Nói về thu nhập 60 triệu/tháng được nhiều người ước tính cho mình, chị Lợi cho biết, đó chỉ là số tiền thu về, chưa tính các loại chi phí chị bỏ ra.
Cứ 2-3 giờ sáng, ngày nào cũng vậy, chị Lợi (43 tuổi, Vĩnh Phúc) cùng 2 người phụ giúp mình công việc trồng rau ở bãi giữa sông Hồng lại dậy ra ruộng cắt rau bí để kịp 6 giờ mang ra chợ Phú Gia bán và mang đến các nhà hàng đặt. Ngày bình thường, chị bán được hơn 20kg rau bí còn ngày nhiều nhà hàng, cỗ bàn đặt, chị phải huy động cả gia đình ở dưới Vĩnh Phúc tước khoảng 170-200kg phục vụ.
Chị Lợi bán rau bí ở chợ Phú Gia.
20 năm gắn bó với bãi bồi ven sông trồng rau bí
11h trưa, khi đã tước hết rau bí, chỉ còn 4 rổ rau để bán, chị Lợi lại ngồi tính nhẩm thành quả bán được ngày hôm nay. Vì hôm nay không có nhà hàng đặt nên chị chỉ bán được 45 mớ rau bí. Trong đó, 2 mớ rau bán lẻ, 18 mớ tước gửi khách đặt còn 23 mớ chị tước bán lẻ cho mọi người đi chợ.
Mặc dù đã đến giờ trưa, từ 2h sáng đến giờ chị chỉ vội ăn tạm 2 miếng bán rán vào lúc hơn 10h30, bộ quần áo mặc từ sáng sớm đi cắt rau bí lấm lem hết nhưng chị vẫn dự định sẽ ngồi ở chợ Phú Gia đến quá giờ trưa để bán nốt mấy nải chuối rồi về cơm nước, ra ruộng rau bí làm tiếp.
Chị Lợi cho biết, chị ở Vĩnh Phúc nhưng sống và trồng rau bí ở bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân đã 20 năm nay. Để đi đến nhà chị phải qua một chuyến đò mới tới.
Trước đây cả làng chị trồng rau bí ở bãi giữa sông Hồng nhưng hiện nay chỉ có 2 người trong làng ở đây, trong đó, gia đình chị là lâu đời nhất.
Nhớ lại ngày xuống Hà Nội khởi nghiệp, chị Lợi kể, đó là khi chị 23 tuổi còn chồng 27 tuổi. Để mưu sinh, hai vợ chồng chị gửi con ở nhà cho ông bà, chuyển đến một hoang đảo ở giữa sông Hồng làm nơi cắm dùi và thuê một mảnh đất con con trồng rau bí.
Phải quyết tâm lắm vợ chồng chị mới có thể bám trụ ở đây đến 20 năm vì khu vực này nằm tách biệt với đất liền, chẳng có gì ngoài nắng với gió. Không điện, không nước sạch, phải thắp đèn dầu, dùng nước sông để sinh hoạt, ăn uống. Thậm chí, thời đó làm lều bằng cọc không kiên cố, khi gió bão tới vợ chồng chị phải giữ cọc để không bị đổ mất lều.
Ngày chưa có Thủy điện Hòa Bình, cứ mùa nước lên, đất trồng rau bị ngập chị lại về quê nghỉ 2 tháng nhưng từ khi xây cầu Nhật Tân, chị đánh bạo liều ở đây cả năm. Bây giờ cuộc sống không còn khổ cực như ngày xưa nữa, gia đình chị đã khoan được giếng và chở nước sạch từ trên nhà để xuống ăn uống, dùng điện bằng máy phát.
“Hiện nay tôi thuê 10 mẫu đất làm nông nghiệp trồng rau sạch ở đó, ngoài trồng rau bí bán ở chợ và phục vụ các nhà hàng Hà Nội, tôi trồng cả chuối, ngô nếp, đỗ đen, dưa chuột,… đổ buôn cho các nơi khi đến mùa, bán cả lá chuối để họ gói giò. Sáng tôi dậy 2h, hôm thì 3h cắt rau. Một năm có 12 tháng không có ngày nghỉ, Tết tôi chỉ nghỉ 10 ngày từ 30 Tết đến mồng 10 Tết, 11-12 tháng giêng mới xuống làm tiếp”, chị Lợi cho hay.
Đều đặn hàng sáng đến chợ chị ngồi tước rau bí để bán đến gần trưa mới xong.
Hiện nay, tuy thuê 2 nhân công phục vụ công việc trồng rau bí sạch nhưng chị Lợi vẫn tất bật từ sáng sớm đến tối mịt, ngày rảnh rang chị được đi ngủ lúc 9h tối còn ngày nhiều khách đặt rau bí chị lại phải làm đến 11h đêm mới ngủ, tính ra ngày chị chỉ có chợp mắt được 4-5 tiếng đồng hồ, có hôm lại thức xuyên đêm.
“Chồng tôi rong ruổi đổ buôn xăng dầu cũng đủ tiền nuôi gia đình, nhiều lần thấy tôi vất vả quá khuyên tôi nghỉ nhưng nghề mà, còn sức khỏe còn làm, tôi cố gắng làm mấy năm nữa lo cho các con rồi nghỉ.
Nhà tôi có xe tải chở rau, bây giờ, anh phụ giúp, san sẻ công việc với tôi nhiều lắm, sáng ra chợ ngồi tước rau bí cho tôi đến 9h mới về, chở rau bí về quê cho mọi người tước giúp những hôm đông khách làm không xuể và chở rau đến các nhà hàng”, chị Lợi chia sẻ.
Mỗi rổ rau bí chị tước sẵn bán ngoài chợ chị chỉ bán 10 nghìn/rổ.
Dậy từ 2h sáng làm đến gần trưa khi tước rau bí xong, chị mới ăn tạm được 2 chiếc bánh rán. Công việc này khiến cho chị đau lưng khá nhiều.
Mỗi tháng thu gần 60 triệu nhờ tước rau bí và làm nông nghiệp
Chị Lợi khẳng định, rau bí và các loại rau quả khác chị trồng đều là rau sạch 100%, vì trồng trên đất phù sa nên độ tươi ngon hơn hẳn rau ở vùng khác. Đặc biệt là thân rau khá to, dài, thẳng, lá rau xanh, non và ít bị sâu.
Rau bí khi cắt bán chị sẽ để dài tầm 1-1,2 mét và xếp lại thành từng bó. Mỗi bó gồm 10 ngọn bán ở chợ với giá 10 nghìn, tước sẵn cũng 10 nghìn/ rổ.
“Ngày xưa dân ở đây chịu khó đi chợ Nhật Tân nên đông lắm, bán rau chạy. Mấy năm nay ít hơn, tôi lại đặt mối cho nhà hàng, người ta tin tưởng nên nhiều người đặt. Nhà hàng nào nhiều khách đặt mấy tạ còn bình thường cũng vài chục cân.
Một năm có 2 vụ rau bí, mỗi vụ tôi trồng 3kg hạt rau bí để phục vụ mọi người, còn các loại cây khác cứ đến vụ nào tôi trồng cây đó”, chị Lợi cho hay.
Chị Lợi thân thiện, cởi mở với mọi người nên được rất nhiều người yêu quý, tin tưởng.
Thường cứ 1.000 ngọn to sẽ đạt khoảng 100kg rau và 1 tạ rau bí khi tước sẽ được 50kg thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, nhà chị cung ứng cho quán ăn, nhà hàng trong nội thành Hà Nội từ 150-200kg rau bí tước sẵn, ngày nhiều lên tới 170-200kg với giá 30.000 đồng/kg. Nhờ có mối tốt, khách sộp nên đều đặn mỗi ngày chị thu về 1,5-2 triệu.
Tuy nhiên mỗi lần như vậy, chồng chị phải đánh ô tô chở rau bí về Vĩnh Phúc và huy động tất cả mọi người trong nhà cùng hàng xóm tước rau cho đúng tiến độ. Và để đảm bảo độ tươi, rau bí sau khi tước xong sẽ được cho vào thùng xốp ướp đá để qua đêm. Đá và rau được rải đan xen, xếp chồng thành từng lớp để giữ rau tươi. Mỗi một thùng xốp rau bí chị phải trải 2 lần đá để giữ được độ tươi ngon, xanh non của rau mà không bị héo.
Hôm nay, chồng chị phải chở xăng dầu nên chỉ phụ chị được đến 6h sáng, mọi hôm anh ngồi tước rau bí cùng chị đến 9h.
Chị Lợi tâm sự, vì rau nhà trồng nên bán được bao nhiêu là chị lãi bấy nhiêu nhưng chị tước rau bán ở chợ thì không được lãi vì chỉ là tước hộ mọi người. Chị chỉ lời một chút những ngày tước hàng tạ cho các quán ăn, cỗ bàn, phải huy động tất cả mọi người dưới quê, các cụ hàng xóm, thậm chí những người ở chợ tước rau giúp.
Nói về thu nhập 60 triệu/tháng được nhiều người ước tính cho mình, chị Lợi cho biết, khách đặt vài trăm cân rau bí tước đều mỗi ngày, chị cũng có thể bỏ túi gần 60 triệu/tháng. Thế nhưng, nếu trừ chi phí thuê đất 10 triệu/tháng, 2 nhân công 12 triệu/tháng và chi phí sinh hoạt, phân đạm 20 triệu/tháng thì chị cũng chỉ được khoảng 10 triệu/ tháng, đó còn chưa kể chồng con phục vụ và tất cả mọi người dưới quê, phải 4-5 người phụ giúp việc tước rau bí mỗi khi khách đặt nhiều. Đặc biệt với công sức chị lao động 20 tiếng/ngày, nhiều lúc mệt mỏi, phải uống cà phê mới có thể tiếp tục công việc thì cũng chẳng đáng là bao.
Ngoài bán rau bí, chị còn bán thêm một số loại rau quả khác.
Dù công việc vất vả, lúc nào quần áo cũng lấm lem nhưng nếu không làm, về quê sống chị cũng không biết làm gì. Ở đây dẫu cực nhưng còn kiếm được, sau về già cũng "có tấm, có món" đỡ khó khăn phần nào nên còn sức khỏe là chị còn làm.