9 điều đừng bao giờ nói qua tin nhắn

Bảo Anh. - Ngày 18/04/2022 19:00 PM (GMT+7)

Dù là trong mối quan hệ công việc hay tình cảm, bạn cần biết đâu là nội dung mình có thể chia sẻ qua tin nhắn, đâu là điều không nên.

Nghe audio
0:00
0:00

Bạn chia tay ai đó

9 điều đừng bao giờ nói qua tin nhắn - 1

Cho dù là mối quan hệ tình cảm đã 3 năm hay chỉ mới vài tháng, việc lựa chọn kết thúc qua tin nhắn đều gây tổn thương và thiếu tôn trọng. Đó là lý do tại sao chuyên gia hẹn hò trực tuyến Julia Spira gợi ý bạn không nên nhắn tin:

“Tôi đã thấy nhiều người chọn cách chia tay qua tin nhắn. Nếu đã từng có mối quan hệ yêu đương, từng cùng nhau nói về tương lai sau này, hãy lịch sự gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp. Đôi khi, việc nhắn tin có thể khiến bạn rơi vào rắc rối hoặc tình huống dở khóc dở cười khi chia tay.”

Hủy cuộc hẹn

Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hay chưa sẵn sàng cho một buổi hẹn dù người đó khá thú vị, hãy nhấc điện thoại lên gọi điện thay vì nhắn tin. Nếu người đó cảm thấy hào hứng với cuộc hẹn và phải nhận tin nhắn báo hủy của bạn, họ sẽ nghĩ rằng bạn đã tìm được mối tốt hơn.

Thay vì đơn giản chỉ là hủy hẹn, hãy thể hiện sự thiện chí, nói rằng bạn muốn lên lịch lại vào một ngày khác và đưa ra cho họ những lựa chọn. Đó là cách để gửi đi thông điệp rằng bạn vẫn muốn liên lạc với họ.

Chia sẻ tin xấu

Bạn mới thất nghiệp hay mất đi người thân yêu… đó đều là những điều không nên chọn cách nhắn tin để chia sẻ. Tin nhắn văn bản không phải sự lựa chọn tốt trong những trường hợp này.

Chuyên gia hôn nhân và gia đình Courtney Geter giải thích: “Người khác không thể nhìn thấy các tín hiệu phi ngôn ngữ của bạn và giọng điệu của bạn, điều đó có thể dẫn đến việc hiểu lầm cảm giác thực sự của bạn. Ngoài ra, bạn không biết người kia đang làm gì vào thời điểm đó. Họ có thể không phù hợp để đón nhận những tin như vậy”.

Chúng ta không ai muốn phải nhận tin xấu ngay trước một cuộc họp, bài kiểm tra hoặc sự kiện quan trọng. Sẽ tốt hơn khi bạn hỏi đối phương về thời gian họ có thể gặp gỡ, đề xuất một địa điểm riêng tư để đôi bên không bị phân tâm. Nếu không thể gặp mặt trực tiếp, bạn có thể tìm thời gian để nói chuyện điện thoại phù hợp.

Lan tỏa tin vui

Điều ngược lại cũng đúng, đó là bạn không nên chia sẻ những tin tức tốt lành qua tin nhắn văn bản. Tất nhiên, với những tin như bạn vừa đạt điểm cao, thuyết trình thành công… bạn hoàn toàn có thể nhắn tin. Song hãy gọi điện hoặc gặp mặt khi muốn chia sẻ với ai đó rằng bạn vừa đính hôn, mang thai hoặc nhận được công việc mơ ước.

Gửi thông tin nhạy cảm, riêng tư

9 điều đừng bao giờ nói qua tin nhắn - 2

Bạn có thể tin tưởng người đó sẽ giữ bí mật của bạn, nhưng tin tặc lại không có được sự chính trực như vậy. Đó là lý do tại sao việc gửi nội dung mang tính cá nhân, nhạy cảm qua tin nhắn văn bản là điều tối kỵ.

“Bạn không biết ai khác có thể nhìn thấy thông tin này và nó có thể không bao giờ bị xóa hoàn toàn. Trước khi gửi nội dung riêng tư qua tin nhắn hoặc email, hãy tự hỏi bản thân hậu quả của việc nhỡ ai đó ngoài 2 bạn có thể thấy nó. Nếu bạn có thể đưa ra ít nhất một hệ quả tiêu cực, hãy suy nghĩ lại về việc gửi thông tin đó”, chuyên gia Geter chia sẻ.

Chia sẻ những lo ngại nghiêm trọng

Con bạn đã lấy xe đi mà không xin phép, chồng bạn trở về khuya với mùi cồn nồng nặc hay đồng nghiệp của bạn luôn trễ hẹn… Khi bạn có những lo lắng nghiêm trọng như vậy, tốt hơn là nên nói trực tiếp thay vì nhắn tin. Đừng bao giờ mang những nội dung quan trọng như vậy qua tin nhắn bởi khi thiếu đi giọng điệu, chúng ta rất dễ bị hiểu nhầm và có khả năng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn ban đầu.

Lan truyền tin đồn

Hãy thận trọng với những gì bạn nhắn bằng văn bản như cách các luật sư thận trọng với bằng chứng. Đừng quên rằng, tin nhắn của bạn luôn có thể bị chụp lại màn hình và chia sẻ với những người khác. Bạn sẽ không bao giờ biết ai có thể nhìn thấy chúng.

Bất cứ điều gì bạn không muốn người khác nhìn thấy, đừng nhắn qua văn bản. Những nội dung đó có thể nhanh chóng xuất hiện trên facebook hoặc tệ hơn là bị sử dụng như một vũ khí chống lại bạn. Ngay cả khi bạn gửi tin nhắn của mình cho một người cụ thể, ngay khi bạn nhấn “gửi”, tin nhắn đó đã vượt khỏi tầm tay bạn.

Đừng bao giờ gửi nội dung hay bí mật nào đó mà nếu nó lộ ra ngoài, bạn sẽ gặp rắc rối. Cho rằng tin nhắn là riêng tư thực sự sai lầm.

Phàn nàn về công việc

9 điều đừng bao giờ nói qua tin nhắn - 3

Bạn cần biết việc bàn tán về sếp hay đồng nghiệp, công ty của bạn trên mạng xã hội là điều tối kỵ. Ngay cả khi bạn làm điều đó qua tin nhắn, cách thức dường như riêng tư hơn để giải tỏa những bất bình liên quan đến công việc, bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ càng, đặc biệt nếu người nhận là đồng nghiệp.

Ngay cả khi bạn chắc rằng đồng nghiệp đó có cùng quan điểm với mình, việc này vẫn là một nước đi mạo hiểm. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ được bày tỏ sự thất vọng của mình về công việc song tốt hơn hãy chọn nói trong tình huống mà bạn có thể đánh giá phản ứng của ai đó.

Tiếp tục một cuộc chiến

Những tin nhắn tiếp tục cãi nhau có thể khiến bạn phải hối tiếc về sau, khi đọc lại. Nếu đó là với bạn đời, người quan trọng của bạn, điều đó càng dễ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

“Hãy cho nửa kia của bạn biết rằng bạn sẽ tiếp tục cuộc thảo luận khi về nhà hoặc một buổi gặp gỡ trực tiếp nào đó. lên kế hoạch gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp. Việc nhìn thấy mặt nhau, nghe giọng nói của nhau sẽ giúp đôi bên cảm thấy thoải mái hơn thay vì dễ đẩy vấn đề đi quá xa như khi tranh luận qua tin nhắn”, chuyên gia tâm lý trị liệu Sarah Mandel cho biết.

7 câu người thông minh thường nói, bạn thì sao?
Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách và tính cách tạo nên số phận. Dưới đây là 7 câu nói những người...

Tư duy thông minh

Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh