Năm lần bảy lượt mẹ đánh điện nói nhớ Lam, cô cố sắp xếp về với mẹ thì lần nào cô cũng bảo bận việc. Thực sự là Lam rất bận.
Lam ngồi chuyến xe lửa cuối cùng trong ngày để về nhà. Nhiều năm rồi, cứ ngày này, cho dù bận việc gì cô cũng một mình bắt xe lửa về miền quê xa xôi ấy để thăm mẹ. Cho dù đón chào cô chỉ là ngôi nhà vắng lặng không người ở, nhưng cô vẫn về, về để thắp cho mẹ một nén hương tạ lỗi, vì mẹ vẫn luôn nằm đấy chờ cô thôi.
Bố Lam mất rất sớm, trong kí ức mờ nhạt của cô, bố chỉ là người đàn ông bế cô thả diều trên triền đồi ngày nào. Mẹ một mình nuôi Lam ăn học, có biết bao người đến với mẹ nhưng bà đều từ chối vì sợ Lam phải chịu khổ. Học hết cấp 3, Lam thi đỗ đại học, mình cô khăn gói xuống thành phố cách đó hơn 300km để đi tìm tương lai cho mình. Lam còn nhớ ngày cô đi học, mẹ mừng mừng tủi tủi khóc tiễn cô ra ga tàu. Mẹ chuẩn bị cho Lam từ những con cá suối phơi khô, cái măng khô, đến ít gạo quê vì “xuống thành phố cái gì cũng đắt đỏ lắm con ạ”. Lam lên tàu rồi mẹ còn với theo dúi vào tay cô nắm tiền lẻ vì “ở thành phố con cần nhiều tiền, cầm thêm đi, đừng lo cho mẹ ở nhà”. Lúc ấy, nhìn nắm tiền lẻ quăn nhàu mà cô bật khóc, chắc hẳn đây là những đồng tiền cuối cùng của mẹ.
Học xa nhà, dù nhớ mẹ nhưng cô cũng không dám về nhiều vì sợ tàu xe tốn kém. Hơn nữa, ngày nghỉ cô tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền để mẹ đỡ vất vả. Thế nên chỉ có ngày giỗ bố và dịp Tết cô tranh thủ về với mẹ. Lần nào về, hai mẹ con cũng mừng tủi ôm nhau khóc, có bao giờ cô xa mẹ lâu vậy đâu. Lần nào đi, mẹ cũng gói ghém đủ thứ cho cô, có bỏ bớt ra phần mẹ thì bà lại mắng: “Tuổi trẻ con cần ăn nhiều lấy sức còn học, mẹ già rồi, ăn bao nhiêu. Ở nhà mấy đồ này kiếm dễ không à”. Mẹ nói vậy nhưng cô biết, có gì ngon mẹ đâu có ăn mà toàn để dành cho cô mang đi. Hai mẹ con cứ giằng co, lấy ra lại nhét vào mãi tới khi trời sáng hẳn mẹ mới đẩy cô “đi nhanh kẻo lỡ tàu bây giờ”.
Bố Lam mất rất sớm, trong kí ức mờ nhạt của cô, bố chỉ là người đàn ông bế cô thả diều trên triền đồi ngày nào. (ảnh minh họa)
Rồi cô ra trường, lặn lội ở thành phố cũng tìm được công việc ổn định. Cô đi làm, mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Thỉnh thoảng, mẹ lại đánh điện xuống hỏi thăm cô. Mẹ thường nói: “Con gái lớn rồi, mau mau kiếm chàng rể mang về đây cho mẹ”. Hai mẹ con lại tíu tít nói chuyện, mẹ giục cô sao lâu không về thăm nhà, cô lại hẹn mẹ “Tết con về, công việc bận lắm mẹ ạ”. Cô biết, đầu bên kia mẹ sẽ khóc vì cô cũng đang cố không khóc qua điện thoại. Với mẹ, cô mãi mãi chỉ là con bé con năm nào.
Năm lần bảy lượt mẹ đánh điện nói nhớ Lam, cô cố sắp xếp về với mẹ thì lần nào cô cũng bảo bận việc. Thực sự là Lam rất bận. Cô mới được đề bạt làm trưởng nhóm, áp lực công việc rất nặng nề. Hơn nữa, cô cũng đang có bạn trai. Ngày nghỉ, nếu không ở nhà ôm cái máy tính làm việc thì cô lại đi chơi với bạn trai. Con gái lớn rồi cần tìm cho mình tấm chồng tử tế, bạn trai cô là đối tượng tốt mà cô không muốn mất. Thế nên Lam cứ lỡ hẹn với mẹ. Đến khi mẹ gọi điện nói hay mẹ xuống thăm cô nhé, thì Lam giãy nảy lên: “Mẹ đừng xuống, đi đường xa xôi vất vả lắm. Con bận thật mà. Với lại, con có bạn trai rồi. Con… con chưa muốn anh ấy biết gia cảnh nhà mình lúc này. Mẹ chờ con nhé, con sẽ về”. Nghe con gái nói vậy, mẹ Lam vừa mừng vừa tủi. Mừng cho cô cuối cùng đã có bạn trai, tủi vì mình đã không cho con được một gia đình khá giả đầy đủ để con tự hào với bạn trai, tủi vì chẳng biết bà có chờ được ngày nhìn thấy con gái hạnh phúc hay không. Có lẽ Lam chẳng bao giờ ngờ được, đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của cô và mẹ, cô sẽ chẳng được nghe mẹ nói thêm một lần nào nữa.
Hôm đó, đang ở công ty Lam nhận được điện thoại từ nhà. Một dì hàng xóm gọi Lam về nhà ngay, mẹ ốm nặng lắm rồi. Lam hốt hoảng không còn nghĩ được gì, xin nghỉ phép rồi vội vàng bắt xe về quê. Lúc Lam về trời đã tối, mẹ cũng đã đi rồi.
“Lam đấy hả con, sao giờ mới về. Mẹ con đi rồi, tội nghiệp, bà ấy chờ mãi con mà không chịu được”. Người dì hàng xóm rơm rớm nói khi thấy Lam.
“Mẹ, mẹ ơi, con về rồi, mẹ dậy đi”- Lam chạy lại giường, mẹ đang nằm đó như ngủ thôi. Cô lay lay mẹ, nhưng chẳng thấy mẹ tỉnh dậy. Bình thường chỉ tiếng động nhỏ thôi là mẹ tỉnh giấc, sao giờ cô lay mãi mà mẹ không tỉnh. Lam quỳ xuống giường ôm mẹ khóc lặng đi. Cô về muộn rồi. Cô lỡ hẹn với mẹ mất rồi. Chẳng bao giờ được nghe mẹ nói “Lam về rồi đấy hả con, đi đường mệt lắm không?”, cũng chẳng bao giờ nhận được cuộc gọi nào của mẹ giục cô mau về nhà, mau mang chàng rể về cho mẹ, chẳng bao giờ được mẹ ôm vào lòng nữa rồi, tất cả đã quá muộn.
Lam cứ ngồi đó với mẹ đến khi trời đổ mưa vẫn chưa chịu về. Mãi khi người dì hàng xóm chạy ra mới kéo Lam thất thểu trở về. (ảnh minh họa)
Sau đám tang của mẹ, Lam xin nghỉ phép một tháng ở nhà. Hàng ngày cô ra mộ mẹ, ngồi đó thầm lặng nhớ đến chuyện hồi nhỏ. Hồi nhỏ Lam rất nhát, hay bị bạn bè bắt nạt, những lúc ấy cô chạy về khóc mách mẹ, mẹ lại ôm cô và nói: “Con gái đừng khóc, con phải mạnh mẽ lên, sau này lớn còn bảo vệ mẹ nữa chứ”. Những lúc ấy Lam lại sụt sịt chùi nước mắt và hứa lớn lên sẽ thật mạnh mẽ để bảo vệ mẹ. Vậy mà, chỉ mẹ bảo vệ bao bọc cô, cô chưa kịp báo đáp thì mẹ đã đi rồi. Lam hối hận. Giá mà cô về sớm hơn thì đã được gặp mẹ rồi. Chắc mẹ biết mình sắp phải đi nên mới đòi xuống thành phố thăm cô, vậy mà, vì sợ bạn trai biết chuyện nhà nghèo mà cô từ chối mẹ. Cô thật bất hiếu, thật nhẫn tâm. Lam cứ ngồi đó với mẹ đến khi trời đổ mưa vẫn chưa chịu về. Mãi khi người dì hàng xóm chạy ra mới kéo Lam thất thểu trở về.
“Mẹ con không yên tâm thấy con thế này đâu Lam ạ. Nghe dì, người đã đi rồi, người ở lại phải mạnh mẽ mà sống chứ” – Người dì hàng xóm vừa lau đầu cho cô vừa nói.
“Nhưng mà dì ơi, con mất mẹ thật rồi. Con có lỗi quá, con thật bất hiếu.”- Lam vừa khóc vừa nói.
“Nghĩ bậy. Cái gì mà bất hiếu với có lỗi. Bà ấy yêu con lắm, tự hào về con lắm. Con ít về nên không biết, mẹ con bị bệnh cả năm nay rồi. Dì bảo bà ấy xuống bệnh viện tỉnh mà chữa đi nhưng bà không nghe, toàn mua mấy viên thuốc giảm đau về uống. Bà ấy từng nói với dì là ‘Cái Lam nó có bạn trai rồi. Vậy là tôi sắp yên tâm về nó. Tôi bị bệnh này, có thuốc thang cũng chẳng khỏi được đâu, chữa làm gì cho phí tiền. Tiền ấy tôi để dành cho cái Lam, lúc nó lấy chồng cũng phải có tý vốn liếng về nhà chồng, cho đỡ tủi thân’. Mẹ con yêu con lắm, bà ấy chẳng bao giờ trách con đâu”.
Nghe vậy Lam càng hối hận, càng thương mẹ nhiều hơn. Thì ra mẹ biết bệnh của mình, mẹ giấu cô, mẹ mong chờ cô về vậy mà cô cứ bảo mẹ chờ. Giờ mẹ không chờ được nữa cô mới trở về, về có còn mẹ nữa đâu. Lam ở với mẹ hết một tháng rồi lại phải trở về thành phố. Cô suy sụp hẳn đi, nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết nhưng rồi nghĩ mẹ đã hi vọng ở mình biết bao nhiêu, cô lại tiếp tục cố gắng sống.
5 năm sau, Lam cũng lấy chồng. Chồng cô chính là người bạn trai năm nào. Năm ấy anh không biết chuyện gia đình cô, lúc biết chuyện thì mẹ cô cũng mất rồi. Suốt mấy năm qua, anh vẫn ở bên chăm sóc, động viên Lam. Mỗi lần, mùa lễ Vu Lan, Lam lại bắt tàu về với mẹ. Chồng Lam đòi đi theo vợ nhưng cô không cho anh đi cùng. Đó là nỗi đau cô bắt mình phải nhớ, phải một mình chịu đựng.
Năm nay Lam lại về với mẹ. Cô quỳ xuống bên mộ mẹ, đặt lên đó một bông hồng trắng. Lặng người một lúc cô mới thì thầm: “Mẹ ơi, con đã về rồi đây. Mẹ chờ con lâu không ạ?" (ảnh minh họa)
Năm nay Lam lại về với mẹ. Cô quỳ xuống bên mộ mẹ, đặt lên đó một bông hồng trắng. Lặng người một lúc cô mới thì thầm: “Mẹ ơi, con đã về rồi đây. Mẹ chờ con lâu không ạ? Con sắp có con rồi, sắp làm mẹ con lại càng thấu hiểu lòng mẹ khi xưa, con thật vô tâm quá”. Rồi Lam lại ngồi thất thần bên mộ mẹ nhớ về chuyện ngày xưa khi còn có mẹ. Mãi đến khi có một bàn tay khẽ đặt lên vai cô, Lam giật mình quay lại:
“Sao anh về đây?”- Lam vội chùi nước mắt hỏi chồng.
“Anh lo cho em và con nên đã đi theo em. Em ngồi với mẹ lâu rồi, mình xin phép mẹ về thôi”. Thì ra, năm nay chồng Lam cũng theo cô về thăm mẹ.
“Mẹ ơi, vợ con sắp làm mẹ rồi. Chắc mẹ cũng vui lắm ạ. Con tin mẹ không còn trách vợ con chuyện năm xưa đâu ạ. Bao năm nay cô ấy dằn vặt mình nhiều rồi, giờ chúng con xin tạ tội với mẹ”. Nghe chồng nói những lời ấy, Lam lại khóc. Cô biết, mẹ chẳng bao giờ trách cô đâu, chỉ là bao năm qua cô tự hành hạ bản thân mình. Chắc mẹ cũng không vui khi thấy cô sống dằn vặt mình như vậy đâu.
“Mình về thôi em. Anh tin mẹ sẽ rất vui nếu em tha thứ cho mình.”
Lam theo chồng về nhà, cô quay đầu lại nhìn ảnh mẹ một lần nữa: “Mẹ, con về đây ạ. Con sẽ về thăm mẹ.”. Cô mong ở một nơi nào đó, mẹ sẽ nghe thấy những lời cô nói. Cô cũng mong trên đời này sẽ không có ai đáng trách như mình, đừng để lúc mất mẹ rồi mới hối hận.