Chìa khóa để đạt năng suất cao hơn là làm việc thông minh hơn chứ không phải chăm chỉ hơn. Làm việc thông minh hơn giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng quý báu cho những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.
Những người làm việc chăm chỉ, không ngại làm thêm giờ, không biết khái niệm cuối tuần hay nghỉ ngơi là gì, duy trì tốc độ làm việc nhanh chóng ngay cả khi mệt mỏi thật đáng ngưỡng mộ phải không? Họ là những người có động lực, có thiện chí và muốn làm tốt công việc. Nhưng những người làm việc thông minh hiểu được sức mạnh của việc tạm dừng và tạo ra khoảng trống cho những suy nghĩ, lập kế hoạch và phát triển công việc kinh doanh của họ.
Chìa khóa để đạt năng suất cao hơn là làm việc thông minh hơn chứ không phải chỉ chăm chỉ hơn. Làm việc thông minh hơn giúp bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng quý báu cho những điều thực sự quan trọng hơn như mục tiêu cuộc sống, sự phát triển cá nhân, sức khỏe và các mối quan hệ của bạn.
Dưới đây là những mẹo giúp bạn làm việc thông minh hơn thay vì chỉ chăm chỉ hơn:
1. Kiểm soát môi trường của bạn
Vấn đề đa phần chúng ta gặp phải khi cố gắng làm việc hiệu quả là bị gián đoạn rất nhiều. Một trong những sai lầm lớn nhất mà chúng ta mắc phải tại nơi làm việc là tin rằng sự mất tập trung liên tục ấy chỉ là một thực tế của công việc.
Chúng ta kiểm tra email, lướt mạng xã hội, gửi tin nhắn hoặc gọi điện… rất nhiều hoạt động khiến gián đoạn những dòng suy nghĩ. Hãy đơn giản là tắt tiếng các thiết bị của bạn và đặt chúng ở nơi khuất tầm nhìn.
2. Ngừng đa nhiệm
Tất cả chúng ta đều tin rằng mình là những người đa nhiệm. Trên thực tế, con người không có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Chỉ là một số người chỉ đơn giản là chuyển sự chú ý của họ từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác nhanh chóng hơn.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta gặp khó khăn khi làm nhiều việc cùng một lúc. Vì vậy, lần tới khi bạn muốn làm nhiều việc cùng một lúc, hãy dừng lại, hít thở sâu và sau đó quay lại tập trung vào một việc cần hoàn thành ngay. Khi đã hoàn thành xong việc đấy, bạn có thể chuyển sang việc khác. Cách làm này sẽ hiệu quả và giúp bạn làm được nhiều việc hơn.
3. Tạo ra và tuân theo một thói quen
Chúng ta là sinh vật của thói quen, bộ não của chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta thiết lập các thói quen, chúng ta có thể thực hiện các nhiệm vụ nhanh hơn vì chúng ta không phải nghĩ về nhiệm vụ hay chuẩn bị cho nó. Hãy biến nó thành một phần thói quen của bạn và lợi ích bạn gặt hái được sẽ vượt xa thách thức ngắn hạn của việc học cách sử dụng nó.
4. Tự động hóa nhiều tác vụ hơn
Bí quyết để hoàn thành nhiều việc hơn là gì? Hãy giảm số lượng quyết định bạn phải đưa ra trong suốt cả ngày. Đó là lý do tại sao Mark Zuckerberg chọn cùng một kiểu trang phục trong nhiều năm. Bằng cách tự động hóa một số tác vụ đơn giản, bạn có thể tập trung năng lượng vào các quyết định công việc quan trọng hơn.
5. Thường xuyên đánh giá lại
Nhiều người trong chúng ta liên tục nói đồng ý với mọi thứ bởi chúng ta không dừng lại để xem xét liệu những nhiệm vụ này có thực sự phục vụ mình hay không. Các ưu tiên có thể thay đổi từng ngày và không ai có thời gian để lãng phí vào những việc không cần thiết.
Ví dụ: Bạn hiện đang làm công việc kế toán của riêng mình dù bạn ghét nó và làm không tốt. Khi đánh giá lại, bạn nhận ra rằng mình có đủ nguồn lực để thuê một nhân viên kế toán và có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi kia cho việc khác phù hợp hơn với bộ kỹ năng của mình.
6. Làm những công việc bạn yêu thích nhiều hơn
Không phải ai cũng có thể làm những gì họ yêu thích để kiếm sống và ngay cả khi bạn đang theo đuổi giấc mơ của mình, vẫn sẽ có những công việc bạn không thích và không giỏi làm. Trong cả hai trường hợp, hãy tập trung nhiều hơn vào công việc mà bạn thực sự yêu thích. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện hơn, được truyền cảm hứng, được thử thách và làm việc hiệu quả hơn.
7. Có danh sách “Việc cần làm” và “Không nên làm”
Bạn rất dễ cảm thấy mất tập trung khi không có danh sách ưu tiên. Nếu không có danh sách ưu tiên, chúng ta sẽ trở nên thụ động và để người khác điều khiển lịch trình của mình. Chúng ta cũng nên đưa ra danh sách “Không nên làm” để tránh sa vào những công việc không cần thiết hoặc những công việc có thể dễ dàng bị trì hoãn.
8. Mong chờ thất bại và chiến đấu với sự sợ hãi
Khi thất bại xuất hiện, bạn rất dễ lo sợ rằng điều này có thể trở thành một xu hướng. Đừng hoảng sợ. Mọi thứ có thể sai hướng, sai lầm có thể xảy ra nhưng thất bại nên được mong đợi hơn là sợ hãi.
Học hỏi từ thất bại và phân tích những gì đã sai là cách tốt nhất để bạn tiến về phía trước. Richard Branson đã nói: “Đừng xấu hổ vì những thất bại của bạn, hãy học hỏi từ chúng và bắt đầu lại.”
9. Chăm sóc nguồn lực lớn nhất của bạn
Thời gian là nguồn tài nguyên quý giá nhưng nguồn tài nguyên lớn nhất của bạn không phải thời gian mà là chính bạn.
Tất cả chúng ta đều cố gắng làm việc hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian, nhưng điều quan trọng nhất cần nhớ là chấp nhận thời điểm chúng ta sẵn sàng tắt máy tính và không lấp đầy thời gian bằng nhiều việc hơn nữa. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, tập thể dục và thư giãn, bạn sẽ thấy mình ngày càng kém năng suất hơn. Bạn bắt đầu làm việc nhiều giờ hơn và điều này hoàn toàn ngược lại với những gì bạn muốn.
Nghỉ giải lao, hít thở không khí trong lành và tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để bạn làm việc thông minh hơn chứ không phải chỉ đơn giản là chăm chỉ hơn.