Bạn có đủ can đảm để nếm thử hết 3 đặc sản cực kỳ nặng mùi này của Việt Nam?
Kính coong Sơn La
Nếu có cơ hội vào thăm nhà của người Khơ Mú sinh sống ở Sơn La, đừng ngạc nhiên khi thấy những miếng thịt trâu, bò, lợn và cả nội tạng treo ở gác bếp đã ngả màu và bốc mùi hôi. Thực chất, đây là nguyên liệu vô cùng quan trọng của kính coong – món đặc sản mà du khách nào đến đây cũng nên nhìn tận mắt hoặc nếm thử một lần.
Hiểu theo tiếng Khơ Mú, “Coong” có nghĩa là tổng hợp của hầu hết các loại rau củ quả, ớt, hành tỏi, cà rừng, mắc khén... nấu với thịt thối. “Kính” có nghĩa là một loại canh thập cẩm. Nôm na, kính coong có nghĩa là canh thịt thối. Đây là món đặc sản không thể thiếu của người Khơ Mú trong dịp cưới xin, lễ tết.
Để có được nguyên liệu đặc biệt này, người Khơ Mú treo thịt lên gác bếp hàng tuần, hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến làm tổ, mang theo cả vi sinh vật. Họ sử dụng những phần thịt dễ bị thối nhất, không cần ướp gia vị mà cứ để xuất hiện thứ mùi đặc trưng. Thịt càng thối, càng có nhiều dòi thì món ăn càng ngon.
Muốn có món kính coong hoàn thiện, người ta phải đổ nước, hầm thịt nát nhừ rồi cho các loại rau củ quả, thêm một ít bột gạo vào cho sóng sánh. Chính các loại gia vị như tiêu rừng, gừng, tỏi, một số lá cây rừng và sả, ớt… làm cho món ăn này trở thành vị thuốc chữa bệnh dạ dày, giúp gan, mật ổn định.
Đối với người Khơ Mú, trong bữa tiệc tiếp đãi khách quý mà thiếu món này thì coi như chủ nhà có lỗi. Còn nếu khách vì bất kỳ lý do gì mà từ chối không ăn thì cũng coi như đã phụ lòng gia chủ.
Bún cua thối Gia Lai
Bún cua thối Gia Lai được biết đến với khá nhiều tên gọi, trong đó phổ biến là bún thối, bún cua thúi là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất tại phố núi. Du khách khi đến Gia Lai nếu như muốn tìm những món ăn đặc trưng nhất để thưởng thức thì bún cua thối chính là một trong những món ăn đầu tiên được gợi ý bên cạnh phở hai tô hay bánh tráng lụi.
Khác với bún riêu cua hay các món cua khác, món bún cua thối Gia Lai đặc trưng nhất bởi cái mùi tương đối khó ngửi của nước chan làm từ cua. Để có được loại nước dùng này người ta phải thực hiện nhiều công đoạn cầu kỳ như giã, xay nhuyễn cua và đem lọc lấy nước rồi ngâm ủ cho lên men, đến khi loại nước này có mùi thum thủm và bốc mùi thì mới mang ra chế biến.
Bên cạnh đặc trưng về nước dùng thì món bún cua thối Gia Lai còn có thành phần nguyên liệu rất phong phú trong đó nổi bật nhất là măng le tươi tạo độ ngọt, da heo chiên phồng giòn rụm, bún sợi dẻo dai hay dĩa rau sống ăn kèm tươi ngon. Đặc biệt, với món bún cua thối của Gia Lai người ta sẽ ăn rất cay để át đi vị tanh của cua cũng như tăng độ nồng ấm tạo sự hài hòa về hương vị.
Khi ăn bún cua thối Gia Lai bạn cần trộn đều để các nguyên liệu thấm mắm và hòa quyện, nước dùng chỉ xâm xấp dưới bún, không quá nhiều. Vị đặc trưng của tô bún cua thối là cái mùi hăng hắc, mằn mặn của mắm, vị ngọt thanh từ măng rừng, độ giòn của da heo chiên, vị cay nồng của ớt và sự thanh mát của các loại rau sống và chanh. Tất cả hòa quyện tạo nên một tô bún hấp dẫn ở đủ mọi cung bậc, khi đã quen được với mùi mắm cua thối bạn sẽ bị món ăn này mê hoặc, càng ăn sẽ càng ghiền. So với bún mắm nêm của Đà Nẵng hay bún chìa Buôn Mê thì món bún thối Gia Lai cũng gây nghiện không kém.
Nậm pịa
Nậm pịa hay còn gọi là nặm pịa, đây là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái. “Nậm” trong tiếng Thái có nghĩa là “canh”, “pịa” là phần chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê hay còn gọi là phân non. Tùy vào lấy phần pịa từ loài động vật nào mà ta có nậm pịa dê, nậm pịa bò, nậm pịa trâu,… Quan niệm của người dân tộc Thái, chất dịch trong ruột non chính là phần tinh túy, ngon nhất khi thức ăn được chuyển hóa và chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể. Vì vậy, nậm pịa còn được xem là món ăn Tây Bắc bổ dưỡng của đồng bào người Thái.
Nguyên liệu chế biến gồm có: tiết đông, bạc nhạc, sụn, thịt, đuôi và lục phủ ngũ tạng của động vật ăn cỏ (như: lòng, gan, phèo, phổi). Người Thái hay sử dụng các nguyên liệu từ bò và dê. Thật ra, thứ nguyên liệu “kinh hoàng” khiến ai cũng phải “nhắm mắt, bịt mũi” để ăn thử là pịa, thành phần quan trọng của món ăn đặc sản Tây Bắc này.
Phần chất dịch non được người Thái chọn lấy ở đoạn ruột ngon mà có phần pịa ngon nhất, lấy ra bát. Nước ninh xương ninh nhừ khi tiết ra hết độ ngọt thì cho thịt, sụn, lục phủ ngũ tạng vào ninh cho đến khi sền sệt. Một phần ruột non trộn đều với rau thơm, hạt mắc khén, tỏi, ớt, rau mùi tàu,... Đặc biệt người Thái còn thêm mật và lá đắng để tạo thêm hương vị độc đáo cho món Tây Bắc.
Khi mới bắt đầu ăn, bạn sẽ thấy khó nuốt bởi cái vị ruột, pịa, mùi của mắc khén cộng thêm vị đắng của các loại lá có thể khiến bạn phải "nhả" ra ngay lập tức. Tuy nhiên nếu bạn cố nhai thì sau đó có thể cảm nhận được vị ngọt béo trong cuống họng. Khi ăn quen thì bạn có thể bị “nghiện” món ăn này đấy.