Nhịn đói là "tra tấn" dạ dày, ăn 2 kiểu này còn hại hơn, dễ gây ung thư, nhiều người Việt hay làm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 30/06/2022 06:47 AM (GMT+7)

Việc ăn quá no, ăn uống không đúng giờ, đúng bữa sẽ làm xáo trộn đồng hồ sinh học, từ đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa.

Không chỉ đói, ăn quá no cũng rất nguy hiểm

Trong quá trình ăn uống, các chuyên gia luôn khuyến cáo mọi người tuyệt đối không “bỏ đói” dạ dày, cần ăn đúng giờ, đủ bữa và đa dạng thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người vì món ngon hay đang trong cơn đói nên ăn nhiều, ăn quá no thì liệu có gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là dạ dày?

Ths.BS Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, việc để bụng quá đói hay ăn quá no đều không tốt cho dạ dày. Trung bình ổ chứa của dạ dày chỉ cho phép chứa khoảng 300-500ml, nhưng khi ăn quá tải lượng 1 đến 2 lần, tất nhiên dạ dày vẫn cố chịu đựng được ngay lúc đó. Nhưng trường hợp ngày nào cũng ăn quá no, dạ dày chắc chắn sẽ bị quá tải và dẫn tới hỏng hóc.

“Chúng ta hình dung dạ dày giống như một cái máy, nếu dùng quá tải một ngày, hai ngày máy có thể vẫn chạy được, nếu ngày nào cũng quá tải liên tục thì sẽ gây cháy máy, hỏng hóc và phải sửa liên tục”, bác sĩ Hải Nam lấy ví dụ.

Việc ăn quá no không hề tốt cho sức khỏe, có thể ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.

Việc ăn quá no không hề tốt cho sức khỏe, có thể ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.

Cụ thể với dạ dày khi ăn quá no, nó sẽ giãn căng hết cỡ, không còn chỗ để co bóp. Khi không co bóp được vì đầy, nó sẽ trào ngược thức ăn lên trên đến điểm tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản. Nếu liên tục bị đẩy lên như vậy sẽ gây bào mòn và nếu không có biện pháp can thiệp, thay đổi thói quen thì có thể dẫn tới ung thư hóa.

Đừng bỏ quên “đồng hồ sinh học”

Bác sĩ Hà Hải Nam cho biết, trong cuộc sống hiện đại với khối lượng công việc nhiều, mọi người sống nhanh, sống gấp hơn nên nhiều người đã bỏ quên luôn “đồng hồ sinh học”. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc ăn không đúng bữa, bỏ bữa diễn ra rất thường xuyên. 

Điển hình nhất là việc buổi sáng nhiều người ranh thủ làm việc rồi đến 9h mới đi ăn, trưa ăn lúc đã quá 13 giờ, tối đi tập thể dục đến muộn mới dùng bữa. “Việc ăn không đúng giờ, đúng bữa ảnh hưởng đến sức khỏe, do hệ thống sinh học của con người được cài đặt đến khoảng thời gian đó, hệ thần kinh trên não sẽ chỉ đạo cần bổ sung năng lượng. Nếu không được bổ sung cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng để hoạt động”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Theo bác sĩ Nam, tốt nhất mọi người nên thực hành ăn uống lành mạnh, khoa học. Buổi sáng, khi ngủ dậy nên uống một cốc nước ấm trước, việc làm này nhằm giúp đẩy dịch trong dạ dày tồn tại suốt một đêm xuống dưới. Sau đó, cần khởi động hệ thống tiêu hóa bằng cách ăn nhẹ, ăn sáng. Đó là cách bổ sung năng lượng trong một ngày. 

Việc ăn không đúng bữa làm thay đổi đồng hồ sinh học, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.Ảnh minh họa

Việc ăn không đúng bữa làm thay đổi đồng hồ sinh học, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.Ảnh minh họa

Buổi trưa cũng vậy, sau một thời gian co bóp hết thức ăn buổi sáng, dạ dày cần phải nạp thêm thức ăn vào để hoạt động. Nếu không nạp thức ăn vào, dạ dày vẫn hoạt động theo nhịp đồng hồ sinh học, khi đó sẽ gây xót dạ dày và dịch vị axít tiết ra nhiều, từ đó dễ tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, vì các cơ thắt dạ dày không có gì co bóp thì sẽ bị tổn thương.

“Khi cơ thắt bị tổn thương có thể tác động đến tiêu hóa. Cụ thể, khi chúng ta ăn thật thì cơ thắt không hoạt động theo đúng nhịp, từ đó dẫn tới tình trạng ợ chua, ợ đắng hoặc ợ ra cả thức ăn. Việc ăn uống không khoa học, nhất là không đúng giờ giấc, không đúng nhịp sinh học là yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ hình thành ổ loét, dần dần sẽ bị ung thư hóa”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc phân chia bữa ăn cần đảm bảo sự cân đối, cụ thể bữa sáng, bữa trưa cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu năng lượng của một ngày và 30% còn lại do bữa tối cung cấp. 

Thông thường khi ăn muộn lúc rất đói, chúng ta dễ ăn quá no, nhiều chất béo và cholesterol. Điều này nếu diễn ra sau một thời gian dài có thể dẫn đến xơ cứng động mạch và cuối cùng hình thành bệnh tim mạch. Các axit béo dư thừa trong máu và triglyceride ức chế hoạt động của insulin, dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Việc ăn quá khuya hoặc ăn uống thất thường cũng khiến dạ dày và ruột phải hoạt động trong khi đáng lẽ được nghỉ ngơi, đồng thời căng bụng gây khó ngủ, khiến chúng ta thức khuya nên dễ gây ra các bệnh về dạ dày… Đó là một vòng luẩn quẩn cần thay đổi bằng việc điều chỉnh lối sống, thói quen ăn uống phù hợp. 

Cô gái 26 tuổi ung thư dạ dày vì thói quen ăn uống này, có 3 thực phẩm đừng cất tủ lạnh
Bảo quản thực phẩm sai cách trong tủ lạnh có thể khiến bạn bị bệnh nguy hiểm mà không biết.

Sức khỏe ngày nóng

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe