Khoai tây và khoai lang đều có lợi cho sức khỏe nhưng cần chế biến và ăn đúng cách để phát huy các tác dụng đáng kinh ngạc.
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sinh ngày 20/9/1963, tại Vĩnh Long. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II Y học cổ truyền năm 2005.
Hiện bác sĩ là: Giảng...
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cơ sở 3 về giá trị dinh dưỡng và cách sử dụng đúng khoai lang và khoai tây để có được lợi ích sức khỏe cao nhất.
Khoai lang
Theo lịch sử khoai lang trên thế giới thì đây là một trong những loại lương thực lâu đời nhất được biết của con người. Ngày nay những nghiên cứu khoa học cho thấy khoai lang không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà có những công dụng phòng chữa bệnh tốt và là một trong những thực phẩm tạo miễn dịch tốt cho cơ thể.
Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như: cam thử, phiên chử. Củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Nó được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.
Bài thuốc từ khoai lang
- Chữa cảm sốt mùa nóng: Thời tiết nóng dễ gây sốt vì cảm, không ra được mồ hôi. Với người sức khỏe tốt, có thể nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh ăn thay cơm để giúp ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm. Có thể dùng các bài thuốc:
+ Khoai lang trắng khô một nắm, nghệ một củ, giấm 1/2 chén con, sắc uống nóng.
+ Khoai lang trắng khô 16g, gừng 16g, sắc uống hoặc nấu cháo.
+ Khoai lang trắng tươi luộc chín để xông, rồi ăn khoai nóng, uống nước luộc khoai nóng cho ra mồ hôi.
+ Khoai lang 1 củ (400g), gạo 200g, đậu xanh 1/2 bát cơm, mã thầy 4 củ, củ cải 1 củ, tỏi 3 nhánh, thịt gà 150g, tôm nõn 70g, gia vị. Tất cả giã nát hoặc thái nhỏ nấu nhừ, riêng đậu xanh và mã thầy cho vào sau rồi nấu nhừ tiếp.
+ Chữa táo bón: Ăn khoai luộc đơn thuần hoặc chấm mật, chấm vừng; ăn với cà pháo cả quả hoặc thái chỉ cà, nghiền cùng khoai thành khối.
Cách chế biến có thể ảnh hưởng lớn tới giá trị dinh dưỡng và tác dụng của khoai. (Ảnh minh họa)
Các cách khác:
+ Uống nước luộc khoai (khoai phải rửa sạch).
+ Nấu chè khoai tươi hoặc khô với vừng và ít hoa quế.
+ Dùng nước cốt luộc khoai tươi hay khô đã giã nát, nếu bị trĩ thì uống hàng tháng nước cất này vào buổi sáng.
+ Ăn bánh làm bằng khoai lang với vừng hoặc dừa. Khoai lang tươi xào dầu vừng. Canh rau lang. Rau lang luộc chấm nước mắm gừng tỏi hoặc nước sốt cà chua, chấm vừng lạc (giã nhỏ). Nên làm sẵn bột khoai khô với vừng tán mịn, quấy uống mỗi sáng với nước đường.
Trẻ biếng ăn: Cho ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.Quáng gà: Lá khoai lang non xào gan gà hoặc gan lợn.
- Thiếu sữa: Lá khoai lang tươi non 250g, thịt lợn 200g thái chỉ. Xào chín mềm, thêm gia vị.
- Viêm tuyến vú: Khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.
- Thận âm hư, đau lưng mỏi gối: Lá khoai lang tươi non 30g, mai rùa 30g, sắc kỹ lấy nước uống.
- Thận dương hư, đi tiểu nhiều lần: Hầm thịt chó với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị.
Chữa ngộ độc sắn: Khoai lang gọt vỏ giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt. Uống cách nhau 1/2 giờ.
Say tàu xe: Củ khoai lang tươi nhai nuốt cả nước và bã.
Phụ nữ băng huyết: Rau lang tươi một nắm giã nát, lấy nước cốt uống.
Vàng da: Nấu cháo đặc bằng khoai với gạo hoặc bột ngô.
- Mụt nhọt: Khoai lang củ 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Để hút mủ nhọt đã vỡ, lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.
Khoai lang chứa loại protein độc đáo có hiệu quả chống oxy hóa:
Khoai lang chứa loại protein độc đáo có khả năng chống oxy hóa (ant ìoxidant) đáng kể. Nghiên cứu cho thấy các protein có khoảng một phần ba hoạt tính chống oxy hoá của glutathione - một trong những sản phẩm quan trọng của cơ thể có vai trò trong việc tạo các chất chống oxy hóa trong cơ thể. Mặc dù còn cần nhiều nghiên cứu trong tương lai nhưng những protein này đã giúp giải thích về những đặc tính chữa bệnh của khoai lang.
Khoai lang là một chất liệu dinh dưỡng có giá trị:
Hệ thống xếp hạng thực phẩm cho thấy khoai lang là loại thực phẩm truyền thống giàu chất dinh dưỡng. Củ khoai lang như là một nguồn vitamin A (dưới dạng beta-caroten) tuyệt vời , một nguồn vitamin C và mangan đáng kể. Trong khoai lang còn có sản phẩm đồng, chất xơ rất tốt cho cơ thể, lượng cao vitamin B6, kali và sắt.
Có nhiều loại khoai lang, mỗi loại có giá trị dinh dưỡng riêng. (Ảnh minh họa)
Giàu chất chống oxy hóa, khoai lang là thực phẩm chống viêm: Với lượng đáng kể vitamin A (dưới dạng beta-caroten) và vitamin C, khiến khoai lang là thực phẩm chống viêm nhiễm có tác dụng phòng và chữa trị bệnh. Cả hai dạng beta-caroten và vitamin C có tiêm năng chống oxy hóa lớn giúp hiệu quả cho cơ thể loại bỏ các gốc tự do. Thành phần các gốc tự do có hóa chất gây thiệt hại cho các tế bào và màng tế bào và chúng kết hợp với sự phát triển của các điều kiện như vữa xơ động mạch (atherosclerosis), bệnh tiểu đường, bệnh tim, ung thư ruột. Ðiều này có thể giải thích tại sao cả beta-caroten và vitamin C giúp ích hiệu quả để ngăn ngừa các gốc tự do.
Từ những chất dinh dưỡng chống viêm, khoai lang có thể hữu ích trong việc giảm những khả năng phát sinh những bệnh viêm nhiễm, ví dụ như bệnh suyễn, viêm khớp (osteoarthritis), và viêm đa khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Ngoài ra, khoai lang là một nguồn vitamin B6 cần thiết để chuyển đổi homocysteine, một sản phẩm trong tiến trình “methylation”tạo ra acid amin quan trọng trong các tế bào thành các phân tử không gây hại. Khi homocysteine cao có liên quan làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Chiết xuất từ khoai lang trắng có thể trị bệnh tiểu đường: Tất cả các giống đều cho củ có vị ngọt, dù nhiều hay ít. Mặc dù có vị ngọt, nhưng khoai lang trên thực tế là thức ăn tốt cho những người bệnh tiểu đường, các nghiên cứu cho thấy nó hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin.
Khoai lang trắng thường mọc ở vùng đồi núi. Chiết suất thành phần Caiapo từ củ khoai lang trắng có thể kiểm soát tốt lượng đường máu và cholesterol trong bệnh tiểu đường loại 2. Chất này đã được Nhật Bản điều chế thành dược phẩm bổ sung dành cho bệnh nhân tiểu đường. Nghiên cứu tại Ðại học Vienna (Áo), đã tìm hiểu phương thức hoạt động và tính hiệu quả của Caiapo từ khoai lang thử nghiệm trên những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 với liều dùng trong vòng 12 tuần. Kết quả cho thấy, khi điều trị bằng. Caiapo chiết từ khoai lang đã làm giảm lượng hemoglobin A-1c (HbA1c) là yếu tố chỉ định lượng đường máu dư thừa. Lượng đường máu ở nhóm sử dụng Caiapo từ khoai lang cũng giảm hơn nhiều. Ngoài ra, lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Các kết quả trên chứng tỏ Caiapo chiết suất từ khoai lang là chất kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 rất hiệu quả mà không gây ra một phản ứng phụ cho người bệnh.
Khoai lang được coi là một loại thực phẩm giúp giảm cân rất tốt: Giàu dinh dưỡng nhưng khoai lang lại có tác dụng giảm cân hiệu quả. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Củ khoai lang không chứa chất béo và cholesterol, ngăn được tiến trình chuyển hóa đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Ăn khoai lang trước bữa ăn chính sẽ làm bạn giảm được một lượng lớn thức ăn sẽ đưa vào cơ thể mà không hề gây ra cảm giác đói. Ăn khoai lang rất có lợi cho hệ tiêu hóa vì thành phần vitamin C và các axit amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Khoai lang và khoai tây đều tốt cho sức khỏe nếu sử dụng phù hợp. (Ảnh minh họa)
Khoai lang và khoai tây loại nào tốt hơn?
Đều thuộc giống khoai, đều là thực phẩm chứa nhiều tinh bột và cả hai đều cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Vậy khoai lang và khoai tây, ăn loại nào tốt hơn?
Giá trị dinh dưỡng của khoai lang: Khoai lang được liệt vào danh sách những loại củ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, có hàm lượng tinh bột cao, ít calo. Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện dinh dưỡng (2007), trong 100g khoai lang có chứa: 69,9g nước, 116 kcal, 1,2g protein, 0,3g lipid, 27,1g carbohydrat, 0,8g chất xơ, 36mg canxi, 0,9mg sắt, 56mg phospho, 30 mg vitamin C, 0,09mg vitamin B1, 0,3 mg B2, 0,1mg vitamin PP,…
Giá trị dinh dưỡng của khoai tây: Khoai tây nó cũng chứa khá nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ cùng các loại vitamin và khoáng chất,… Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện dinh dưỡng, trong 100g khoai tây có 75g nước, 93 kcal, 2g protein, 0,1g lipid, 20,9g carbohydrat, 1g chất xơ, 10mg canxi, 1,2mg sắt, 32mg magie, 0,2mg mangan, 50mg phospho, 396mg kali, 7mg natri, 0,3mg kẽm, 230µg đồng, 0,5µg selen, 10mg vitamin C, 0,1mg vitamin B1, 0,05mg vitamin B2, 0,9 mg vitamin PP, 0,281mg vitamin B5, 0,203mg vitamin B6, 18 µg folate, 0,49mg vitamin H, 0,01mg vitamin E, 1,6 µg vitamin K, 5µg beta-caroten, 13µg lutein+Zeaxanthin, 16mg purin,…
Cả khoai lang và khoai tây đều có nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Tuy nhiên, chúng có một số khác biệt về giá trị dinh dưỡng và tác động đến sức khỏe con người. Sau đây là một vài so sánh giữa khoai lang và khoai tây về lợi ích sức khỏe:
- Chất dinh dưỡng: Khoai lang chứa nhiều hơn calo, tinh bột, vitamin A, C so với khoai tây. Khoai tây lại chứa nhiều hơn chất xơ, vitamin B1, PP, B5, B6, E, K, folate, sắt, kali và các khoáng chất khác (phospho, magie, đồng, selen,…). Cả hai loại khoai đều cung cấp một lượng lớn carbohydrate và chất xơ. Vitamin A có thể giúp bảo vệ làn da, xương và sức khỏe mắt. Vitamin C giúp bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vitamin B6 cần thiết cho quá trình trao đổi chất, hoạt động hệ thần kinh. Kali và magie đảm bảo duy trì huyết áp ổn định. Sắt tốt cho tế bào máu, canxi và magie tốt cho xương khớp,…
Cả khoai lang và khoai tây đều chứa chất chống oxy hóa và chất chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim, bảo vệ tế bào chống lại chất gây ung thư và độc tố. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy khoai lang có lợi cho sức khỏe tim mạch và có khả năng giảm nguy cơ ung thư tốt hơn do chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn.
- Tác động đến huyết áp: Khoai tây chứa nhiều kali, chất xơ hơn khoai lang, có thể giúp giảm huyết áp.
- Quản lý cân nặng: Cả khoai lang và khoai tây đều là thực phẩm giàu chất xơ, giúp giảm cảm giác đói và giúp giữ cho bạn no lâu hơn. Tuy nhiên, khoai tây có lượng calo thấp hơn khoai lang, lượng chất xơ nhiều hơn khoai lang, vì vậy, nó có thể là sự lựa chọn tốt hơn trong việc quản lý cân nặng.
Nên nhớ những lưu ý khi sử dụng khoai lang và khoai tây để đảm bảo sức khỏe:
- Phương pháp nấu khoai tây, khoai lang lành mạnh nhất là hấp hoặc luộc, sẽ bảo vệ các chất dinh dưỡng không bị mất đi. Tuy nhiên, folate và vitamin B có thể hòa tan trong nước sôi, do đó nên lưu ý tránh luộc khoai quá lửa.
- Không sử dụng khoai lang có đốm đen, khi đói hoặc đã để quá lâu. Không dùng khoai lang thay cơm hay ăn cả vỏ.
- Nên gọt sạch vỏ khoai tây khi chế biến và loại bỏ hẳn những củ khoai tây đã mọc mầm, vì mầm này có chứa Solanin là chất độc gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Hạn chế ăn khoai tây chiên. Nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn nhiều khoai tây chiên còn dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì. Vì khi chế biến (chiên) ở nhiệt độ cao, khoai tây có thể chứa acrylamide, glycoalkaloid và lượng muối cao, không tốt cho sức khỏe. Acrylamide đã được phân loại là một yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư.
- Phụ nữ có thai ăn khoai lang được, nhưng tránh ăn nhiều. Mỗi ngày chỉ nên ăn 1 củ khoai lang và nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Ăn khoai lang vào buổi tối dễ bị đầy bụng.
- Phụ nữ có thai không ăn nhiều khoai tây, nếu có thể thì không ăn sẽ tốt hơn. Nếu muốn ăn khoai tây thì 1 bữa có thể ăn khoảng 50g khoai tây, 1 tháng ăn 1 lần.
- Những người mắc bệnh thận nên tránh ăn khoai lang, khoai tây vì trong khoai chứa nhiều kali. Khi thận yếu, khả năng loại bỏ kali không tốt sẽ gây nhiều tác hại cho tim.
Tóm lại, cả khoai lang và khoai tây đều đều tốt cho sức khỏe, phù hợp với chế độ ăn lành mạnh khi chúng được chế biến theo những cách bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào sở thích ăn uống và tình trạng sức khỏe của chúng ta để lựa chọn cho mình thực phẩm phù hợp, có thể tùy ý chọn theo khẩu vị hoặc sử dụng luân phiên hai loại củ này. Tuy chúng tốt cho sức khỏe nhưng chỉ giúp hỗ trợ và không nên lạm dụng, vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng khoai lang và khoai tây.
Tin liên quan
Có thể bạn nghĩ khoai tây và khoai lang là “anh em ruột”, trên thực tế, 2 loại củ này chỉ là “họ hàng xa” bởi chúng khá khác biệt. Thông...
Cynthia Nixon - sao phim "Sex and the City" ở tuổi 58 vẫn có làn da khỏe khoắn nhờ ăn một loại quả dễ kiếm.
Mùa đông, trong thời tiết trời se lạnh, có món khoai lang nướng nóng hổi vừa thổi vừa ăn sẽ ấm bụng ngay tức thì. Tuy nhiên, chúng ta thường...
Tác dụng của khoai lang đối với sức khoẻ là gì? Liệu ăn nhiều loại củ này tác dụng phụ không?
Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh
Giá đỗ rất giàu chất dinh dưỡng, ăn điều độ thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên có một số lưu ý như trường hợp nào không nên ăn giá đỗ.
Dinh dưỡng - Lối sống khác