Tranh thủ mùa vải đang rộ lại có giá rẻ, chị em nhanh tay làm những món tươi ngon, hấp dẫn nhất từ quả vải để gia đình thưởng thức nhé!
1. NƯỚC VẢI THIỀU
Nguyên liệu:
- 12 – 15 quả vải thiều (hoặc vải thường)
- 3,5 chén nước
- 1 quả chanh lớn hoặc 2 quả chanh cỡ trung bình
- Đường (tùy vào khẩu vị)
- Vài viên đá
Cách làm:
- Vải thiều bóc vỏ, tách phần thịt vải ra khỏi hạt.
- Cho thịt vải vào máy xay, xay nhuyễn.
- Cho vải xay nhuyễn, nước chanh, và đường khuấy đều trong bình. Khuấy đều cho đến khi đường tan.
Sau đó, rót nước vải thiều, chanh ra các ly đã có sẵn đá rồi thưởng thức ngay lập tức nhé!
2. CHÈ KHÚC BẠCH
Nguyên liệu:
- 125 ml sữa tươi không đường
- 125 ml kem sữa tươi (whipping cream)
- 3 muỗng canh đường
- 4,5 muỗng cafe bột gelatin (khoảng 12-13g)
- 1 muỗng cafe (5ml) tinh mùi hạnh nhân
- 300 ml nước
- 80g đường phèn
- Trái vải tươi hoặc nhãn
- Một ít hạnh nhân lát rang vàng
Cách làm:
- Rắc bột gelatin vào 3 muỗng canh (khoảng 45 ml) nước hơi ấm. Đặt chén gelatin này vào trong một tô nước nóng (giống như đun cách thủy nhưng không cần đun), làm như vậy thì gelatin sẽ tan đều. Khuấy đều cho gelatin tan hết và chuyển trong.
- Đun nóng già sữa và kem sữa tươi với 3 muỗng canh đường trên lửa nhỏ, khuấy cho đường tan.
- Thêm gelatin vào khuấy đều. Tắt bếp. Thêm tinh dầu hạnh nhân vào khuấy đều.
- Cho hỗn hợp sữa-gelatin ra khuôn, để nguội, cho vào tủ lạnh cho đặc lại (khoảng 2-3 giờ)
- Nấu nước với đường phèn cho tan, để nguội.
- Chuẩn bị thưởng thức: Cắt rau câu hạnh nhân thành các khối vuông, cho vài quả vải vào chén, chế nước đường vào, thêm đá, rắc ít hạnh nhân lát rang vàng lên mặt.
- Nếu không thích vị béo ngậy như phô-mai của rau câu hạnh nhân thì có thể thay đổi tỷ lệ sữa và kem sữa (giảm lượng kem sữa, tăng sữa tươi sao cho đủ 250ml), hoặc chỉ sử dụng hoàn toàn là sữa tươi.
Trái cây sử dụng với món này không nhất thiết là vải, có thể thay bằng nhãn, đào... Trái cây tươi hoặc đóng hộp đều ngon cả. Nếu sử dụng trái cây đóng hộp thì tận dụng nước ngâm trái cây, không cần nấu nước đường, sẽ nhanh hơn đấy.
3. KEM VẢI THIỀU CỐT DỪA
(Tác giả Thu Uyên)
Nguyên liệu:
- Vải thiều
- Nước cốt dừa ( có thể tự làm hoặc mua sẵn ạ)
- 1 quả chanh
- Sữa đặc (lượng sữa đặc tuỳ thuộc vào mọi người ăn ngọt hay không)
Cách làm:
- Vải bóc vỏ tách hột.
- Cho vải vào máy xay thêm nước cốt chanh (1 quả), nước cốt dừa (150ml), sữa đặc (4 thìa phở) sau đó xay nhuyễn hỗn hợp.
- Sau đó đổ hỗn hợp vào khuôn.
- Thêm topping ưa thích (vải quả, dừa khô, dừa sợi...)
- Để kem vào ngăn đá tủ lạnh, sau 3 tiếng đổ kem vào máy xay thêm lần nữa rồi đổ lại khuôn.
- Để kem lại vào ngăn đá từ 6-8 tiếng là có thể thưởng thức được rồi.
Trước khi ăn mọi người để xuống ngăn mát 20 phút cho kem tách khuôn hoặc để ra ngoài 5-10 phút là có thể ăn lấy kem ra dễ dàng luôn.
Kem ăn mát có thêm mấy miếng vải thơm thơm cùng mùi nước cốt dừa ăn lại không bị quá ngọt.
4. VẢI NGÂM ĐƯỜNG
Chuẩn bị:
- Vải tươi: 1 kg
- Đường phèn: 500g
- Nước: 500ml
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế vải
- Vải mua về cắt bỏ cuống.
- Đun sôi một nồi nước, cho vải vào chần 2 phút. Việc chần quả vải trong nước sôi 2 phút giúp thịt vải được ngấm đường tốt hơn, giữ vải được lâu hơn, vải cũng dịu bớt độ chua. Khi chần, vặn lửa ở mức nhỏ nhất.
- Hết 2 phút, vớt vải ngay ra rồi thả ngay vào thau nước đá lạnh.
- Vải nguội, bóc vỏ rồi dùng dao nhọn đầu tách bỏ hạt ra. Vải đã chần cũng rất dể tách hạt, làm múi vải nguyên vẹn không bị rách.
- Tiếp tục lại cho thịt vải vào thau nước đá lạnh sạch khác để ngâm tiếp. Việc ngâm này giúp thịt vải giòn hơn. Sau đó, vớt thịt vải ra, vẩy nhanh cho ráo nước. Không nên để vải tự ráo sẽ mất đi độ lạnh.
Bước 2: Nấu nước đường
Cho đường vào một nồi nước. Nước đường không nên quá nhạt sẽ khiến vải nhanh lên men. Nếu vải nhiều hơn thì lại tăng lượng đường và nước lên.
- Đun sôi nước đường, vừa đun vừa khuấy đều cho tan sau đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút để nước đường hơi sệt lại rồi tắt bếp để nguội. Sau khi nước đường nguội, bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh cho nước đường lạnh xuống. Như vậy, nước đường lạnh, thịt vải cũng được ngâm lạnh rồi thì cho chung vào nhau ngâm vải cũng sẽ giòn hơn.
Bước 3: Ngâm vải
- Cho thịt vải và nước đường vào hũ thủy tinh sạch đã được tiệt trùng, phơi nắng khô ráo. Đóng nắp lại, cho vào ngăn mát bảo quản dùng dần.
Khi mang vải ra ăn, mọi người nhớ lấy thìa sạch và khô ráo để múc vải, tránh vải bị màng hỏng.
5. TRÀ VẢI CAM SẢ
Chuẩn bị:
- 2g trà túi lọc lipton
- 40ml nước sôi
- 1 nhánh sả
- 50ml nước cam
- 40ml nước vải
- 3-4 quả vải ngâm
- Đá lạnh
Cách làm:
- Ngâm túi trà vào nước sôi.
- Khi trà còn nóng thì cho nhánh sả đập dập vào ngâm cùng luôn với 50ml nước ca; 3 - 4 quả vải ngâm và 40ml nước vải.
- Cho thêm đường tuỳ khẩu vị thích ngọt nhiều hay ít.
- Cho tất cả vào bình lắc cùng với đá lạnh lắc đều rồi rót ra cốc và thưởng thức. Nếu không có bình lắc thì khuấy đều đổ ra ly là xong. Món trà vải cam sả kiểu này không chỉ tươi ngon mà đã khát vô cùng.
6. TRÀ THẠCH VẢI
Nguyên liệu pha cho cốc trà 400ml:
- 3gram hồng trà (hoặc 2 trà túi lọc cosy hương vải)
- 100ml nước vải ngâm
- 100ml nước nóng để hãm trà
- 5 quả vải ngâm
- 1-1,5 thìa canh đường
Nguyên liệu làm thạch vải
- 3gram thạch rau câu dẻo
- 200ml nước vải ngâm
- 100ml sữa tươi
- 200ml nước lọc
Cách làm:
Phần thạch vải:
- Cho 200ml nước, 200ml nước vải ngâm vào nồi đặt lên bếp bật lửa nhỏ, vừa khuấy vừa cho bột rau câu dẻo vào từng chút 1 đến khi bột thạch tan hoàn toàn. Tăng nhiệt độ cao đến khi thạch sôi thì hạ lửa, cho 100ml sữa vào khuấy đều, rồi tắt bếp.
- Đổ ra hộp chờ thạch nguội, cho vào tủ lạnh đến khi thạch đông thì cắt miếng tuỳ thích.
Phần trà vải:
- Hãm hồng trà với 100ml nước nóng tầm 5 phút. Bỏ bã trà, lấy phần cốt trà cho vào cốc, hoà thêm đường cho tan rồi thêm phần nước cốt vải vào khuấy đều.
- Cho thêm nhiều đá, sau đó cho phần thạch và vải ngâm lên trên mặt cốc. Trang trí thêm chút lá bạc hà.
Vậy là đã có 1 cốc trà thạch vải mát lạnh rồi.
Những lưu ý khi làm trà thạch vải:
- Sử dụng đường phèn sẽ thanh hơn nhưng nếu không có cũng không sao.
- Vải càng tươi thì ngâm càng ngon và quả cũng sẽ cứng dễ làm hơn.
- Vải luộc xong ngâm đá rất dễ lấy hạt (mình đã thử không luộc và tách hạt thì khó hơn và quả không được đẹp)
- Lọ đựng vải cần tiệt trùng sạch sẽ như tráng nước đun sôi sau đó phơi nắng hoặc hong khô) mới bảo quả được vải lâu mà không bị lên men.
- Phần thạch vải nếu muốn ăn mềm mềm hơn có thể cho thêm 50ml sữa tươi không đường và 50ml nước. Mà muốn hút được bằng ống hút luôn thì cho thêm mỗi loại 100ml.
7. VẢI PHƠI
(Tác giả Vũ Thanh Hoan)
Chuẩn bị:
- Vải thiều, loại hạt nhỏ, thịt dày
Cách làm:
- Đem vải về cắt từng quả ra khỏi cành, cho ra mẹt.
- Sáng trời nắng mang ra sân, chiều tắt nắng mang vào.
Lưu ý: phơi khá lâu, khoảng 15-20 nắng. Còn nếu ngày nắng quá to thì chỉ cần 10 nắng.
Đang phơi nắng dở mà mưa, mọi người không phải lo nhé! Cứ để chỗ thoáng gió, rồi nắng lại mang ra phơi là được.
Nên xem dự báo thời tiết, tuần nào nắng cả tuần thì phơi. Phơi đến khi nào lắc được quả là khi đó đạt! Sau đó mình đem cho vào túi hút chân không để dành được đến Tết nhâm nhi rồi.