Dù con gái đã ra ở riêng nhưng vẫn phải thòm thèm món chim cút quay ăn kèm xôi nếp do cô Hương đảm nhiệm.
Cô Trần Diệu Hương mới đây đã khiến hội chị em mê nấu ăn phải thích thú khi chia sẻ món ăn rất thích hợp trời lạnh. Với món chim cút quay ăn kèm xôi nếp, cô gợi ý rất thích hợp để cả nhà thưởng thức những dịp quây quần.
Cô chia sẻ, sau khi món ăn hoàn thành, cô gửi một nửa cho vợ chồng con gái, một nửa còn lại để chồng cùng con trai dùng bữa. Con gái cô sau đó nhắn tin: "Mẹ ơi, đồ ăn ngon lắm!”. Chồng và con trai cũng gật gù khen: “Xôi dẻo, chim quay thơm, mềm!”. Cô thấy vui trong lòng, một niềm vui rất bình dị nhưng tràn đầy ý nghĩa.
Nguyên liệu:
Chim cút: Số con tùy nhu cầu ăn của gia đình
Gia vị ướp: Trọn bộ gia vị để ướp chim chỉ gói gọn trong 1 gói gia vị của Thái. Đây là gói gia vị dùng cho món vịt quay, được dùng trong món chim cút quay này. Một gói đủ ướp cho cả con vịt to hoặc 6 con chim (tuỳ con to hay nhỏ).
Rượu trắng
Mật ong
Nước cốt chanh
Lò nướng
Loại gia vị ướp chim cút "thần thánh" mà cô Hương dùng.
Cách làm:
- Chim xát muối, cẩn thận thì xoa thêm rượu trắng, rửa sạch, thấm khô. Gói gia vị đổ ra bát nhỏ, hoà 20ml rượu vào gia vị, khuấy đều. Có rượu Mai Quế Lộ càng thơm ngon.
- Đeo bao tay rồi chà xát kỹ hỗn hợp gia vị khắp trong ngoài chim cút. Xếp chim vào đĩa hoặc khay nhỏ cất ngăn mát tủ lạnh (không cần che đậy). Ướp qua đêm, ướp lâu mới ngon, thành phẩm khi ăn đậm đà tận xương. Nếu ướp thời gian ngắn, thành phẩm khi ăn vị chỉ hời hợt bên ngoài.
- Lót giấy bạc vào khay đặt phía dưới, khung nướng đặt khoảng giữa lò, trên khung lót giấy nướng. Việc lót giấy bạc cho khay là để sau khi xong việc ta không phải vất vả khâu lau rửa, vì mỡ sẽ chảy từ khung nướng xuống khay.
- Bật lò 200 độ C trước vài phút. Xếp chim lên khung và giảm nhiệt xuống 180 độ, nướng khoảng 10 phút thì giảm xuống 160 độ. Dùng chổi nhúng vào mỡ chảy ra khi nướng để phết lên chim. Khi thấy chim đã vàng thì lật mặt nướng tiếp. Cuối cùng phết lớp mật ong có pha thêm chút cốt chanh lên khắp da chim, tắt nhiệt lò, chỉ độ chế độ quạt gió trong vài phút. Quạt gió sẽ thổi cho da chim khô ráo, dai, giòn.
Lưu ý: Phần cổ, cánh, cẳng chân của chim rất nhanh cháy nên cần dùng giấy bạc bọc lại những phần đó. Có vậy món ăn mới có màu sắc óng ả, đẹp mắt.
- Khi bày ra đĩa nên phết thêm lần nữa lớp mỡ còn nóng bỏng trong khay lên khắp da chim, cho thêm phần mượt mà, hấp dẫn.
Cách xấu xôi dẻo, ngậy, bùi:
- Muốn nấu xôi ngon dẻo, không bao giờ bị nát, nhất là phần dưới, bí quyết chính là, trước khi cho nếp vào chõ để đồ, hãy lót vào chõ một cái khăn cotton sạch sẽ, mỏng vừa phải. Tiếp đến cho nếp vào, đợi nước sôi mới cho nếp vào. Lót khăn như thế xôi không bao giờ bị nát, cũng không bám vào khăn, giặt khăn dễ dàng.
- Khi xôi gần chín rưới mỡ gà, trộn đều, không có mỡ gà thì rưới dầu. Nhưng mỡ gà cho vào xôi sẽ ngon nhất.
- Muốn xôi có màu vàng, khi ngâm gạo cho chút bột nghệ, ít thôi kẻo mùi nồng và màu đậm không tự nhiên. Với một cân nếp, cho 1 thìa cà phê bột nghệ là đủ để xôi có màu vàng đẹp mắt. Và xôi nên đồ hai lửa sẽ càng ngon.
Bí quyết lót khăn để xôi dẻo thơm, không bao giờ bị nát của chị Hương.
Chúc các bạn thành công với món chim cút quay của cô Nguyễn Diệu Hương!