Không biết từ khi nào, thứ rau dại ấy lại trở thành món ăn ngon, lạ miệng của người dân phố thị trên cả nước.
Lục bình (hay còn gọi là bèo tây) là loài thực vật thân thảo, sống trôi nổi theo dòng nước. Nó có xuất xứ từ châu Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX, sống chủ yếu ở các ao, ruộng trũng bỏ hoang.
Bèo tây vốn được coi là thức ăn cho lợn, gà vịt… hoặc để lọc nước sạch. Nhưng không biết từ khi nào, thứ rau ấy lại trở thành món ăn ngon, lạ miệng của người dân phố thị trên cả nước. Thậm chí nhiều quán ăn, nhà hàng sang trọng đã đưa loại rau này vào danh sách thực đơn, đặc sản nổi tiếng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn thực khách.
Lục bình (hay còn gọi là bèo tây) là loài thực vật thân thảo, sống trôi nổi theo dòng nước.
Chị Ngọc Trần (34 tuổi, TP.HCM) cho biết, chị thấy bạn bè giới thiệu bèo tây có thể dùng làm rau ăn hằng ngày nên đã về quê ở miền Tây hái và chế biến thử. Khi ăn, chị đã không thể ngờ nó lại thơm ngon đến vậy.
“Cách mà mình chế biến bèo tây chính là tước cọng non và bông, rửa sạch để ráo nước rồi xào với tóp mỡ, chấm nước mắm tỏi ớt, ăn với cơm nóng cực kỳ đưa cơm. Hàng xóm của mình còn xào lục bình với tép hoặc nấu canh chua cá lóc… Tất cả tạo ra hương vị là lạ, ăn giòn giòn, ngọt ngọt. Mình thấy nó khác so với bạc hà hay những loại rau khác”, chị Ngọc nói.
Cũng theo chị Ngọc, người Nam Bộ quê chị thường đi hái lục bình vào sáng sớm bởi lúc ấy sương đêm còn đọng ướt trên từng chiếc lá – chùm hoa… Khi đó, người ta chỉ cần đem theo cái thúng nhỏ, cột dây đeo lên vai. Lúc lội xuống nước, người ta sẽ thả thúng ra cho nổi trên mặt nước rồi hái nguyên cả chùm hoa bèo tây, không tách rời từng bông hoặc gắt những đọt thân xanh non, hái cho đến khi đầy thúng thì lên bờ đi về.
Đọt lục bình xào tôm.
Cánh hoa lục bình mỏng, dễ dập nát nên khi rửa bông phải cẩn thận để rửa xong hoa mới còn nguyên. Vị hoa ngòn ngọt, mát mát, nhai vừa mềm và giòn xốp nhờ phần đài hoa, vì thế có thể ăn sống, chấm với nước thịt kho hoặc cá kho.
Theo y học cổ truyền, bèo tây có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,... Đây cũng là loại thực vật chứa nhiều acid amin, giàu vitamin và các loại khoáng vi lượng khác.
Ngoài ra, người Việt thường dùng bèo tây làm thuốc chữa các vết thương trên cơ thể bị nhiễm chất độc hoá học. Dùng lá bèo rửa sạch, thêm muối giã nát, đắp dàn đều lên chỗ sưng rồi băng lại, phải quấn băng lỏng, đừng để chảy mất nước. Nên đắp cách đêm, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, đắp 1-2 lần là hết đau nhức. Trong khi chữa không phải tiêm hay uống thuốc kháng sinh.