Điều quan trọng không phải bạn có là người giỏi nhất trong một công việc nào đó hay không mà là nếu bạn không có đóng góp lớn hơn về mặt tổng thể và đạt được kết quả lao động được đánh giá cao hơn thì bạn sẽ chỉ được trả một con số nhất định mà thôi.
Người ta biết đến Dan Lok với 13 lần kinh doanh thất bại trong vòng 3 năm. Từ một người nhập cư thất nghiệp, gánh khoản nợ hàng nghìn USD, ông đã trở thành người sở hữu khối tài sản triệu đô, cố vấn cho các doanh nhân trẻ.
Thành công của Dan chính là kết quả của tổng hợp nhiều lần thất bại. Ông không chỉ là một trong những nhà tư vấn được trả lương cao nhất trên thế giới mà còn là tác giả của hơn 12 cuốn sách bán chạy nhất, diễn giả mở đầu TEDx trong 2 dịp riêng biệt.
Sau rất nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, chuyên gia tư vấn Dan Lok đã chỉ ra những sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt, quan niệm sống của người giàu và người nghèo:
1. Người nghèo được trả tiền theo thời gian lao động; người giàu được trả dựa trên kết quả
Có một sự thật về thế giới này mà nhiều người không biết hoặc cố tình không muốn chấp nhận. Đó là kết quả công việc cuối cùng chính là những đồng tiền mà bạn có được, không phải là công sức bạn bỏ ra.
Điều quan trọng không phải bạn có là người giỏi nhất trong một công việc nào đó hay không mà là nếu bạn không có đóng góp lớn hơn về mặt tổng thể và đạt được kết quả lao động được đánh giá cao hơn thì bạn sẽ chỉ được trả một con số nhất định mà thôi.
Đừng bao giờ khư khư giữ mãi vùng an toàn của mình. Đừng ngại tạo ra những bước đột phá, gây ấn tượng cho những người xung quanh.
2. Người nghèo xem tivi; người giàu đọc sách
Chắc hẳn bạn không lạ gì với những thông tin về khối tài sản khổng lồ mà tỷ phú Warren Buffett sở hữu. Theo chia sẻ, mỗi ngày ông đọc trung bình 500 trang sách và dành thời gian để nghiền ngẫm, suy nghĩ. Ông hiểu rằng kiến thức có được là vô giá và đọc sách chính là con đường tuyệt vời đưa ra đến với tri thức.
Không chỉ Warren Buffett mà đọc sách là thói quen của rất nhiều người thành công trên thế giới. Với họ, thay vì dành thời gian hàng giờ mỗi ngày chỉ để xem tv, hãy mở sách ra và bắt đầu đọc. Chọn cho mình một cuốn sách giúp cải thiện bản thân và bạn đang bắt đầu quá trình trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình rồi đó!.
3. Người nghèo đổ lỗi; người giàu nhận trách nhiệm
"Không phải lỗi của tôi."
"Cái đó không phải do tôi làm."
"Lỗi đó là của cả tập thể mà, sao lại đổ cho mình tôi."
Đó là những câu nói phổ biến khi người ta không muốn nhận trách nhiệm, tìm mọi cách để đổ lỗi cho người khác. Hãy nhớ rằng đổ lỗi cho hoàn cảnh chính là bạn đang giảm đi sức mạnh của chính mình.
Dù đó là trở ngại gì, hãy cứ đối mặt và việc của bạn là thay đổi nó. Những người giàu có thêm sự tự tin bởi họ hiểu cuộc sống của họ nằm trong tay họ. Muốn cuộc sống tốt hơn, không có cách nào khác là phải cố gắng nhiều hơn, không đổ lỗi.
4. Người nghèo tập trung tiết kiệm; người giàu tập trung đầu tư
Theo Dan Lok, "vấn đề của bạn không nằm ở tiết kiệm mà nó nằm ở nguồn thu của bạn". Khi bạn rơi vào trạng thái "ví đói" hay phá sản, điều bạn cần làm là gia tăng nguồn thu chứ không phải tiết kiệm.
Người nghèo căng thẳng vì tiền bạc trong khi đó người giàu coi tiền là công cụ, nguồn lực để họ có thể đến nơi mà họ muốn. Những đồng tiền tiết kiệm bị bỏ ở một chỗ sẽ không sinh sôi. Hãy sử dụng chúng một cách hiệu quả, khiến tiền đẻ ra tiền để bản thân có cuộc sống tốt nhất.
5. Người nghèo nghĩ họ biết tất cả
Những người nghèo không ngại đưa ra ý kiến về những việc thậm chí ngoài tầm ảnh hưởng của họ, ngoài khả năng cũng như tầm hiểu biết của họ. Họ nghĩ mình là "biết tuốt".
Trong khi đó, người giàu luôn cầu thị, sẵn sàng học hỏi và bước qua những giới hạn của chính họ để tự phát triển bản thân, trở nên hoàn thiện hơn.
Một trong những việc mà người nghèo hay làm là nói về người khác thay vì những ý tưởng của mình. Họ nói về mọi thứ như thể mình biết trong khi lại không muốn lắng nghe để thu nạp thêm kiến thức gì. Điều đó thật tệ và nó sẽ khiến bạn bị tụt lại phía sau mà thôi.
6. Người nghèo tin rằng đồng tiền thật sự xấu xa
Đồng tiền có thể được sử dụng vào mục đích tốt hay xấu. Với người giàu, họ chỉ coi tiền là một phương tiện để thực hiện hay có được mục đích của mình. Người nghèo lại đổ lỗi và cho rằng đồng tiền là thứ thật xấu xa. Đó hoàn toàn chỉ là những lời biện minh vì họ sợ không thực hiện được giấc mơ của chính mình.
Đừng quên, trở nên giàu có đi cùng với đặc quyền có thể giúp đỡ mọi người. Hãy trở thành phiên bản mà bạn muốn và làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
7. Người nghèo luôn mơ trúng số
Một trong những điều mà người nghèo hay nghĩ đến chính là giấc mơ viển vông về những điều như trúng xổ số hay bỗng nhiên nhặt được cọc tiền.
Cuộc sống này là của chính bạn và bạn sẽ là người quyết định nó. Ngừng mơ mộng và bắt tay ngay vào hành động. Người giàu hiểu rằng thành công không phải là trò xổ số đỏ đen, bạn không thể thành công chỉ nhờ vào mơ mộng. Thành công chỉ đến với những người luôn hành động với quyết tâm cao độ.