Mẹ bị viêm âm đạo giặt chung quần áo với con có thể lây bệnh cho con

Thùy Dương - Ngày 25/09/2019 13:44 PM (GMT+7)

Dùng nước trà xanh, nước muối hay xông "vùng kín" bằng lá trầu không là những phương pháp mà nhiều chị em áp dụng để vệ sinh. Nhưng điều này hoàn toàn vô dụng, thậm chí có thể gây bỏng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, trong đó, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc nhất nhưng lại chủ quan không điều trị sớm.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả như ngứa ngáy, khó chịu tại cơ quan sinh dục của nữ giới, nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều tổn thương tại vùng kín, gây khó khăn trong quan hệ vợ chồng cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như khó sinh con hay sảy thai ở bà bầu,…

Để giúp các bạn trang bị đầy đủ kiến thức, chủ động phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo đúng cách, ngày 26/9, Báo Gia đình Xã hội kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến "Hiểu đúng về bệnh Viêm nhiễm phụ khoa" với sự tham gia của 2 khách mời:

Bác sĩ Tạ Việt Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) và Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

Mẹ bị viêm âm đạo giặt chung quần áo với con có thể lây bệnh cho con - 1

Hai khách mời đã có mặt để giao lưu.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm âm đạo

MC: Viêm âm đạo là căn bệnh có tỷ lệ mắc nhiều nhất trong số các bệnh phụ khoa ở chị em phụ nữ, vậy xin các bác sĩ cho biết hiện nay tình trạng phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa nói chung và viêm âm đạo ở Việt Nam nói riêng như thế nào?

Bác sĩ Cường: Viêm âm đạo rất phổ biến, ai cũng có thể mắc và tỷ lệ rất cao, phổ biến ở những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, đã có quan hệ tình dục. Còn những lứa tuổi chưa có quan hệ tình dục, thì tỷ lệ mắc rất thấp. Trẻ nhỏ cũng có thể là đối tượng mắc bệnh nhưng thường là do người chăm sóc hoặc vấn đề vệ sinh không tốt.

MC: Với tình trạng như trên, bác sĩ Tạ Việt Cường có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây ra bệnh viêm âm đạo ở chị em phụ nữ?

Bác sĩ Cường: Nguyên nhân gây viêm âm đạo ở phụ nữ có thể đến từ nhiều phía, ví dụ từ bản thân người phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh làm thay đổi môi trường âm đạo, mất cân bằng môi trường âm đạo.

Trong âm đạo của phụ nữ có cả những vi khuẩn có lợi và có hại. Khi vi khuẩn có lợi yếu đi và vi khuẩn có hại phát triển mạnh sẽ gây tình trạng viêm. Đó là nguyên nhân có thể làm âm đạo bị viêm.

Hoặc có thể có nguyên nhân từ bên ngoài ví dụ như bạn tình của người phụ nữ mắc các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai... sẽ truyền bệnh cho người phụ nữ, từ đó gây viêm âm đạo. Đó là hai nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm âm đạo ở chị em.

Bác sĩ Dung: Do cấu tạo của cơ thể nên bộ phận sinh dục của người phụ nữ rất dễ bị nhiều yếu tố tác động. Vì phía trước âm đạo là lỗ tiểu phía sau là hậu môn, đều là những nơi đào thải các chất bẩn trong cơ thể ra ngoài.

Âm đạo cũng là nơi chịu quá nhiều chức năng gồm quan hệ tình dục, chức năng sinh sản và hàng tháng đều trải qua chu kỳ kinh nguyệt. Những điều ấy làm tăng nguy cơ viêm âm đạo.

Trẻ con cũng có thể mắc bệnh - Mẹ mắc viêm âm đạo có thể lây sang cho con 

MC: Đối với trẻ nhỏ mắc viêm âm đạo, thường nguyên nhân gây bệnh là gì, bởi các cháu còn nhỏ chưa thể có quan hệ tình dục? 

Bác sĩ Dung: Trẻ nhỏ chưa quan hệ tình dục, chưa có kinh nguyệt nhưng vẫn có thể mắc viêm âm đạo. Nguyên nhân thứ nhất là trẻ mắc bệnh giun kim. Giun kim đến từ hậu môn, buổi tối nó bò ra ngoài đi đẻ trứng và có thể chui vào âm đạo, từ đó gây ra viêm.

Vậy tại sao bệnh giun kim lại phát triển ở trẻ nhỏ? Vì bệnh giun kim gây ngứa ở hậu môn nên cha mẹ tuyệt đối không để trẻ gãi ngứa ở khu vực này vì có thể khiến trứng giun kim dính lên tay và trẻ sẽ vô tình đưa vào miệng. Điều đó khiến giun kim tiếp tục phát triển, nên dù có rửa sạch trẻ vẫn bị tái phát và càng có nguy cơ gây viêm âm đạo.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ cũng không không tẩy giun cho con định kỳ. Và ở nước ta, tỷ lệ mắc giun sán rất cao do an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa tốt. Hơn nữa, những đứa trẻ ở nông thôn tiếp xúc với đất cát rất nhiều nên rất dễ nhiễm giun sán. Từ bệnh giun sán đó có thể dẫn tới tình trạng viêm âm đạo ở trẻ. 

Nguyên nhân thứ hai gây viêm âm đạo ở các em gái nhỏ là do nấm âm đạo. Nấm âm đạo chủ yếu là do nấm candida. 

Trên đây là hai nguyên nhân rất dễ gặp ở trẻ nhỏ bị viêm âm đạo. Nếu bác sĩ không tỉnh táo chỉ chữa âm đạo bằng thuốc kháng sinh mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân thì sẽ không chữa khỏi bệnh tận gốc cho trẻ.

Bác sĩ Cường: Trẻ nhỏ không có yếu tố nguy cơ, vì vậy nguyên nhân viêm âm đạo thường xuất phát từ người lớn. Có thể do vệ sinh tay không tốt, mẹ vệ sinh xong không rửa tay sau đó lại vệ sinh cho trẻ nhỏ. Hoặc bố mẹ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, ví dụ các bệnh gây tiết dịch âm đạo thì khi giặt chung quần áo với con cái hoàn toàn có thể lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con.

Mẹ bị viêm âm đạo giặt chung quần áo với con có thể lây bệnh cho con - 2

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung.

Hai thói quen ở phụ nữ gây viêm âm đạo

MC: Thưa bác sĩ Kim Dung, viêm âm đạo có thể xảy ra do một số thói quen trong sinh hoạt, vậy có một số thói quen thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày nào mà chị em dễ dẫn đến mắc bệnh viêm âm đạo nhất? Trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp trường hợp nào mắc bệnh vì lý do trên chưa?

Bác sĩ Dung: Có hai thói quen ở phụ nữ gây viêm âm đạo.

Thứ nhất là thụt rửa âm đạo. Việc việc bơm rửa nước vào âm đạo tưởng rất sạch nhưng thực tế lại đẩy ngược những chất bẩn vào sâu âm đạo hơn. Chẳng hạn việc dùng vòi xịt nước mạnh trong nhà vệ sinh để rửa âm đạo có thể gây viêm âm đạo, làm khô viêm âm đạo. Hơn nữa, nước rửa đấy có độ pH không hoàn toàn phù hợp với âm đạo sẽ càng khiến âm đạo bị khô hoặc bị viêm nhiễm lên cao. Vì vậy không nên dùng vòi xịt trong nhà vệ sinh để thụt rửa âm đạo.

Thói quen thứ hai là sau khi đi vệ sinh dùng nước rửa bên ngoài sau đó lấy khăn thấm để ở trong nhà tắm. Loại khăn thấm ấy nếu dùng chung với nhiều người và không hề giặt thường xuyên, nó sẽ thành môi trường nuôi cấy vi trùng và nấm. Sử dụng giấy vệ sinh còn an toàn hơn so với dùng khăn chung và để nhiều ngày không giặt.

Đã từng có trường hợp cụ bà 80 tuổi, chồng mất đã lâu, mắc sùi mào gà và gia đình có thói quen dùng chung khăn lau sau khi đi vệ sinh. Đây rất có thể là nguyên nhân lớn khiến cho cụ mắc bệnh.

MC: Dù là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời viêm âm đạo cũng có thể gây nên nhưng biến chứng khó lường. Vậy bác sĩ Tạ Việt Cường có thể chỉ ra những biến chứng của bệnh viêm âm đạo. Nhiều chị em lo lắng về biến chứng vô sinh (khó có con) khi đã mắc viêm âm đạo, điều này có đúng không?

Bác sĩ Cường: Những trường hợp điều trị viêm âm đạo sớm và kịp thời sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Còn những trường hợp mắc viêm âm đạo nhưng tự điều trị hoặc tự ý mua thuốc điều trị thì khả năng viêm cấp tính hoặc viêm mãn tính dễ xảy ra.

Hoặc những trường hợp thụt rửa âm đạo khiến cho vi khuẩn lên cao hơn có thể vào trong buồng tử cung, vòi tử cung, gây viêm phần phụ, viêm dính vòi tử cung. Tất cả những điều này đều làm cho việc có con khó khăn hơn.

Ví dụ tắc vòi tử cung thì trứng và tinh trùng sẽ không thể gặp nhau từ đó không thể có con được. Hoặc nếu bán tắc một phần thì phôi thai sẽ dễ nằm ở vòi tử cung, đó là chửa ngoài tử cung, gây khó khăn cho việc có con bình thường. Hay trường hợp viêm nhiễm làm cho dính buồng tử cung khiến buồng tử cung không toàn vẹn, do đó phôi không thể nằm trong tử cung. Trường hợp này điều trị còn khó khăn hơn nhiều.

Vì vậy, phụ nữ đừng chủ quan hay e ngại mà không đi khám viêm âm đạo. Bác sĩ sẽ giúp tìm ra nguyên nhân viêm âm đạo do nấm, do vi khuẩn hay do bệnh giang mai, lậu. Khi điều trị được đúng nguyên nhân thì bệnh sẽ nhanh khỏi.

Những điều cần chú ý khi điều trị viêm âm đạo

MC: Hiện nay việc điều trị bệnh viêm âm đạo chị em cần chú ý những điều gì? Điều trị viêm âm đạo có khó khăn không? Khi nào chị em cần đến viện điều trị, bệnh có thể tự điều trị tại nhà hay không?

Bác sĩ Dung: Một khi bị viêm âm đạo thì nên khám theo bác sĩ. Nhiều trường hợp cứ khó chịu lại tự ý dùng thuốc. Dù ban đầu dễ chịu nhưng sẽ khiến cho các vi trùng trong cơ thể chúng ta hoàn toàn quen với việc dùng thuốc. Điều này sẽ tự làm giảm sức đề kháng, kháng thuốc nhiều hơn. Còn khi điều trị theo bác sĩ sẽ kê đúng đơn thuốc và thời gian sử dụng. Hết bệnh sẽ ngưng dùng thuốc.

MC: Mắc viêm âm đạo, dù đến viện hay phòng khám các bác sĩ cũng thường cho thuốc và hướng dẫn điều trị ngoại trú. Vậy bác sĩ Kim Dung có thể hướng dẫn chị em những điều cần chú ý khi điều trị viêm âm đạo tại nhà. Bác sĩ có thể chia sẻ các bước vệ sinh, chăm sóc bản thân khi bị viêm âm đạo?

Bác sĩ Dung: Có hai tiêu chí để bảo vệ âm đạo thứ nhất là giữ sạch, thứ hai là tránh bị bệnh.

Để làm được điều này đầu tiên phải vệ sinh đúng bước. Một ngày rửa bên ngoài âm hộ hai lần vào sáng và tối, sau đó lau khô. Đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh vào những thời điểm như lúc kinh nguyệt, sau sinh nở hay phá thai. Ví dụ trong kỳ kinh nguyệt, sau 4-6 tiếng phải thay băng vệ sinh, không nên để đến 12 tiếng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tăng lên. Hoặc sau khi phá thai hay sinh nở nên kiêng quan hệ tình dục để bảo vệ sức khỏe.

Điều thứ hai, không để lây nhiễm bệnh tình dục. Quan hệ một vợ một chồng sẽ giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân mình. Còn nếu có quan hệ bên ngoài nên sử dụng bao cao su.

MC: Như đã chia sẻ ở trên, quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân khiến nhiều chị em mắc viêm âm đạo. Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, tuy nhiên hiện có nhiều loại bao cao su kém chất lượng có thể gây thêm bệnh viêm nhiễm, bác sĩ có tư vấn gì về vấn đề này?

Bác sĩ Cường: Nên dùng bao cao su thuộc các thương hiệu lớn thì sẽ an toàn hơn. Một số phụ nữ bị dị ứng bao cao su cũng nên thay đổi, lựa chọn các loại bao cao su khác nhau để tìm ra loại phù hợp với bản thân.  

Mẹ bị viêm âm đạo giặt chung quần áo với con có thể lây bệnh cho con - 3

Bác sĩ Tạ Việt Cường.

MC: Khi quan hệ tình dục, nhiều người cho rằng chỉ khi xuất tinh mới gây ra tình trạng viêm nhiễm vì tinh trùng vào âm đạo gây mất cân bằng độ pH. Bởi vậy, các cặp vợ chồng thường chỉ dùng bao cao su khi xuất tinh. Điều này có làm giảm được viêm âm đạo khi quan hệ tình dục không?

Bác sĩ Dung: Dùng bao cao su chỉ khi xuất tinh không làm giảm viêm âm đạo. Bởi có những bệnh không nằm trong tinh dịch mà nằm bên ngoài dương vật ví dụ ở đầu dương vật cũng đủ để gây viêm.

Ví dụ bệnh sùi mào gà không hề nằm trong tinh dịch, nếu người bị bệnh không dùng bao cao su thì quan hệ tình dục sẽ lây cho bạn tình. Vì vậy, xuất tinh mới gây bệnh là sai hoặc quan niệm đợi đến lúc xuất tinh rồi mới dùng bao cao su để tránh thai cũng không an toàn.

Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo cần đề phòng những biến chứng nguy hiểm

MC: Nhiều chị em phụ nữ mang thai, kiêng quan hệ tình dục nhưng vẫn mắc viêm âm đạo. Nguyên nhân tình trạng này do đâu?

Bác sĩ Dung: Khi mang thai, trong cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi như thay đổi nồng độ estrogen, testoteron. Sự thay đổi nội tiết đó dẫn đến thay đổi môi trường âm đạo, dần dần dẫn đến viêm. Ban đầu có thể thấy nhiều khí hư trong âm đạo. Nếu quan hệ tình dục thì khí hư còn ra nhiều hơn.

MC: Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo có ảnh hưởng gì đến quá trình mang thai, cũng như em bé trong bụng không? Khi điều trị bằng thuốc có nguy hiểm đến thai nhi không?

Bác sĩ Cường: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của viêm âm đạo khi mang thai là vỡ ối non, đẻ non. Thai chưa đủ tháng, dưới 35 tuần mà ối đã vỡ sẽ không thể giữ thai.

Với những phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo, sau 12 tuần khi em bé phát triển ổn định có thể dùng một số loại thuốc điều trị viêm âm đạo. Việc dùng thuốc cân bằng môi trường âm đạo sẽ tốt hơn dùng thuốc kháng sinh. Nhưng nếu bị viêm nặng thì vẫn phải dùng thuốc kháng sinh bằng cách kết hợp dùng thuốc cân bằng môi trường âm đạo và thuốc kháng sinh. Điều này sẽ giúp quá trình viêm diễn ra chậm hơn, nhanh khỏi hơn, lâu tái phát.

Thuốc cân bằng môi trường âm đạo không gây nguy hiểm thai nhi còn thuốc điều trị chống viêm có một số thuốc có thể dùng được cho phụ nữ mang thai. Phụ nữ khi mang thai cũng nên chú ý đến dịch âm đạo và chú ý tới những dấu hiệu khác lạ trên cơ thể. Một nghiên cứu ở Đức cho biết ở phụ nữ mang thai chỉ cần kiểm soát độ pH âm đạo đã giảm tỷ lệ viêm nhiễm và tỷ lệ đẻ non.

Các chuyên gia trực tiếp giải đáp những thắc mắc của quý độc giả

Câu hỏi 1: Chào bác sĩ, tôi năm nay 30 tuổi đã kết hôn. Tôi là người vệ sinh rất sạch sẽ, ngày thay quần lót 2 lần, trước và sau quan hệ đều vệ sinh nhưng gần đây lại được chẩn đoán mắc viêm âm đạo. Tôi nghi ngờ chồng mình ngoại tình nên đã mang bệnh về cho vợ. Liệu phụ nữ có thể bị viêm âm đạo vì lây bệnh từ chồng không, tôi có cần phải đưa anh đi khám?

Độc giả Bảo Anh (Hà Nội)

Bác sĩ Dung: Thực chất mà nói thì trong trường hợp này không nên tin ai, nếu không có bằng chứng rõ ràng. Nếu nói không quan hệ với ai là chỉ khi có mặt vợ ở đó, nếu không thì những bác sĩ như chúng tôi sẽ có cách để người chồng phải khai ra sự thật.

Vậy nên việc người vợ ép đi khám, thì trước hết bản thân người vợ phải đi khám trước vì cơ thể mình đang mắc bệnh. Điều thứ 2 là nguyên nhân từ đâu? Điều này anh chồng nếu đi khám thì là điều rất tuyệt vời. Còn việc cứ đưa nhau ra truy tố thì tôi nghĩ không nên vì chỉ nhận được lời nói dối.

Câu hỏi 2: Chào bác sĩ, tôi có con gái 8 tuổi. Gần đây, bé hay kêu bị ngứa “vùng kín”, đặc biệt là vào ban đêm. Đôi khi tôi cũng thấy có dịch lạ màu trắng đục lẫn xanh dính trên quần lót của con. Tôi có đọc được bài viết nói rằng trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm âm đạo, có những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị viêm âm đạo?

Độc giả Minh Hà (Hưng Yên)

Bác sĩ Cường: Với trường hợp này, con bạn có khả năng là nhiễm giun kim. Đặc biệt là bị ngứa vào ban đêm thì điều đó phù hợp với chu trình phát triển của giun kim chui ra từ hậu môn, sau đó chui ngược vào âm đạo và gây ngứa, viêm nhiễm.

Vì thế tốt là nên cho em bé tẩy giun. Sau đó tiếp tục theo dõi xem em bé có còn dịch âm đạo đó nữa hay không. Nếu vẫn còn thì hãy đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám. Thường những trường hợp như em bé này thì tẩy giun là sẽ hết.

Câu hỏi 3: Thưa bác sĩ, làm thế nào để tự kiểm tra xem bản thân có bị viêm âm đạo hay không? Em năm nay 17 tuổi, em lo lắng liệu đi khám viêm âm đạo có thể làm “mất trinh” không? Có những dấu hiệu gì để nhận biết căn bệnh này?

Độc giả Nguyễn Tâm (Thanh Hóa)

Bác sĩ Dung: Việc một cô gái còn trinh tiết đi khám phụ khoa bao giờ cũng e ngại. Còn việc viêm nhiễm âm đạo thì như đã nói, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu khẳng định vẫn còn trinh tiết thì trước khi khám cần phải thông báo cho bác sĩ trước, để bác sĩ khám cho mình khi dùng dụng cụ khám không dùng những dụng cụ làm giãn rộng màng trinh của mình ra.

Tất nhiên, với những trường hợp này nên có người thân hoặc nếu chưa đến tuổi vị thành niên thì phải có người giám hộ bên cạnh. Bởi bác sĩ chúng tôi khám là vì người bệnh, nhưng sau khi khám xong lại đổ lỗi cho bác sĩ, nhất là bác sĩ nam là làm mất màng trinh thì rất rắc rối.

Mẹ bị viêm âm đạo giặt chung quần áo với con có thể lây bệnh cho con - 4

Đại diện trang tin Eva tặng hoa khách mời.

Câu hỏi 4: Chào bác sĩ, tôi thường hay dùng nước muối pha loãng hoặc đun nước chè xanh để vệ sinh “vùng kín” hàng ngày, đặc biệt là những ngày đèn đỏ. Đôi khi tôi cảm thấy vẫn bị ngứa và có lúc nổi mẩn đỏ ở quanh khu vực này. Bác sĩ cho tôi hỏi cách vệ sinh như vậy có giúp ngăn ngừa viêm âm đạo hay các bệnh phụ khoa hay không?

Độc giả Lê Hằng (Ninh Bình)

Bác sĩ Dung: Việc dùng nước trà xanh đun để vệ sinh vùng kín chỉ làm mất thời gian. Còn những chấm đỏ như bạn miêu tả thì tôi nghĩ có thể do kích ứng của băng vệ sinh hoặc do nấm. Nếu do băng vệ sinh chúng ta có nhiều phương án loại trừ nó ra một cách dễ dàng.

Ví dụ như dùng tăm bông để làm giãn cạnh băng vệ sinh ra như vậy không làm cọ vào vùng kín, nếu làm vậy mà mất những mẩn đỏ đi thì chúng ta xác định được nguyên nhân và xử lý bằng cách đổi sang loại khác. Còn nếu không phải dùng băng vệ sinh mà vẫn có triệu chứng như vậy thì phải đi khám để xác định nguyên nhân.

Đối với việc dùng nước muối pha loãng để vệ sinh âm đạo, tôi khẳng định rằng nước muối chỉ có lợi với những vết thương hở, còn ai nghĩ rằng nước muối rửa bộ phận sinh dục để dễ chịu hơn thì tôi nghĩ không phải.

Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản, nếu đi tắm biển xong mà không tắm tráng người thì có khó chịu không? Chắc chắn là da rất khó chịu, dù nước biển cũng rất loãng. Đó là ở những nơi không phải nhạy cảm như ở lưng, ở da, ở đùi... Như vậy thì dùng nước muối rửa âm đạo thì chắc chắn cũng rất khó chịu. Vì thế nếu bộ phận không có vết thương mà dùng nước muối rửa thì hoàn toàn vô nghĩa.

Câu hỏi 5: Gần đây, tôi có đọc được một vài thông tin liệt kê một số thực phẩm có thể gây viêm âm đạo như là đồ cay nóng, đồ ăn dầu mỡ hay đồ ngọt vì nó làm tăng tiết dịch âm đạo. Tuần trước, tôi phát hiện mình mắc viêm âm đạo và tôi cũng có sở thích ăn đồ ngọt rất nhiều. Vậy liệu những thực phẩm trên có thật sự gây bệnh phụ khoa, tôi có cần kiêng những món gì khi bị viêm âm đạo?

Độc giả Phạm Hương (Gia Lai)

Bác sĩ Cường: Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Không có loại thực phẩm nào gây viêm âm đạo cả. Tất nhiên là cần phải có chế độ ăn uống khoa học, bởi nếu không thì sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, chứ không riêng gì âm đạo.

Câu hỏi 6: Tôi đã chữa khỏi viêm âm đạo cách đây 1 năm nhưng gần đây lại thấy khí hư màu xanh vàng. Bác sĩ cho tôi hỏi liệu bệnh viêm âm đạo có thể trị dứt điểm hay không, bệnh có khả năng bị tái phát không? Phải làm thế nào để sau khi chữa viêm âm đạo, bệnh không tái lại?

Độc giả Trần My (Quy Nhơn)

Bác sĩ Dung: Chúng ta đã nói từ đầu chương trình rồi. Liệu rằng chúng ta chỉ quan hệ tình dục 1 lần thôi xong không quan hệ tình dục nữa. Điều đó là không có, vậy thì chẳng có gì khẳng định được viêm âm đạo chữa khỏi xong không bị lại. Hơn nữa, bạn gái này bị 1 năm rồi, thì ngoài việc quan hệ tình dục, sinh đẻ thì còn nhiều yếu tố nguy cơ khác.

Cho nên 1 năm mà bị viêm âm đạo tái phát thì rất thường kỳ. Bởi đây là khoảng thời gian bạn ở trong giai đoạn  phải đi khám định kỳ.

Câu hỏi 7: Chào bác sĩ, tôi đã mang thai được 2 tháng nhưng lại phát hiện bị viêm âm đạo do nấm. Tôi rất lo lắng liệu đang mang thai có thể chữa viêm âm đạo không và bệnh có gây ảnh hưởng gì tới thai nhi hay không? Phải làm thế nào để bệnh không nguy hiểm tới con tôi?

Độc giả Bùi Nguyệt (Phú Thọ)

Bác sĩ Cường: Phụ nữ đang mang thai là nhóm đi khám viêm âm đạo rất là nhiều. Với phụ nữ mang thai viêm âm đạo rất bình thường, thậm chí là dễ bị viêm hơn, vì khi mang thai có sự thay đổi nội tiết.

Khi mang thai 3 tháng đầu tiên, có khuyên cáo không nên dùng thuốc. Còn sau 12 tuần nếu viêm âm đạo quá nặng thì nên điều trị, bởi nếu không sẽ gây những biến chứng như vỡ ối, đẻ non... Tuy nhiên, các trường hợp này đều phải được bác sĩ thăm khám và có chỉ định của bác sĩ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Câu hỏi 8: Tôi được người quen giới thiệu rằng xông “vùng kín” bằng lá trầu không hoặc rửa bằng lá trầu không sẽ giúp trị bệnh viêm âm đạo, liệu cách làm này có an toàn và hiệu quả? Có những cách nào để điều trị bệnh viêm âm đạo tại nhà hay không?

Độc giả Hoài Thương (TP.HCM)

Bác sĩ Dung: Nói đến xông âm đạo là tôi phản đối ngay. Mình cứ hình dung xông mũi là phải úp mặt vào chất nóng gì đó, thì xông âm đạo cũng vậy. Nhất là với những phụ nữ mới sinh xong, sản dịch ra rất nhiều mà lại phải ngồi trên nồi nước để xông thì quá mệt mỏi, đó là chưa kể nhỡ ngã vào đó lại còn bị bỏng.

Tôi cho rằng, nếu bị viêm nhiễm âm đạo, ra nhiều khí hư, có mùi hôi tanh thì tốt nhất đến bệnh viện để được tư vấn và khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Câu hỏi 9: Thưa bác sĩ, em năm nay 17 tuổi, gia đình em có 3 chị em gái trong đó có 2 người đã bị viêm âm đạo. Em phải làm thế nào để không bị mắc viêm âm đạo, liệu em có thể nhiễm bệnh từ hai người chị không?

Độc giả Trương Hiền (Nam Định)

Bác sĩ Cường: Theo tôi viêm âm đạo không phải là bệnh di truyền mà là bệnh lây truyền. Tuy nhiên, nếu bạn giặt chung quần lót với 2 người chị thì hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu 2 người chị của bạn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Viêm âm đạo là bệnh mang tính chất cá thể, bệnh có thể do lây hoặc cơ thể tự mắc. Đây cũng là bệnh phổ biến ai cũng hoàn toàn có thể mắc, nhưng ngoài một số nguyên nhân do HIV, lậu, giang mai, thì viêm âm đạo do nhiễm tạp khuẩn hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Nên bạn không nên quá lo lắng và hãy đi khám khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Câu hỏi 10: Thưa bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi. Tôi bị viêm âm đạo khá nặng, đã tới các phòng khám điều trị nhiều lần nhưng được một thời gian lại tái phát lại. Tôi rất lo liệu bệnh viêm âm đạo bị nặng như vậy có dẫn tới ung thư phụ khoa không? Trường hợp nào thì mới dẫn tới ung thư phụ khoa?

Độc giả Minh Nga (Tuyên Quang)

Bác sĩ Dung: Một người viêm âm đạo tái phát nhiều lần thường là do nấm. Tuy nhiên, khi viêm âm đạo lâu ngày, tái phát rất có thể do một bệnh lý khác nữa. Ví dụ như khi bị suy giảm miễn dịch cơ thể rất có thể là mắc bệnh lao, HIV... Nhưng khi đi khám, người bệnh cần phải nói thật với bác sĩ để bác sĩ đi tìm nguyên nhân sâu xa.

Vấn đề nữa là ung thư cổ tử cung, nguyên nhân là do virus HPV. Để ngừa bệnh này thì tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi còn trong độ tuổi tiêm chủng. Nếu quá tuổi thì nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Bệnh phụ khoa hầu hết phụ nữ Việt mắc: Rất dễ nhận biết nhưng chị em lại hay chủ quan
Viêm âm đạo đang là căn bệnh nhiều phụ nữ mắc phải, tuy nhiên đa số mọi người còn coi nhẹ sự nguy hiểm của căn bệnh này, chỉ khi quá nặng mới đi khám...
Thùy Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Lê Thị Kim Dung