Ngôn ngữ của sự thân thiện có nguồn gốc sâu xa từ sự đồng cảm và thấu hiểu. Những thủ thuật dưới đây sẽ giúp bạn thân thiện hơn và kết nối sâu sắc hơn với người khác. Đừng chỉ tỏ ra thân thiện mà hãy thực sự thân thiện.
Sự rung cảm mà chúng ta thể hiện với người khác có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong các tương tác xã hội và ngôn ngữ cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ dưới đây, bạn sẽ trở nên thân thiện và dễ mến hơn, khiến người khác cảm thấy thoải mái, sẵn sàng kết nối sâu sắc hơn.
1. Phản chiếu
Phản chiếu ở đây có nghĩa là bạn sao chép một cách tinh tế ngôn ngữ cơ thể của người mà bạn đang tương tác cùng. Đó có thể là tư thế, cử chỉ, nét mặt hoặc thậm chí là kiểu cách nói của người đối diện.
Thủ thuật tâm lý này mang lại hiệu quả vì nó vô thức nói với người khác rằng bạn có cùng “tần số” với họ. Điều này khiến họ cảm thấy được thấu hiểu và thấy thoải mái với bạn hơn.
Một điều bạn cần lưu ý là đừng tỏ ra rõ ràng rằng bạn đang phản chiếu ai đó. Nếu điều này quá lộ liễu, đối phương có thể cảm thấy bạn không thành thật hoặc thậm chí cảm thấy lo sợ.
2. Tư thế mở
Sự thật là, tư thế của bạn có thể tác động đến cảm xúc mà bạn toát ra. Nhiều người có thói quen khoanh tay khi trò chuyện với suy nghĩ đơn giản rằng điều này mang lại sự thoải mái mà không biết những người xung quanh sẽ cảm thấy do dự khi ở gần họ.
Theo một số nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, hành động khoanh tay có thể tạo ra cảm giác phòng thủ hoặc khép kín. Đó là tín hiệu tiềm thức cho thấy bạn không hoàn toàn cởi mở hoặc dễ tiếp nhận.
Bằng cách thực hiện một thay đổi nhỏ là giữ cánh tay ở hai bên hoặc cử động tay trong khi trò chuyện, bạn sẽ thấy mọi người dường như cởi mở hơn với bạn, trò chuyện một cách thoải mái hơn và phản hồi tích cực hơn với những ý kiến đóng góp của bạn.
3. Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là một công cụ mạnh mẽ và nó đóng vai trò then chốt trong việc truyền tải sự thân thiện. Duy trì giao tiếp bằng mắt ở mức độ vừa phải có thể khiến người đang nói chuyện với bạn cảm thấy được nhìn nhận, đánh giá cao và thấu hiểu. Đối phương sẽ thấy bạn thực sự đang tham gia vào cuộc trò chuyện và quan tâm đến những gì họ nói.
Tuy nhiên, hãy chú ý đừng lạm dụng bởi nếu không, bạn có thể gửi đi thông điệp về sự hung hăng hoặc không thoải mái. Điều quan trọng chính là sự cân bằng. Hãy duy trì giao tiếp bằng mắt trong khi trò chuyện nhưng thỉnh thoảng đừng quên chớp mắt và nhìn đi chỗ khác.
4. Gật đầu
Khi bạn gật đầu trong lúc người khác đang nói, điều đó cho thấy bạn lắng nghe một cách tích cực và hiểu những gì đối phương đang nói. Nhưng cũng giống như bất kỳ thủ thuật ngôn ngữ cơ thể nào khác, gật đầu cũng phải được sử dụng một cách thích hợp.
Khi bạn gật đầu quá mức trong lúc trò chuyện, đối phương có thể cho rằng bạn đang thiếu kiên nhẫn hoặc không thành thật; trong khi không gật đầu chút nào có thể khiến bạn toát ra vẻ không quan tâm.
5. Chạm nhẹ nhàng
Một cái chạm nhẹ vào cánh tay trong khi trò chuyện, một cái vỗ nhẹ vào lưng hay thậm chí là một cái bắt tay thân thiện cũng có thể tạo nên sự thân thiện và tin cậy giữa hai người. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên đi khắp nơi và chạm vào mọi người mà bạn gặp.
Không gian cá nhân rất quan trọng và mọi người đều có mức độ thoải mái khác nhau về việc tiếp xúc cơ thể. Khi được sử dụng một cách thích hợp và tôn trọng, một cái chạm nhẹ nhàng có thể là cách mạnh mẽ để truyền tải sự ấm áp và thân thiện.
6. Nụ cười chân thật
Bộ não của chúng ta có thể phân biệt được nụ cười chân thật và nụ cười giả tạo. Một nụ cười chân thật không chỉ liên quan đến các cơ xung quanh miệng mà còn liên quan đến các cơ xung quanh mắt. Kiểu cười này biểu thị sự hạnh phúc và thân thiện thực sự, không chỉ giúp bạn trở nên dễ gần hơn mà còn hạnh phúc hơn.
Trong khi đó, một nụ cười lịch sự hoặc giả tạo thường chỉ liên quan đến cơ miệng. Nụ cười này thường tạo ra ít cảm giác ấm áp và hấp dẫn hơn.
7. Nghiêng người
Khi bạn nghiêng người về phía ai đó trong khi nói hoặc nghe, đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy bạn hoàn toàn tập trung và quan tâm đến cuộc trò chuyện. Người đối diện cũng sẽ cảm thấy rằng bạn coi trọng cuộc nói chuyện. Khi mọi người cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao, họ sẽ thấy bạn thân thiện và dễ gần hơn.
8. Thêm các cử chỉ khi trò chuyện
Khi bạn tiếp thêm năng lượng và tính biểu cảm cho các cuộc trò chuyện, bạn sẽ trở nên dễ gần và thân thiện hơn. Việc sử dụng tay để nhấn mạnh hoặc thể hiện ý tưởng có thể khiến cuộc trò chuyện của bạn trở nên hấp dẫn và đáng nhớ hơn.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên khua tay múa chân cuồng nhiệt mỗi khi có cơ hội mà hãy thêm vào các cử chỉ một cách tự nhiên để bổ sung cho lời nói của bạn. Trong khi cử chỉ tay quá nhiều có thể khiến bạn mất tập trung thì quá ít có thể khiến bạn trông cứng nhắc hoặc không hứng thú.
9. Thư giãn
Điều quan trọng nhất cần nhớ khi nói đến ngôn ngữ cơ thể chính là sự thư giãn. Hãy đơn giản là để cơ thể bạn được thoải mái. Thả lỏng vai, thả lỏng cơ hàm và để cánh tay buông một cách tự nhiên ở hai bên. Điều này sẽ gửi đi thông điệp tới người đối diện rằng bạn thoải mái là chính mình và sẵn sàng tương tác.