Những người giỏi trò chuyện dù ở trong môi trường nào cũng có thể trở nên nổi bật. Họ khiến chúng ta cảm thấy được chào đón, được nhìn nhận và có giá trị hơn, theo cách mà nhiều người khác không làm được.
1. “Bạn nghĩ gì?”
Thói quen quan trọng đầu tiên của người có tài giao tiếp là họ tò mò về người khác. Họ muốn biết người mình đang trò chuyện cùng cảm thấy thế nào. Câu hỏi “Bạn nghĩ gì?” khiến người đối diện cảm thấy được thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện và có giá trị.
Như Michael Hyatt đã viết: “Không có gì truyền đạt giá trị và sự tôn trọng đến với một người hơn là hỏi xem họ nghĩ gì. Trừ khi bạn đang có một bài phát biểu trang trọng, mọi cuộc gặp gỡ đều phải là một cuộc đối thoại.”
2. “Điều đó làm tôi nhớ đến một lần…”
Những người có khả năng đối thoại tuyệt vời là bậc thầy về những giai thoại. Họ có những câu chuyện vui, buồn, thú vị và ngắn gọn trong quá khứ khiến người khác cảm thấy thích thú và muốn biết nhiều hơn. Họ cũng biết khi nào là khoảng thời gian phù hợp cho câu chuyện nào. Điều này khiến mọi người trở nên hào hứng và thích thú khi nói chuyện hơn.
“Hãy kể những câu chuyện ngắn chứa đựng cảm xúc của bạn,” Ita Olsen khuyên.
3. “Tôi có thể giúp gì?”
Những nhà đàm thoại giỏi hiểu được giá trị của hành động. Đôi khi, việc đưa ra sự giúp đỡ thực tế hoặc trợ giúp thiết thực mang lại giá trị cao nhất. Đó là lý do họ hỏi xem bản thân có thể làm gì để giúp đỡ khi ai đó gặp vấn đề. Bằng cách sử dụng trí thông minh và trực giác của bạn để cố gắng hiểu người khác cần gì, bạn đang làm sâu sắc thêm mối liên hệ đó.
4. “Trải nghiệm đó thế nào?”
Người có tài giao tiếp xuất sắc thường đặt ra những câu hỏi để người khác có thể chia sẻ nhiều hơn. Họ mở đường cho người đối diện chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Khi bạn hỏi về trải nghiệm của một người, bạn đang khiến không gian trò chuyện mở rộng hơn, gửi đi thông điệp về sự đồng cảm, chia sẻ và phát triển. Sự đồng cảm sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên tuyệt vời hơn.
5. “Điều đó chắc hẳn đã rất khó khăn với bạn”
Những người giỏi giao tiếp rất biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Câu nói “Điều đó chắc hẳn đã rất khó khăn với bạn” thể hiện rằng bạn suy nghĩ về cảm nhận của đối phương trong tình huống đang đề cập đến. Bạn không nói một cách sáo rỗng mà vì sự đồng cảm thực sự.
Như Michael Palmer từng khuyên trong lĩnh vực kinh doanh: “Hãy đặt mình vào vị trí của người khác khi định hình chiến lược. Điều này giúp bạn đảm bảo có được cách tiếp cận cân bằng, không chỉ dễ được ủng hộ quan điểm hơn mà còn loại bỏ những sự phản bác tiềm năng.”
6. “Tôi ủng hộ bạn”
Người có khả năng trò chuyện biết thể hiện sự ủng hộ với người khác. Khi bạn cho người khác biết rằng bạn ủng hộ họ, họ sẽ không có dù chỉ là một chút mơ hồ. Câu nói “Tôi ủng hộ bạn” thể hiện sự quan tâm, có tác dụng trấn an mọi người và giữ cho cuộc trò chuyện của bạn diễn ra trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
7. “Niềm đam mê của tôi là…”
Những người có tài giao tiếp là những người biết chia sẻ. Họ biết cách truyền sự phấn khích, niềm đam mê và những chủ đề hấp dẫn. Họ sẵn sàng nói về niềm đam mê của mình như một cách để hâm nóng mọi thứ, để động viên những người khác và cũng là cởi mở hơn về niềm đam mê của mình. Sự chia sẻ lẫn nhau này tạo nên những cuộc trò chuyện tuyệt vời, góp phần hình thành những mối liên kết lâu dài.
8. “Đam mê của bạn là gì?”
Ngoài việc chia sẻ sở thích và đam mê của mình, người giao tiếp giỏi còn cho người khác cơ hội chia sẻ niềm đam mê của đối phương. Điều này giúp mở rộng cuộc trò chuyện, khiến đôi bên thêm cởi mở và hiểu về nhau hơn. Suy cho cùng, chúng ta hiếm khi nào hào hứng và nhiều năng lượng hơn khi nói về những gì chúng ta yêu thích.
9. “Điều tôi muốn nói là…”
Những người có khả năng giao tiếp luôn thoải mái và cởi mở với những gì xảy đến với họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ nói một cách tự do, bất kỳ điều gì hiện lên trong đầu. Thay vào đó, trước tiên họ sẽ suy nghĩ kỹ về những gì mình sẽ nói và không ngại sửa những gì mình đã nói nếu nhận ra câu chuyện đang bị hiểu đi theo cách khác.
Một người giao tiếp giỏi sẽ suy nghĩ trước khi nói. Họ không vòng vo cũng không bộp chộp mà nghĩ về những gì mình muốn nói và sắp xếp suy nghĩ theo cách sao cho khi diễn đạt những suy nghĩ đó thành lời, thông điệp của họ được truyền tải rõ ràng và chính xác.
10. "Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ…”
Câu nói "Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ…” giúp những người có tài giao tiếp tăng cường sự đồng cảm. Họ xây những cây cầu kết nối thông qua việc đặt mình vào vị trí tương tự người đang nói chuyện cùng. Họ không ngại cởi mở, dù là về những sai sót hoặc trải nghiệm đau đớn của mình. Có thể bạn không biết, tiết lộ thông tin cá nhân là cách bắt đầu cuộc trò chuyện tuyệt vời và cũng là một cách tuyệt vời để bạn phát triển mối quan hệ với người khác.