Tôi soi gương và chợt buồn khi nghĩ đến những vết chân chim, những sợi tóc bạc, những cơn đau âm ỉ khi trái gió trở trời...
Tôi nhớ lần đầu tiên, tôi nhận ra tình cảm khác lạ của mình là khi thấy anh đi cùng cô bạn học lớp bên cạnh. Có cái gì đó đâm xuyên lồng ngực khiến tôi muốn ngã quỵ. Tôi chạy vô nhà vệ sinh và ở thật lâu trong đó. Hết giờ giải lao, tôi trở vào lớp mà mắt đỏ hoe. Năm đó chúng tôi học lớp 12.
Tôi và Sơn học chung từ năm lớp 10. Khi ấy tôi ở quê ra, trọ học gần nhà anh. Bắt đầu năm học khoảng 1 tháng thì tôi phát hiện điều đó. Không ngờ khi tôi vừa nói ra, Sơn đã nhiệt tình: “Vậy thì để mình chở bạn đi học luôn cho tiện”.
Lúc đầu tôi còn ngại nhưng sau đó Sơn nói mãi khiến tôi xiêu lòng. Từ đó, ngày ngày tôi ngồi sau xe để anh chở đến trường. Sơn sinh trước tôi 9 tháng nên chúng tôi thống nhất tôi làm em, còn Sơn làm anh. Có lẽ thương tôi ở xa nhà nên Sơn chăm sóc tôi như em gái của mình. Có gì ngon ngọt anh cũng mang cho tôi. Học nhóm, anh và tôi cũng học cùng. Tôi cứ nghĩ, mãi mãi chúng tôi sẽ là anh em tốt của nhau như thế.
Không ngờ, tình cảm của tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu nhận ra mình không còn vô tư nữa dù ngoài mặt vẫn cố hồn nhiên vui đùa. Cho đến một ngày, tôi thấy con tim mình tan nát khi Sơn đi với người con gái khác. Mấy hôm sau tôi bảo Sơn: “Từ giờ em đi với nhỏ Phương, anh khỏi chở em nữa”. Sơn tưởng thật nên vui vẻ: “Ừ, vậy cũng được. Nói Phương đi đứng cẩn thận, đừng có lạng lách nghe chưa”.
Từ đó, tôi không có dịp nào được ngồi sau xe anh nữa. Thay chỗ tôi ngồi đã có một cô bạn khác. Những quan tâm Sơn dành cho tôi trước đây cũng bị san sẻ rất nhiều. Tôi chấp nhận điều đó một cách khó khăn và chỉ biết lấp đầy khoảng trống bằng cách chúi mũi vào chuyện học hành.
Tôi vẫn cứ yêu anh dù nhiều người ngăn cấm (Ảnh minh họa)
Có kết quả thi tốt nghiệp, tôi đỗ thủ khoa. Khi ấy tôi đã về nhà nghỉ hè với ba mẹ. Sơn đạp xe gần 60 cây số về báo tin cho tôi. “Để anh hẹn lớp mình đi liên hoan mừng cả lớp tốt nghiệp, mừng em là thủ khoa...”- Sơn hào hứng nói. Nhưng tôi lắc đầu: “Thôi, để thi đại học xong đã anh à”. Hôm đó khi Sơn về, tôi đưa anh ra đến đầu đường, rồi đứng tần ngần mãi mới dám đưa cho anh quyển sách bài tập Toán luyện thi đại học mà tôi mua từ năm lớp 11 nhưng chưa có dịp nào để trao cho anh. Ở trang cuối của quyển sách, tôi đã viết một dòng bằng mực đỏ và hi vọng, nếu anh đọc đến trang cuối cùng thì sẽ nhận ra...
Có lẽ Sơn đã đọc. Từ đó, mỗi mùa hè, anh đều về thăm ba má tôi ở quê. Tôi biết điều đó và cố tình tránh mặt với lý do học trường y rất bận rộn. Có một năm, tôi về ăn tết, nghe má nói: “Thằng Sơn dẫn bạn gái về giới thiệu với ba má. Con nhỏ dễ thương hết sức”. Tôi mừng cho anh nhưng vẫn thấy có điều gì đó buốt nhói trong lòng.
Sơn học Nông nghiệp ở Cần Thơ. Ra trường anh đi làm rồi cưới vợ. Suốt từng ấy năm trời, chúng tôi không gặp nhau lần nào. Tôi học xong cũng về Cần Thơ công tác. Tôi không ngờ có ngày tôi gặp lại anh trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Con gái anh bệnh nhập viện điều trị ngay chính khoa của tôi. Cháu bị sốt cao không rõ nguyên nhân phải nằm lại để theo dõi. Gặp anh, tôi hết sức bất ngờ. Anh cũng mừng rỡ nắm tay tôi lắc mạnh: “Em về đây hồi nào? Sao không liên lạc gì với anh vậy? Mấy năm nay công việc bận rộn quá nên anh không về thăm ba má được...”.
Anh nhắc ba má tôi với giọng ấm áp như thể đó là người thân của mình. Đến lúc đó tôi mới biết vợ anh đã mất. Một mình anh bây giờ phải nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, hai đứa sinh đôi 4 tuổi. “Vợ anh mất ngay sau khi sinh 2 đứa nhỏ... Cô ấy bệnh tim. Khi mang thai lần sau, bác sĩ khuyên nên bỏ nhưng cô ấy không bằng lòng”- giọng anh nghèn nghẹn. Tôi lặng người đi. Thảo nào mà tóc anh đã bạc dù khi đó anh và tôi mới ngoài ba mươi.
Cuộc gặp này khiến tôi đánh mất tình cảm của một người đồng nghiệp. Đúng hơn là người ấy đã không thể chờ đợi vì tôi cứ vướng víu 3 đứa trẻ của Sơn. “Cho em thêm thời gian... Nhìn cha con anh ấy bây giờ em không đành lòng...”- tôi nói với anh bạn như vậy. Nhưng anh đã từ chối: “Anh nghĩ không cần như vậy. Nhìn em và mấy đứa nhỏ quấn quýt nhau, anh biết điều gì sẽ xảy ra. Thôi thì dứt khoát càng sớm càng tốt để không ai bận lòng”. Vậy rồi người ấy ra đi.
Bây giờ thì 2 đứa út đã 10 tuổi, bé lớn đã vào cấp II. Tóc tôi cũng bắt đầu có vài sợi bạc. 6 năm qua, tôi đã lặng lẽ đi cạnh cha con anh như thể định mệnh đã gắn chúng tôi lại với nhau. Có lần, cách nay chưa lâu, Sơn đưa cho tôi quyển sách giải bài tập Toán lớp 11 mà tôi tặng anh ngày nào. Dòng mực đỏ ở cuối trang sách đã mờ nhưng tôi vẫn đọc được những dòng chữ của chính mình: “Từ bây giờ đôi ngã chia xa... nhưng mãi mãi em vẫn nhớ người ta”. Tôi nhẩm tính, đã gần 20 năm. Anh nắm tay tôi, rất lâu mới nói được: “Sao em lại làm như vậy? Phải biết nghĩ tới bản thân chứ? Anh và các con đã tự lo được rồi...”.
Tôi nhìn cha con anh mà nhiều khi không cầm được nước mắt. Nếu các cháu là con trai thì có thể dễ dàng hơn, đằng này lại là 3 đứa con gái. Không có bàn tay người mẹ chăm lo, dạy dỗ, tội nghiệp biết chừng nào... Nhưng trên hết, tôi biết rõ trái tim mình đã thuộc về anh, từ những ngày còn học chung hay khi xa cách, chưa có lúc nào tôi quên anh.
Má tôi có lẽ hiểu điều đó nên bảo: “Nếu con thương thằng Sơn thì cứ lấy nó, má không cản...”. Thế nhưng rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi thì can ngăn: “Chỉ có điên mới lao đầu vô đó. Con mình mình lo còn mệt mỏi, đằng này con riêng của chồng, hơi sức đâu mà lo? Lỡ mai mốt tụi nó phản thì thêm tức”.
Tôi không ngại điều đó vì tôi đã dạy dỗ mấy đứa nhỏ từ khi chúng còn bé, tôi hiểu chúng nó cũng yêu thương tôi như vậy. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy đã quá muộn để nghĩ đến chuyện hôn nhân. Tôi soi gương và chợt buồn khi nghĩ đến những vết chân chim, những sợi tóc bạc, những cơn đau âm ỉ khi trái gió trở trời...
Có phải là tôi đã quá già để làm vợ, làm mẹ?