) mới là đủ.

Mọi người thường ít ăn rau vào bữa sáng. (Ảnh minh họa)

Mọi người thường ít ăn rau vào bữa sáng. (Ảnh minh họa)

Ăn quá mặn

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, bữa sáng rất nhiều người dùng các món ăn như bún, miến, phở… Tuy nhiên, khi ăn mọi người cần phải hết sức lưu ý về việc sử dụng nước dùng trong đó. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng, lượng muối trong một bát phở (chủ yếu là ở nước) gần bằng nhu cầu sử dụng muối cho cả 1 ngày. Do vậy, nếu ăn sáng bằng bún phở mà dùng hết nước trong bát, cộng thêm việc bổ sung muối trong các bữa ăn khác thì nguy cơ thừa là rất lớn.

“Bản thân tôi vẫn ăn sáng bằng bún, phở nhưng không bao giờ dùng nhiều nước, chỉ dùng một vài thìa để thưởng thức vị”, PGS Lâm khuyến cáo.

Ăn sáng bằng 6 thực phẩm này thường xuyên, gan sẽ biết ơn bạn vì được bồi bổ, phục hồi
Bữa sáng rất quan trọng để khởi động một ngày mới tràn đầy năng lượng cũng như cung cấp dưỡng chất cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả....

Eva Voice

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm