Ở độ tuổi U60, vợ chồng cô Nguyễn Thị Gấm hạnh phúc vì được làm bố làm mẹ một lần nữa.
Ngày nào bế con trai 11 tháng tuổi ra đường đi chơi, vợ chồng cô Nguyễn Thị Gấm (57 tuổi, Bắc Ninh) cũng đều bị mọi người trêu “ông bà ẵm cháu đấy à”. Thế nhưng, vợ chồng cô vẫn nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc “Ừ thì cho họ trêu, miễn sao mình vui là được”.
Đối với vợ chồng cô, con trai chính là món quà lớn nhất ở tuổi U60, xóa tan đi những nỗi buồn mất mát trước đó, giúp vợ chồng cô có động lực hơn, sống vui và lạc quan mỗi ngày, không còn lủi thủi, cô quạnh ôm những nỗi buồn của quá khứ.
Cô Gấm và con trai nay được 11 tháng tuổi.
Nhọc nhằn vợ chồng U60 gõ cửa phòng bác sĩ tha thiết tìm con
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Gấm đã từng có một người con trai nhưng khi trưởng thành đến 26 tuổi lại không may mắc bệnh mà mất. Ngày “người đầu bạc tiễn người đầu xanh”, vợ chồng cô quặn thắt tim. Kể từ đó, 2 vợ chồng cứ lủi thủi một mình trong căn nhà với những nỗi xót thương và vô vàn kỷ niệm.
Năm 2017, biết sự tiến bộ của y học hiện đại, vợ chồng cô đã quyết định ra Bệnh viện Bưu điện để thăm khám với mong muốn có thêm một em bé đỡ cho vui cửa vui nhà và an ủi tuổi già. Tuy nhiên, vì thời điểm đó cô đã 55 tuổi với chất lượng buồng trứng suy giảm, nội tiết kém còn chú đã 56 tuổi nên các bác sĩ đều khuyên vợ chồng cô không nên đẻ nữa bởi cô không chỉ nuôi con vất vả mà việc mang thai cũng có rất nhiều rủi ro xảy ra.
Nghe lời bác sĩ nói vậy, vợ chồng cô đành lủi thủi ra về. Thế nhưng, khi về nhìn căn nhà trống huơ trống hoác, vợ chồng cô lại tiếp tục khăn gói bắt xe khách lên Hà Nội gõ cửa phòng của bác sĩ Nguyễn Thị Nhã với mong muốn có một đứa con.
“Tôi ở nông thôn chẳng đi ô tô bao giờ, say xe lắm, về nhà say lử đử, nằm vật ra giường nôn nhưng vẫn cố gắng. Ngày lên tìm bác sĩ trưởng khoa vì không biết nên tôi đứng chờ cả ngày từ sáng đến tối ở phòng khám mà không được. Mãi sau tôi mới biết bác sĩ làm trong bệnh viện. Vậy là lại chờ ngày hôm sau đến viện để tìm gặp nhờ bác sĩ giúp”, cô Gấm chia sẻ.
Ở độ tuổi của cô Gấm việc mang thai là vô cùng khó khăn. Không phải chỉ chất lượng trứng suy giảm, nội tiết kém, khó có thể mang thai mà ngay cả khi có thai rồi cũng rất dễ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, tỷ lệ bất thường của thai nhi cao hơn... Bác sĩ đã khuyên cô không nên cố gắng có thêm con nữa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, thấy vợ chồng cô năn nỉ thiết tha, bác sĩ đã đồng ý để vợ chồng cô thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF với điều kiện sức khỏe sinh sản tổng thể của cô phải đảm bảo có thể mang thai.
Ngày được bác sĩ đồng ý giúp, vợ chồng cô vui mừng khôn siết. Dù có đi lại vất vả, say xe hay sáng dậy từ 5h bắt xe lên Hà Nội, chiều 3h tất tả bắt xe về nhưng nghĩ đến niềm hy vọng sắp được làm mẹ, sắp được bế con yêu trên tay, cô lại có động lực hơn.
Đi khám các bác sĩ đều khuyên cô không nên có con nữa vì đã lớn tuổi.
Vừa nhìn con trai, cô Gấm vừa kể, vì độ tuổi của cô kinh nguyệt đã gần hết, dự trữ buồng trứng kém nên cô phải xin trứng người thân để có con. May mắn cô được mọi người trong gia đình hiểu, thông cảm và giúp đỡ nhiệt tình mà không hề gặp khó khăn gì.
“Tôi đi xin trứng không gặp khó khăn nhiều bởi bác sĩ tư vấn tỉ lệ giống người mẹ cho trứng chỉ 20% còn lại ở người mang bầu nên anh em trong nhà tôi đồng ý hết. Em bé giống mình nhiều hơn nên hàng xóm xung quanh ai cũng biết. Tôi vô tư lắm không gặp khó khăn gì giống ngày xưa, chỉ có điều, lúc vợ chồng tôi làm IVF, nhiều người ngoài cũng nói “già rồi sinh con không lo lắng được cho em bé, tiền đi làm để mà ăn” nhưng vợ chồng tôi cảm thấy vui, thấy khỏe nên quyết định động viên nhau làm để có con bầu bạn cuối đời cho vui”, cô Gấm nở nụ cười chia sẻ.
Mang bầu vẫn ra đồng cấy lúa, cắt cỏ, mẹ Bắc Ninh như trẻ ra vài tuổi
Vậy là vợ chồng cô bắt đầu hành trình tìm con từ đó với 3 lần chuyển phôi kiên trì mới thành công.
Cô Gấm cho biết, lần chọc trứng đầu vì được ít trứng, chất lượng kém nên cô chỉ chuyển được một phôi và không thành công. Lần thứ 2 chọc trứng lại cũng chỉ có một phôi. Lần này cô chuyển cũng không thành công.
Vì tuổi đã lớn, kinh nguyệt đã gần hết nên mỗi lần chuyển phôi cô phải lên viện uống thuốc để có kinh nguyệt. Trung bình mỗi lần chuyển phôi của cô phải cách nhau 2 tháng và đến lần thứ 3 mới thành công. Ngày nhìn thấy que thử thai 2 vạch cô vỡ òa trong hạnh phúc.
“Mấy lần chọc trứng tạo phôi kém tôi cũng hỏi bác sĩ về ăn uống. Ở nhà quê chỉ có thịt bò với trứng gà ăn chứ tôi chẳng biết ăn gì. Lần thứ 3, sau 12 ngày chuyển phôi, tôi nhờ cháu mua cho 2 que thử thai nhưng chữ nước ngoài không đọc được. Ngày xưa không được dùng que này nên không biết làm thế nào.
Cái đầu tiên cắm sai nên không có gì, tôi nghĩ bụng “chắc không có rồi”. Sau đó tôi thử nốt que thứ 2, lần này đảo đầu khác có 2 vạch, tôi vui mừng, phấn khởi vì mình đã thành công sau bao ngày lao động vất vả”, cô Gấm tâm sự.
Mang bầu cô chỉ bị chuột rút vài tháng đầu, còn lại khỏe mạnh, vẫn đi làm bình thường.
Kể từ khi có bầu, cô Gấm vui hơn hẳn. Cô vô tư ăn uống thoải mái khỏe khoắn bởi cô biết mình có nguồn động lực lớn chính là con trong bụng. Vì sức khỏe tốt nên dù mang thai ở độ tuổi U60 cô vẫn không gặp nhiều khó khăn, thậm chí cô còn quen xe khách và đi khỏe re mà không bị say như trước nữa. Hàng ngày trừ những việc nặng nhọc không làm, cô vẫn cấy lúa, nhổ cắt cỏ, làm nông khi mang bầu bình thường.
Ở nhà quê ăn uống bình thường, cô chỉ bổ sung sắt, canxi bác sĩ kê ở viện và nghe theo bác sĩ từng giai đoạn thai kỳ uống thuốc, tiêm trưởng thành phổi. Nhờ giữ tinh thần thoải mái, vô tư, lạc quan mà cả thai kỳ cô tăng lên được gần 10kg. Thậm chí cô cho biết, mình vẫn có thể đẻ được nữa.
Mang thai đến tuần thứ 36, vì nước ối thấp nên cô được bác sĩ mổ đẻ. Em bé chào đời nặng 2,5kg. Đến bây giờ, cô vẫn không thể quên cảm giác hạnh phúc khi được nghe thấy tiếng con khóc chào đời, được làm mẹ sau bao nhiêu năm. Chồng cô ở ngoài phòng sinh cũng rưng rưng giọt nước mắt khi được nhìn thấy con, được bế ẵm con trai bé bỏng.
“Sinh con, vợ chồng tôi mừng lắm. Cả nhà mấy anh chị em ra thăm ai cũng vui. Hàng xóm, dân làng, ai cũng chúc mừng. Tôi sinh mổ nhưng 2-3 hôm là cảm thấy khỏe khoắn không có vấn đề gì, đủ sữa cho cả em bé bú đến tận bây giờ”, cô Gấm mỉm cười.
Cô hy vọng mọi người cũng kiên trì, lạc quan để có niềm hạnh phúc như cô.
Niềm hạnh phúc nhất của cô ở tuổi U60.
Kể từ khi có con trai, cô Gấm cảm thấy vui hơn, phấn khởi hơn và đặc biệt trẻ ra vài tuổi. Vợ chồng cô hòa nhã hơn, không còn cãi vã nữa. Chồng cô cũng không còn những cuộc nhậu mà luôn luôn nghĩ đến việc về nhà với con.
Nếu như người ta nghĩ tuổi già chăm con mọn sẽ vất vả thì đối với cô Gấm công việc này chẳng nề hà chi. Cô cảm thấy khỏe re, không hề bị mất ngủ vì con ăn ngon, ngủ ngoan, không quấy khóc. Hiện nay, con trai cô đã được 11 tháng, nặng 10kg, biết đi chập chững và biết nói một chút. Mỗi ngày nhìn thấy sự trưởng thành của con trai, cô lại hạnh phúc. Niềm hạnh phúc tuổi già ấy khiến vợ cô khỏe hơn, vui vẻ, sống lâu hơn và có động lực hơn để cố gắng làm lụng vì con.