Một khi đã bị lãnh đạo ghét thì những việc ở nơi làm việc khó lòng diễn ra suôn sẻ hành thông. Bạn có thể không ưa cấp trên nhưng đừng để cấp trên không ưa bạn.
Dale Carnegie đã nói: "Xây dựng mối quan hệ tốt với sếp là ưu tiên hàng đầu tại nơi làm việc".
Chúng ta đều biết rằng, cấp trên tại nơi làm việc đóng một vai trò quan trọng trong việc thăng chức và tăng lương cho cấp dưới. Nếu sếp không thích bạn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của bạn.
Nhìn chung, nếu bạn thấy cấp trên thường làm với mình 4 điều này, điều đó có nghĩa là sếp không ưa bạn và bạn cần có sự chuẩn bị cho mình.
1. Thấy bạn làm sai mà không phê bình bạn
Không ai trong chúng ta có thể hoàn hảo dù là trong công việc hay trong cuộc sống. Chúng ta không hoàn hảo và ai cũng sẽ ít nhiều mắc phải sai lầm, thiếu sót trong công việc. Việc phạm sai lầm không phải điều gì quá đáng sợ, quan trọng là bạn dũng cảm nhận trách nhiệm và chủ động sửa lỗi sai của mình. Một người lãnh đạo tốt sẽ chỉ ra những sai sót của bạn và mong bạn có thể cải thiện.
Vấn đề cần quan tâm là khi cấp trên thấy bạn sai nhưng lại không hề nói với bạn một lời. Thậm chí, biết bạn mắc lỗi, người sếp đó không những không phê bình mà còn tiếp tục nuông chiều bạn. Đừng vội mừng bởi đây là dấu hiệu cho thấy họ không hề quan tâm hay đánh giá cao bạn. Họ muốn bạn phạm sai lầm lớn hơn và cuối cùng phải tự mình rời đi.
Vì vậy, trong công việc, khi phát hiện ra lỗi của mình cần dũng cảm nhận trách nhiệm và chủ động đưa ra phương án khắc phục. Bất kỳ người lãnh đạo nào cũng đánh giá cao việc nhân viên của mình có trách nhiệm và chủ động trong công việc.
2. Luôn nóng vội khi nghe bạn báo cáo công việc
Trong quá trình làm việc, tất cả chúng ta đều phải có phần báo cáo công việc với cấp trên của mình. Họ là lãnh đạo, cần có cái nhìn bao quát và không thể đi kiểm tra từng công việc nhỏ nên chất lượng của bản báo cáo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của bạn. Nếu bạn làm tốt nhưng lại không thể để cấp trên biết được điều đó, bạn sẽ khó lòng mở ra cơ hội phát triển tốt cho mình.
Bạn có thấy trong quá trình báo cáo công việc, cấp trên thường ngắt lời bạn mà nói rằng: "Bỏ qua những thứ dài dòng đó, hãy nói vào điểm chính đi!" không? Gặp phải tình huống này nhất định bạn phải chú ý bởi điều này chứng tỏ sếp bạn đã rất nóng nảy rồi.
Khi báo cáo công việc với cấp trên, có những nguyên tắc mà ai cũng phải nắm rõ, đó là nói về kết quả, tập trung vào những điểm chính và những điều mà cấp trên quan tâm thay vì những điều mà bạn cho là quan trọng.
3. Sếp giao cho bạn nhiều công việc vặt
Mọi người đều hy vọng rằng mình có thể hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên giao, nhận được sự tin tưởng trong các nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Đối với các nhà lãnh đạo, nhiệm vụ quan trọng cần được giao cho những nhân viên có năng lực mà họ tin tưởng.
Nếu bạn thấy sếp thường giao cho mình những công việc vặt, không quan trọng, điều đó đã ám chỉ rằng họ có ý kiến với bạn và không có ý định sử dụng bạn. Lúc này bạn có trực tiếp đi gặp lãnh đạo và nói chuyện rõ ràng cũng khó thay đổi được tình hình bởi sắp xếp công việc ra sao thuộc thẩm quyền của họ, với tư cách là cấp dưới, bạn không thể can thiệp.
Trong mọi trường hợp, trước hết bạn phải hoàn thành tốt công việc do sếp giao, đồng thời tăng cường giao tiếp với họ, tìm cơ hội thích hợp để khôi phục lại hình ảnh của mình trong mắt cấp trên. Làm được như vậy, bạn rất có thể sẽ khiến sếp thay đổi cách nhìn và tin tưởng, giao cho những nhiệm vụ quan trọng.
4. Liên tục so sánh bạn với đồng nghiệp
Có một dấu hiệu khác chứng tỏ cấp trên không hài lòng với hiệu quả làm việc của bạn chính là thường xuyên so sánh bạn với các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, những so sánh này lại không nhằm mục tiêu để bạn cải thiện và phát triển tốt hơn.
Ví dụ: Trong một cuộc họp, lãnh đạo không quan tâm đến cảm xúc của bạn mà trực tiếp nói lớn giữa bao người: “Cô thấy đấy, đồng nghiệp A mới vào mà đã thể hiện tốt như vậy. Cô đã làm ở đây bao lâu rồi?"
Nếu bạn nhận ra sếp mình thường xuyên nói điều này với bạn trước mọi người thì không cần phải nghi ngờ, chắc hẳn họ có vấn đề với bạn và không thích bạn. Đối mặt với tình huống này, bạn không chỉ phải làm tốt hơn công việc của mình mà còn phải tìm cơ hội thích hợp để trao đổi riêng với lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo đó sẵn sàng ngồi xuống và trao đổi cẩn thận với bạn, điều này có nghĩa mối quan hệ giữa hai người vẫn có thể cải thiện. Nếu họ hoàn toàn không quan tâm đến việc bạn có tiếp thu và sửa đổi hay không, mặc nhiên nói về bạn với sự tiêu cực, bạn cần có sự tính toán của riêng mình.
Nhiều người vẫn bảo nhau rằng: "Bạn có thể không ưa cấp trên nhưng đừng để cấp trên không ưa bạn". Một khi đã bị lãnh đạo ghét thì những việc ở nơi làm việc khó lòng diễn ra suôn sẻ hành thông. Dù bạn làm việc trong môi trường nào, sẽ tốt hơn khi bạn có mối quan hệ tốt với sếp.