Từng là một sản vật chuyên dùng để tiến vua, nước mắm Nam Ô được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián.
Nghề làm nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nam Ô là tên một ngôi làng cổ, cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, hình thành cách đây hàng trăm năm, nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Nam Ô có nghề truyền thống là khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm. Nghề làm mắm ở Nam Ô cũng có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm cung cấp cho thị trường các vùng lân cận.
Từng là một sản vật chuyên dùng để tiến vua, nước mắm Nam Ô được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián.
Với lợi thế bờ biển dài, khu vực làng Nam Ô có nhiều loài hải sản phong phú thuận lợi cho việc đánh bắt và neo đậu tàu thuyền. Từ thời mở đất, lập làng của các thế hệ trước, nghề đi biển đánh bắt hải sản phát triển mạnh và kéo theo đó là nghề chế biến thực phẩm cũng hình thành và phát triển, đặc biệt là từ con cá cơm than, người dân đã biết chế biến ra thứ nước mắm thơm ngon, mang thương hiệu nước mắm Nam Ô.
Nước mắm Nam Ô có vị ngọt tự nhiên, mặn mà vị biển lại có màu nâu sẫm rất bắt mắt, hương thơm dịu, không quá gắt của mùi mắm quyện cùng hương biển cứ vương vấn nơi đầu mũi khiến ai cũng lưu luyến. Tuy nhiên để làm ra được giọt nước mắm đậm đà như vậy phải trải qua nhiều công đoạn vất vả.
Nguyên liệu để làm mắm Nam Ô phải là loại cá cơm than ở vùng biển Nam Ô, được đánh bắt vào đúng tháng 3, tháng 7 hằng năm vì đó là thời điểm con cá có chất lượng ngon nhất. Những mẻ cá được chở về làng từ sáng sớm, sau đó cho ủ trong vòng 6 tháng đến 1 năm theo công thức cứ 5 phần cá 2 phần muối.
Sau khi ủ đủ thời gian, người dân sẽ bắt đầu đánh nhuyễn, rồi lọc lấy nước mắm. Nước mắm lọc xong đưa vào vại sành ủ thêm 5 ngày là có thể đóng chai và xuất ra thị trường.
Theo kinh nghiệm lâu năm, người dân làng nghề nhận biết mắm chín bằng cách đánh giá cảm quan về màu sắc, mùi vị, trạng thái. Đặc biệt, công đoạn lọc mắm rất kỳ công. Người dân làm nước mắm Nam Ô bao đời nay vẫn sử dụng cách lọc nước mắm (chiết mắm) hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, đúng chất phải mất 12 tháng mới lấy được khoảng 100 - 150 lít nước mắm loại 1.
Trải qua thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các nơi phương trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, ngoài ra còn theo chân người dân, du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.
Hiện nay, làng nghề còn 92 hộ làm nước mắm, trong số đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề nước mắm truyền thống. Làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng là một trong những địa điểm tham quan văn hóa được công nhận. Đến đây du khách không chỉ được tìm hiểu về nếp sống sinh hoạt của người dân nơi đây, mà còn được sở hữu sản phẩm chất lượng với giá rẻ.