Khi gặp bế tắc trong công việc, áp lực về tâm lý, không ít bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc để đi "chữa lành", hành động này liệu có thật sự mang lại tác dụng và cần thiết?
Thanh Tâm (30 tuổi, ở Hà Nội), hiện làm việc cho một công ty về truyền thông số. Tâm đã có gia đình và 2 con, cuộc sống khá êm đềm. Gần đây, do công việc không thuận lợi, Tâm chịu khá nhiều áp lực. “Nhiều hôm tôi thấy đầu óc mình trống rỗng, không thể nhập tâm làm việc. Có những khi bị giao quá nhiều việc, tôi quá tải và chỉ muốn nghỉ ngay lập tức nhưng lại không đành”, Thanh Tâm chia sẻ.
Những lúc như vậy, Tâm thường đến quán cafe ngồi một mình suy nghĩ. Thế nhưng, vòng lẩn quẩn chẳng thể thoát ra khỏi tâm trí của cô. Thế rồi, bạn bè mách cô xử lý vấn đề bằng cách đi du lịch để chữa lành. Nghe hợp lý, Tâm vay tiền, xin nghỉ phép một tuần để cùng một nhóm bạn đi du lịch các tỉnh Tây Bắc.
Nhiều bạn trẻ gặp áp lực trong công việc, cuộc sống đã chọn đi du lịch để chữa lành. Ảnh minh họa.
“Suốt hành trình đó, tối cảm thấy thật thoải mái, như được thả hồn vào thiên nhiên, bao phiền muộn tan biến hết”, Tâm chia sẻ. Thế nhưng, kết thúc kỳ nghỉ phép, Tâm đã “trở về mặt đất”, khi công việc ùn ứ ngập đầu. Ngay lập tức những áp lực xuất hiện còn nặng nề hơn trước. Tâm nhận ra rằng, đi chữa lành lại càng khiến tâm trí cô "rách" hơn. Cùng với đó là nỗi lo về khoản tiền vay để đi du lịch cần trả.
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, những trường hợp như trên đang rất phổ biến ở người trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là cách chữa lành hiệu quả. "Cứ gặp áp lực lại vay tiền đi du lịch, ăn chơi cùng bạn bè là một trạng thái tâm thần bất ổn, cần được điều trị", bác sĩ Bách nói và cho biết thêm rằng, nếu xét về bệnh lý thì đây là sự rối loạn cảm xúc của tâm thần chứ không còn là vấn đề tâm lý. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống như cô gái trên thì cần đi khám bác sĩ để được hỗ trợ, điều trị thay vì đi chữa lành.
“Trong cuộc sống hiện đại, việc gặp những căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Khi gặp căng thẳng, mỗi người lại có cách ứng xử và giải quyết khác nhau. Có người ăn để xả stress, người lại chẳng màng ăn uống. Thực tế, đã có trường hợp ăn đến mức mức béo phì, hay chán ăn đến mức sụt cân nghiêm trọng. Hay như tình huống trên, họ sẵn sàng nghỉ việc, vay mượn tiền để đi du lịch. Tất cả những điều này đều không phải cách chữa lành hiệu quả, mà nó càng làm cho tâm hồn thân chủ "rách nát" thêm”, bác sĩ Bách nhận định.
Bác sĩ Bách cho rằng, không phải cứ gặp áp lực là đi chữa lành, mà trước hết chúng ta cần biết chấp nhận.
Bác sĩ Bách cho rằng, không chỉ với người trẻ mà với bất kể ai, khi gặp khó khăn, áp lực trong công việc và cuộc sống, đó không phải là lúc cần chữa lành. Điều quan trọng khi đó là phải biết chấp nhận. Bản thân con người sinh ra đã có cơ chế tự chống đỡ với những áp lực và việc "đu trend" chữa lành là không cần thiết.
Thế nhưng, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Nhiều người gặp áp lực, rồi ghét công việc mình đang làm nhưng vì lý do nào đó họ vẫn chấp nhận làm cho xong việc, tròn vai. Khi họ đã ghét công việc thì hệ lụy dẫn đến là ghét tất cả mọi thứ xung quanh và muốn được chữa lành.
"Lúc ấy, thay vì chữa lành thì cần phải thể hiện bản lĩnh của bản thân. Đó là, sự quyết đoán để thay đổi trong công việc. Hoặc chấp nhận sự thăng trầm để vượt qua và có thể cảm nhận được hết những điều ý nghĩa xung quanh. Bởi, bản chất tâm hồn của con người đã có những lỗ rách. Rách ở đây chính là trải nghiệm cuộc sống để chúng ta trưởng thành. Vì thế, không nhất thiết cứ gặp trục trặc hay va vấp nhỏ là chúng ta lại tìm mọi cách chữa lành”, bác sĩ Bách nhắn nhủ.
Cuối cùng, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng, bản thân ông không đả phá chuyện chữa lành, nhưng cần dùng đúng đối tượng.
Cụ thể, những trường hợp sau nên được chữa lành:
- Người gặp sang chấn tâm lý, ví như trải qua mất mát lớn, người thân yêu từ giã cõi trần, mất con hoặc bị sốc trong mối quan hệ công việc, bạn bè, người yêu…
- Người gặp tai nạn, họ bị rơi vào trạng thái sống trong ám ảnh hoặc gặp những chuyện khủng kiếp trong cuộc sống như bị xâm hại tình dục, bị lừa dối, đánh nhau để lại di chứng.
- Người gặp vấn đề rắc rối về tài chính như phá sản.
- Trường hợp bản thân nội sinh như phổ tự kỷ chức năng gây ảnh hưởng trong giao tiếp, cuộc sống thường nhật.