Bằng sự quan tâm đã khiến cho cả chị Phương Anh và mẹ chồng dần dần thấu hiểu được sở thích của nhau, từ đó thay đổi cách nấu ăn để cả nhà đồng điệu hơn trong từng bữa cơm gia đình.
Sống chung với mẹ chồng đã 10 năm nhưng chị Phương Anh (32 tuổi, TP HCM) rất ít khi phải vào bếp. Chị tâm sự, 8 năm đầu, chủ yếu mẹ chồng nấu ăn là chính. Những năm tháng đó, hai vợ chồng chị chỉ việc đi làm còn bếp núc một tay bà đảm nhiệm. Đến năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thời gian ở nhà nhiều hơn, chị Phương Anh mới bắt đầu đi chợ nấu cơm cho cả nhà.
Chị Phương Anh.
Có điều đặc biệt, chị Phương Anh là người TP HCM trong khi mẹ chồng lại gốc Bắc chính vì thế, khẩu vị của hai mẹ con thời gian đầu không hợp nhau. Đây cũng chính là điều khó khăn cho cả mẹ chồng và chị mỗi lần nấu nướng.
"Mình người Sài Gòn, nên thích ăn nhiều gia vị và hơi ngọt. Mình thích ăn món Tây và các món đa dạng các nước. Mẹ chồng mình gốc Bắc mà vì bà cũng chân chất thật thà nên không thích ăn các món ăn khẩu vị lạ. Không thích ăn mắm, không thích nêm đường vào thức ăn, không thích các món ăn có nhiều gia vị, ví dụ như cà ri, bò kho, mỳ quảng… là bà không ăn.
Bà không ăn được vịt, bò, dê, cừu… không ăn các món Tây, Hàn, Nhật… gì cả. Ví dụ món cá kho Miền Nam sẽ thắng nước màu đường và kho với nước mắm kẹo kẹo, có nước kho mặn mặn ngọt ngọt. Còn mẹ mình kho cá là mặn thật mặn, khô thật khô, không có cho đường nên mình ăn không hợp. Mình kho cá thì lại có nước kẹo kẹo chan cơm hay chấm rau mới thấy ngon. Khác nhau như vậy đó bạn", chị Phương Anh kể.
"Tết Đoan Ngọ, mẹ chồng bảo nấu chè trôi nước để cúng, em rủ rỉ mẹ ơi, đằng nào cũng bột nếp bọc đậu xanh, mình làm vài viên chè thôi, số còn lại làm Bánh ít trần đi mẹ. Mẹ đồng ý luôn, thế là mẹ chỉ việc nấu xôi đỗ xanh, bánh ít trần kiểu miền Tây và chè Trôi nước con làm", chị Phương Anh kể lại.
"Năn nỉ lắm bà mới chịu thử món này. Mà ăn được 1 lần bà ưng bụng nên sau đó nhà em làm món này nhiều lần vì dễ ăn. Em kết hợp làm thêm món bánh cuốn trứng kiểu Lạng Sơn nữa", 9X chia sẻ.
Dù chị và mẹ chồng khẩu vị rất khác nhau nhưng thật may, bà lại là người hiền lành, tính tình dễ chịu nên mấy năm trước, bà đã nói mình nấu như thế, nếu con dâu không ăn được có thể mua đồ ở ngoài về thưởng thức. Thế nhưng, có lẽ cũng vì thương các con, bà bắt đầu tập dần nấu các món ăn ít mặn hơn hoặc nấu các món dù bản thân không thích nhưng mọi người trong nhà thích. Thỉnh thoảng, nàng dâu Phương Anh lại chia sẻ với bà cách nấu những món mình hay ăn. Thế là mẹ chồng lại chiều chị nên nấu thử.
Chị Phương Anh cho biết, đây là món chả giò ức gà rau củ, mẹ chồng không thích ăn ức gà nhưng khi cuốn như vậy thì bà khen ngon - ăn được.
Đợt dịch ở nhà, 2 mẹ con chị bày đủ thứ ra làm. Bánh bao ức gà cho con dâu, bánh bao ca dé cho bà và cháu nội.
9X chia sẻ thêm, nhà chị vốn chia ra ai thích món nào thì nấu món đó hoặc món nào mẹ chồng nấu cả nhà ăn được thì cùng ăn, chị nấu món mình và những thành viên khác thích. Dần dần, ở nhà nhiều hơn dẫn đến nói chuyện với nhau nhiều hơn, thì chị đã hỏi mẹ chồng ăn được những món nào thì mình nấu. Sau đó chị còn tìm các món không phải cơm để nấu lên cho cả nhà ăn cùng với nhau.
Miến măng gà - món này là khoái khẩu của mẹ chồng chị.
Cháo - gỏi gà - món khoái khẩu của cả nhà chị. Món hiếm hoi cả nhà chị Phương Anh ăn với nhau ngon lành từ ngày đầu.
Những ngày tháng ở nhà nhiều, chị đã phát hiện ra mẹ chồng thích ăn bánh cuốn, bún đậu mắm tôm, hủ tiếu mỳ hoành thánh, các món miền Nam như bánh đúc cốt dừa, bánh ít trần, bánh xèo… Đây là những món chị làm, mẹ chồng ăn thử cũng thấy thích.
Món gỏi cuốn tôm - tim - tai. Mẹ chồng chị chỉ ăn tôm thịt nên chị cuốn riêng cho bà. Đặc biệt bà chỉ ăn nước mắm, không ăn mắm nêm, không ăn tương đen.
Cháo lòng cho cả nhà cùng món chuối sáp và hột sầu luộc.
Riêng chồng chị Phương Anh vốn sống ở miền Nam nên khẩu vị của hai vợ chồng chị cũng rất giống nhau nên mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Đặc biệt anh rất dễ tính, có lẽ vì vậy mà 9X cũng không phải đau đầu nghĩ món làm cho ông xã.
Món phở gà con dâu nấu, gà mẹ chồng nuôi.
Chị Phương Anh tâm sự, khi vào bếp, mình thường làm các món theo sở thích và chú trọng đến vấn đề nguyên liệu tươi sống, sạch sẽ để đảm bảo không những vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình.
Do mẹ chồng không ăn được món Tây nên chị hạn chế làm các món này tại nhà. Vì thế để thỉnh thoảng "đổi gió" cho gia đình 9X sẽ làm những món như bún đậu mắm tôm xào, bún mắm, bún thịt nướng chả giò, mỳ Ý, bún gạo xào chay, bánh xèo, bánh khọt, bánh cuốn, mỳ, nui, hủ tiếu, lẩu...
Món gà nấu cùng trái vải chị Phương Anh làm mẹ chồng rất thích.
"Bún đậu mắm tôm thì khỏi phải bàn, món tủ nhà mình. Hai mẹ con hì hục tự quết chả cốm - hấp và chiên. Đậu hũ mẹ chồng làm chứ không mua ngoài. Ngày xưa bà làm đậu nuôi lớn 2 đứa con", chị Phương Anh cho biết.
Với chị Phương Anh, mâm cơm gia đình là nơi gắn kết mọi thành viên lại với nhau. "Trước khi có em bé, nhà chồng mình mỗi người tự ăn. Khi nào ai đói thì tự bào bếp lấy đồ ăn. Nhà mẹ đẻ mình thì khác, bữa cơm là bữa ăn cả nhà quây quần lại với nhau để kể nhau câu chuyện trong ngày. Do đó, khi con mình bắt đầu ăn dặm mình đề nghị cả nhà cùng nhau quây quần ăn bữa cơm chung để cháu có định nghĩa đúng về bữa cơm gia đình và cũng để tình cảm gia đình gắn bó hơn", 9X vui vẻ tâm sự.
Món bún mắm chị Phương Anh nấu rất ngon nhưng vì không hợp khẩu vị nên mẹ chồng chị từ chối thưởng thức.
Hủ tiếu mì giờ đã là khoái khẩu của cả nhà chị.
Bún chả cá là món ăn khiến mẹ chồng chị thưởng thức hết cả nước lèo.
Món bánh xèo sau 1 lần thử mẹ chồng chị cũng đã thích.
Bún gạo xào chay mẹ chồng chị tự xem trên mạng rồi học chung, cuối cùng cả nhà lại có món ngon ăn chung.