Thời tiết đỏng đảnh, nhiều trẻ ốm do cảm lạnh, khi đó liệu các mẹ có thể dùng các loại lá cây trong vườn để chữa trị cho con? Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3 sẽ giải đáp vấn đề này.
Chào bác sĩ!
Con tôi gần 2 tuổi, do thời tiết dạo này thay đổi thất thường nên cháu hay bị sổ mũi, hắt hơi, thi thoảng hơi ấm đầu nhưng nhiệt độ không quá 38,7 độ. Hôm vừa rồi cháu đạp chăn ra lúc ngủ, sau đó đêm nhiệt độ xuống thấp nhưng tôi không kéo chăn đắp lại cho con và cũng quên tắt quạt.
Sáng ngủ dậy, chân tay con lạnh, cháu ho nhiều hơn mọi khi. Tôi lo lắng nên cho cháu đi khám, may mắn cháu không bị vấn đề gì nặng, bác sĩ nói nghi ngờ bị cảm lạnh. Đồng thời, bác sĩ hướng dẫn tôi chăm sóc cháu bằng cách mặc ấm hơn, cho uống nước nóng, ăn đồ ấm nóng…
Qua tìm hiểu, bạn tôi có mách rằng dùng lá tía tô để giải cảm cho con rất tốt. Tôi có cho vào cháo nhưng có gợn nên cháu không ăn. Vậy tôi có thể dùng lá tía tô cho con uống được không, nếu được thì bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách làm đúng nhất. Trường hợp lá tía tô có vị đặc trưng, cháu không uống thì có cách nào cho cháu sử dụng được không?
Xin cảm ơn bác sĩ.
Tía tô là loại cây rất dễ trồng, mọc nhiều nơi ở nước ta. Điều đặc biệt của lá tía tô là vừa làm thuốc chữa bệnh, vừa được sử dụng để làm rau ăn. Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán hàn, thông tâm, lợi phế, khai vị, bổ tỳ... Nhờ vậy có thể tán hàn, giải cảm lạnh cho trẻ.
Nếu trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể dùng cho trẻ uống nước, nhằm mục đích giảm các triệu chứng cảm lạnh. Phương pháp làm rất đơn giản, cho khoảng 3g lá tía tô khô vào trong nồi, thêm 2 chén nước đậy vung, đun lửa lớn, sau khi sôi chuyển qua đun lửa nhỏ đun thêm 3 phút nữa thì tắt lửa.
Chỉ dùng nước lá tía tô cho trẻ trên 1 tuổi.
Sau khi tắt lửa ngâm khoảng 7-8 phút rồi uống. Nếu trẻ không thể uống, có thể dùng nước lá tía tô để trẻ ngâm chân đến khi cơ thể ra mồ hôi ướt râm rấp là hiệu quả. Ngoài ra, có thể dùng nước lá tía tô tắm và gội đầu cho trẻ cũng rất tốt.
Trẻ dưới 1 tuổi tốt nhất không cho trẻ uống lá tía tô, vì độ tuổi này hệ tiêu hóa và thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện chức năng, rất nhạy cảm. Khi đó, tinh dầu trong lá tía tô có thể làm trẻ xuất hiện tình trạng kích thích, khó chịu trong người.
Mọi thắc mắc của bạn độc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3 - 5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |