Theo chia sẻ của một phụ nữ sống tại Hà Nội, mỗi sáng chị sẽ cho cả nhà uống nước 5 quả chanh để kích thích gan thải độc, làm giảm đau và trào ngược dạ dày. Vậy thực hư thông tin này ra sao?
Mới đây, trên mạng xã hội một số người chia sẻ thông tin về việc uống nước chanh buổi sáng giúp kích thích gan, hỗ trợ thải độc. Một phụ nữ tại Hà Nội chia sẻ, mỗi sáng chị vắt 5 quả chanh, uống một hơi hết luôn và việc này giúp đỡ hẳn đau dạ dày và trào ngược dạ dày. Không chỉ áp dụng cho bản thân, chị còn khích lệ và làm loại nước này cho cả chồng và con uống.
Thông tin trên được chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, tuy nhiên dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia cho rằng, mọi người cần cân nhắc khi làm theo.
Chia sẻ trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm, thậm chí là làm theo. Ảnh chụp màn hình.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thông tin đăng tải trên mạng xã hội là không rõ ràng, vì không biết người này uống vào buổi sáng trước ăn hay sau ăn, uống 5 quả chanh là nước cốt chanh hay pha loãng. Hơn nữa, thông tin cho rằng uống nước chanh đỡ hẳn đau dạy và dày trào ngược dạ dày là không đúng.
Theo bác sĩ Hưng, việc uống nước chanh vào buổi sáng được nhiều người thực hiện, đa phần là nước chanh đã pha loãng và được cho là có tác dụng thanh lọc, thải độc cơ thể. Tuy nhiên, điều này hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh, đa số mọi người chỉ uống theo thói quen, sự mách bảo trên mạng hoặc những người khác.
Bác sĩ Hưng cho rằng, chanh có nhiều tác dụng cho sức khỏe như có chất chống ôxy hóa, nhiều vitamin C, cung cấp nước cho cơ thể, giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng... Tuy nhiên, với một số người có bệnh lý về dạ dày như viêm loét, hay trào ngược thì không nên dùng nước chanh. “Với người bình thường, nếu họ đã dùng thường xuyên, đã thành thói quen mà khi uống không gây tác dụng phụ gì thì có thể tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, nên pha nước chanh trước khi uống, không nên uống nước cốt vì lượng axit citric quá đậm đặc, không tốt cho cơ thể”, bác sĩ Hưng khuyên.
Không nên uống nước chanh khi bụng đói hoặc uống nước cốt chanh. Ảnh minh họa.
TS.BS Đặng Quốc Ái - Chuyên gia tiêu hóa, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E) cho rằng, việc uống nước chanh vào buổi sáng khi chưa ăn gì là không nên. Chanh có tính axit, trong khi buổi sáng chưa ăn gì dịch vị dạ dày nhiều và cũng có tính axit, do vậy uống nước chanh vào để dung hòa dịch vị axít trong dạ dày là không khoa học, thậm chí còn tổn thương thêm. TS Ái tư vấn, buổi sáng mọi người nên uống nước lọc trước khi ăn sáng, hoặc có thể uống một cốc sữa thay vì nước chanh. “Với nước chanh hoàn toàn có thể uống được, nhưng chỉ nên uống khi đã được lót dạ trước đó”, bác sĩ Ái khuyên.
Dưới góc nhìn đông y, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cũng cho rằng, trong đông y, chanh được sử dụng để làm thuốc điều trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh, tuy nhiên việc uống khi bụng đói cũng không được khuyến cáo vì tính chua của chanh khiến tình trạng viêm loét dạ dày nặng thêm nặng. Ngoài ra, những người hàn âm (thiếu dương khí), lạnh trong người, thường xuyên mệt mỏi phải cẩn trọng khi uống nước chanh vì có thể khiến bệnh nặng hơn như mệt mỏi, dễ cảm lạnh, đau dây thần kinh…
Khi pha nước cốt chanh, ông Sáng cũng khuyên không pha với nước nóng vì có thể làm biến đổi các vitamin có trong chanh, khiến nước chanh sẽ có vị đắng. Mỗi ngày không nên uống quá một cốc nước chanh, tương đương với 1,5 đến 2 quả chanh.
Tin liên quan
Có rất nhiều mẹo, lời truyền tai khi trẻ bị co giật do sốt được chia sẻ như cho trẻ cắn tay, nhỏ nước chanh vào miệng… Điều này liệu có tác...
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Việc uống nước chanh ấm hay nước chanh pha mật ong vào buổi sáng đang được nhiều người áp dụng, tuy nhiên ngay cả các chuyên gia vẫn có ý...
Khi thức dậy buổi sáng, trước lúc bắt tay vào bất cứ việc gì, dù là tập thể dục hay chuẩn bị đồ ăn cho gia đình, điều đầu tiên bạn nên làm...
Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại
Nhiều loại nước trái cây uống gần thời điểm sử dụng các loại thuốc sẽ ảnh hưởng tác dụng của thuốc, thậm chí là gây hại nếu uống chung với thuốc. Một kiến thức về sử dụng thuốc an toàn, hiệu...
Dinh dưỡng - Lối sống khác