Theo chuyên gia, quan niệm cho rằng uống mật ong giúp phòng bệnh dạ dày, thậm chí là chữa được cả viêm loét dạ dày là không chính xác, mật ong không hề có tác dụng “thần kỳ” như vậy.
Với dạ dày, việc uống mật ong cũng như uống nước
Hiện nay, nhiều người mách nhau cách uống mật ong pha nước ấm hay nước ấm pha chanh, mật ong vào buổi sáng để bảo vệ dạ dày, chữa được cả viêm loét dạ dày. Thậm chí, trên mạng xã hội có người còn chia sẻ chi tiết cách uống, thời điểm uống để đạt được tác dụng phòng bệnh tốt nhất, như: "Khi sáng sớm vừa thức dậy, bạn uống một cốc nước mật ong giúp thành dạ dày, các mao mạch được bảo dưỡng...".
Trước vấn đề trên, TS.BS Đặng Quốc Ái - Chuyên gia phẫu thuật đường tiêu hóa (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E) cho biết, việc uống mật ong để chữa viêm loét, phòng bệnh dạ dày hiện nay đang được nhiều người hiểu sai.
“Nhiều người nghĩ rằng mật ong khi uống vào sẽ giúp bao phủ dạ dày, che chở niêm mạc dạ dày để tránh khỏi tác dụng của axít dạ dày, nhất là khi bụng đói lúc mới ngủ dậy. Điều này là chưa chính xác”, TS Quốc Ái cho hay.
Việc pha mật ong với nước ấm uống vào buổi sáng sau khi sử dụng cũng chỉ có tác dụng như uống nước lọc với dạ dày.
Theo TS Ái, việc uống mật ong pha loãng cũng chỉ có tác dụng như uống nước lọc vào buổi sáng mà thôi. Mật ong chỉ hơn nước lọc là cung cấp một chút năng lượng khi cơ thể chưa ăn gì.
Thông thường, sáng thức dậy dịch axít trong dạ dày sẽ có nhiều hơn bình thường, nhất là khi bụng đang đói thì dịch a xít này càng đậm đặc. Khi đó, mọi người uống nước vào sẽ làm loãng dịch axít trong dạ dày, giúp phòng đau dạ dày.
Do vậy, việc uống nước mật ong hay uống nước lọc cũng như nhau, chứ không nên “thần thánh” hóa việc uống nước ấm pha mật ong giúp phòng hay chữa được đau dạ dày. Có chăng việc hòa mật ong vào nước chỉ giúp có vị ngọt và dễ uống hơn.
“Chúng ta hình dung dạ dày buổi sáng cũng như một nồi nước đang sôi, nếu đổ thêm bát nước lạnh vào thì nồi nước sôi sẽ hạ nhiệt xuống ngay. Dạ dày cũng vậy, khi đang nhiều dịch axít sau một đêm, nếu chúng ta uống nước vào sẽ giúp làm loãng dịch vị, dù đó là nước lọc hay mật ong cũng chỉ có tác dụng như vậy”, TS Ái nhấn mạnh.
Pha mật ong với nước chanh uống không có tác dụng với việc dung hòa axít dạ dày.
Còn việc pha mật ong với nước chanh để uống, TS Ái khuyên mọi người không nên thực hiện. Nước chanh có vị chua, có tính axít, dịch vị dạ dày cũng có tính axít, việc uống nước chanh vào để dung hòa dịch vị axít trong dạ dày là “ngược đời”, không khoa học.
Thay vì uống mật ong hãy uống sữa mỗi sáng thức dậy
TS Đặng Quốc Ái cho rằng, thay vì nghe theo lời đồn, hướng dẫn trên mạng về việc uống mật ong, người dân hãy uống một cốc sữa vào buổi sáng mỗi khi ngủ dậy là tốt nhất.
“Khi uống sữa vào ngoài cung cấp năng lượng, dưỡng chất cho cơ thể thì tính kiềm hóa trong sữa sẽ làm trung hòa axít trong dạ dày rất tốt. Đó là lý do vì sao người bị đau do viêm loét dạ dày nếu cho uống một cốc sữa, hộp sữa vào thì cơn đau sẽ dịu đi”, TS Ái phân tích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, với những người không dung nạp lactose (khi ăn hay uống ở các sản phẩm từ sữa mà không thể tiêu hóa hoàn toàn đường (loại lactose) trong sữa - PV) nếu sáng dậy chưa ăn gì mà uống sữa sẽ gây ra các triệu chứng như chướng bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy, vì thế không nên uống. Còn lại với những người dung nạp tốt lactose, việc uống sữa khi mới ngủ dậy không gây hại mà còn giúp dung hòa a xít dạ dày tốt và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Uống cốc sữa buổi sáng tốt cho dạ dày.
Ngoài việc uống sữa vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, TS Ái cũng khuyên người dân nên uống nghệ để giúp phòng và hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, việc uống nghệ cũng cần phải biết cách chế biến và sử dụng thì mới mang lại hiệu quả.
Theo TS Ái, bạn không cần phải dùng nghệ nano, tinh bột nghệ vì vừa tốn tiền lại mang lại hiệu quả thấp. “Hãy mua nghệ tươi về sơ chế sạch rồi cho vào xay như sinh tố, sau đó trộn một ít đường hoặc mật ong (giúp dễ uống hơn) và sử dụng.
Đặc biệt, khi dùng đừng vứt bỏ bã nghệ, nên xay nhuyễn để có thể sử dụng cả bã. Nếu bỏ bã sẽ mất lượng lớn chất xơ - đây là phần rất tốt, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa lưu thông, chống lại táo bón.
Mọi người khi dùng nghệ nên uống vào khoảng 9-10h sáng hoặc 3-4h chiều. Đây là thời gian người bệnh chưa ăn, dịch vị dạ dày đang cao, khi uống vào sự kiềm hóa của nghệ và pha loãng của nước sẽ làm giảm nồng độ của axít. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng thường xuyên, vì bất cứ thứ gì dùng nhiều cũng không tốt, dễ có tác dụng phụ”, TS Ái cho hay.
Uống nghệ xay sinh tốt tốt cho dạ dày nhưng phải dùng đúng cách.
Đừng quên đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Việc sử dụng các cách như trên chỉ có tác dụng phòng và hỗ trợ, TS Ái cho rằng tốt nhất người dân cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Với những ai có triệu chứng đau dạ dày, viêm dạ dày, đặc biệt là người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên) cần đến ngay trung tâm y tế khám, lưu ý trung tâm đó phải có máy nội soi, soi được thực quản dạ dày để tránh bỏ sót trường hợp mắc ung thư.
Ngoài ra, khi đi khám - chữa bệnh liên quan đến dạ dày cần chọn cơ sở uy tín, nơi có bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh. Các bác sĩ sẽ có những tư vấn trong trường hợp bất thường xảy ra, nhất là ung thư về đường tiêu hóa.
TS.BS Đặng Quốc Ái cho biết, cách phòng bệnh tốt nhất là đi khám định kỳ, khám sớm nếu có dấu hiệu viêm loét, đau dạ dày.
“Việc nội soi dạ dày hiện nay rất an toàn, không quá đắt đỏ, giúp phát hiện sớm được bệnh, nhất là ung thư và từ đó có những tư vấn kịp thời”, TS Ái thông tin.
TS Ái cũng khuyên người dân không nên dùng các biện pháp truyền tai hay thậm chí cố học theo cách phòng bệnh trên mạng để bỏ lỡ “cơ hội vàng” phát hiện và điều trị bệnh.
Bởi ngoài vấn đề trung hòa axít dạ dày như đã nói trên, một điều đáng quan tâm khác liên quan đến vi khuẩn Hp, Đây là loại vi khuẩn sống, nằm sâu dưới niêm mạc dạ dày, nếu không tiêu diệt con vi khuẩn này thì việc điều trị có tốt đến mấy bệnh vẫn tái phát. Trong khi loại vi khuẩn này không thể điều trị bằng việc uống nước hay uống nghệ…mà cần phải tiêu diệt bằng kháng sinh.
Để phòng bệnh dạ dày, ngoài việc đi khám định kỳ, TS Ái khuyến cáo người dân hãy thực hiện một chế độ ăn uống khoa học: hạn chế đồ cay nóng, đồ ăn nhanh, rượu bia, thuốc lá… Ngoài ra, cần có chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, không nên thức khuya, thường xuyên tập thể dục,…
Theo Đông y: Có thể dùng mật ong để hỗ trợ phòng, điều trị bệnh dạ dày Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, mật ong có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, trong mật ong có tới 60% là glucose, ngoài ra còn có muối vô cơ, axit hữu cơ, men tiêu hóa, chất béo… Trong đông y, mật ong vị ngọt, tính bình, vào 5 kinh: tâm, tì, phế, vị, đại tràng. Lượng khuyến cáo mỗi ngày là 10-20g/ ngày có thể hỗ trợ phòng được nhiều bệnh. Đối với dạ dày, lương y Bùi Hồng Minh cho biết, dù không thể chữa khỏi được viêm dạ dày, loét dạ dày nhưng mật ong khi dùng có thể giúp giảm nồng độ a xít của dịch vị dạ dày. Lương y Hồng Minh cho biết, khi dùng không nên uống nguyên chất mà nên pha với nước ấm hoặc dùng kết hợp với nghệ như cùng nước nghệ tươi, dùng để cô lại thành viên tễ. Tuy nhiên, khi dùng mật ong, lương y Hồng Minh khuyến cáo, với mật ong nguyên chất thì những người có dị dứng phấn hoa, mật ong cần phải lưu ý. Những người có đường huyết cao cũng không nên dùng hoặc dùng hạn chế vì mật ong có tính ngọt, nếu lạm dụng có thể làm tăng đường huyết. |