Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất

Ngày 04/02/2019 17:12 PM (GMT+7)

Đây đều là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết.

Theo quan niệm dân gian, lễ cúng đêm Giao thừa hay còn được biết đến là “lễ trừ tịch” có ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới và được thực hiện vào đêm 30 Tết (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý (23h-1h), mở đầu ngày mùng 1 Tết.

Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng mỗi năm có một vị quan Hành khiển cai trị hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị quan Hành khiển đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.

Trong lễ cúng này, cũng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà thực hiện. Có nhà, gia chủ làm hai lễ cúng ở trong nhà và ngoài trời và mỗi lễ có một mâm cỗ riêng. Có gia đình cũng chỉ thực hiện một mâm cỗ trong nhà để thể hiện tấm lòng thành kính. Dưới đây là gợi ý những món ăn trong mâm cỗ cúng giao thừa đầy đủ nhất.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 1

1. Gà luộc

Gà luộc trong mâm cỗ cúng giao thừa thường là gà trống tơ và để nguyên con. Để gà đẹp nên mổ moi, cánh bẻ như cánh tiên xòe sang hai bên mới đẹp mắt. Cách chọn và luộc gà cúng giao thừa xem chi tiết tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 2

2. Nem rán (chả giò)

Nem rán là món ăn truyền thống và ít khi thiếu vắng trong ngày Tết. Cách làm nem rán hơi cầu kỳ nhưng khi thưởng thức hương vị của nem rán thì ai cũng phải nhận xét, thật bõ công sức để làm. 

Lưu ý khi làm nem rán nên dùng thịt lợn tươi băm nhỏ hoặc xay, không nên xào chín nhân thịt sẽ khiến nhân bị rời rạc, làm nem không chắc và không có được độ tươi. Không cuốn nem quá chặt tay khi rán dễ bị vỡ. Nên rán nem qua 2 lần dầu để nem được vàng đều và giòn.

Nem rán xong, ăn nóng giòn tan bên ngoài vỏ, nhân nem quyện đều và có độ mềm, ngọt từ thịt tươi và rau củ. Khi thực hiện lễ cúng xong, bạn có thể rán lại nem một lần nữa để ăn cho nóng. Tham khảo cách làm nem rán tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 3

3. Bánh chưng

Bánh chưng xanh là món bánh truyền thống ngày Tết có từ vài nghìn năm trước của người Việt. Vì thế, ai cũng phải nhận định, cứ thấy bánh chưng là thấy Tết. Để bánh chưng có màu xanh đẹp mắt, người ta thường dùng lá riềng giã nát, sau đó hòa với nước, lọc lấy nước cốt, rồi trộn vào gạo bếp trước khi gói. Khi nấu chín, bánh sẽ mang màu xanh vô cùng hấp dẫn.

Ngoài lá riềng, bạn cũng có thể dùng lá nếp xay nhỏ với nước rồi lọc lấy nước cốt, ngâm cùng gạo. Gạo ngâm ngấm màu xanh và rất thơm nhờ đó bánh sẽ có màu đẹp. Tuy nhiên cũng nên cho số lượng vừa phải nếu không mùi lá nếp sẽ át mùi của bánh chưng.

Cách gói bánh trưng chi tiết, bạn có thể tham khảo tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 4

4. Canh măng khô

Canh măng khô có thể nấu với móng giò, sườn non đều ngon. Trước khi nấu, măng được ngâm với nước ít nhất khoảng một ngày rồi cho lên luộc để bớt mùi cũng như khử bớt chất độc có trong măng. Sau đó đem nấu với sườn hoặc chân giò hầm. Khi nào được, múc canh ra bát, rắc ít hành lá rau mùi. 

Canh măng khô mềm những vẫn có vị giòn ngon đặc trưng của măng, quyện lẫn rau mùi hành lá, nước ngọt của xương hầm rất hấp dẫn. Cách làm chi tiết tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 5

5. Giò lụa

Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết. Giò lụa có thể mua sẵn ở các cửa hàng uy tín hoặc tự tay gói giò. Nhiều chị em đảm đang cũng thường làm giò cho cả nhà ăn Tết vừa ngon lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xem cách gói giò lụa tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 6

6. Xôi

Trong mâm cỗ Tết bạn có thể nấu xôi đỗ xanh hoặc xôi gấc. Nhiều người với tâm lý muốn năm mới gặp nhiều may mắn nên thường làm xôi gấc. Có thể xem cách làm xôi gấc tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 7

7. Xào thập cẩm

Trong mâm cỗ Tết thường có một đĩa rau xào thập cẩm gồm súp lơ, cà rốt, nấm hương, thịt bò... Hoặc miến xào mộc nhĩ, mề gà, giò lụa, trứng rán... Nói chung cũng tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà món xào thập cẩm này cũng khác nhau.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 8

8. Hành muối

Ở miền Bắc thì là dưa hành, ở miền Nam thì dưa kiệu, còn người miền Trung làm dưa món. Đây là những món ăn ít khi thiếu vắng trong các gia đình mỗi vùng miền ngày Tết. Các món dưa muối này có tác dụng giải ngán rất tốt.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 9

9. Canh bóng thả

Canh bóng thả là món canh truyền thống đã có từ lâu đời, tuy nhiên vì độ cầu kỳ nên hiện tại không còn nhiều gia đình thực hiện món này ngày Tết. Canh bóng thả được làm từ các nguyên liệu như tôm khô, súp lơ trắng, súp lơ xanh, bóng, cà rốt, đậu hà lan, nấm hương, giò sống, su hào... và các gia vị khác. Canh bóng thơm ngon, thanh ngọt thích hợp cho bữa ăn ngày Tết nhiều ngán ngấy. Tham khảo cách nấu canh bóng tại đây.

Gợi ý những món ăn cho mâm cỗ cúng Giao thừa đầy đủ nhất - 10

Ngoài các món ăn truyền thống trong mâm cỗ giao thừa này, nhiều gia đình có thể làm thêm các món khác, nói chung tùy vào hoàn cảnh mà thực hiện. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ để dâng lên tổ tiên.

Cách bày mâm cúng giao thừa đầy đủ, hút tài lộc cho Tết Kỷ Hợi 2019
Lễ cúng đêm Giao thừa hay còn được biết đến là "lễ trừ tịch" có ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới và...
Minh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán