Thông minh là điều ai cũng khao khát có được song không phải ai cũng biết, ngay cả thiên tài cũng có những vấn đề phiền toái phải đối mặt.
Nếu có một viên thuốc giúp bạn trở nên thông minh hơn, chắc hẳn chúng ta sẽ chẳng cần ngần ngại mà nhận ngay viên thuốc đó. Thông minh là điều thật tuyệt vời song theo các nghiên cứu, những người thông minh cũng có những vấn đề riêng của mình.
Ramit Sethi là một doanh nhân thành công, từng tốt nghiệp đại học Stanford. Ông đã có nhiều năm làm việc và nghiên cứu những tỷ phú, triệu phú, nhân vật thành công. Dưới đây là những vấn đề chung mà ông thấy người rất thông minh đều phải đối mặt.
Họ phức tạp hoá vấn đề
"Vì những người thông minh có thể nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ - điều khiến họ luôn được đánh giá cao, song cũng vì điều này mà họ thường không thể chấp nhận được những gì mình đang phải đối mặt", Sethi cho hay.
Điều này sẽ là lý tưởng khi họ đang cân nhắc đến các chiến lược phức tạp hay quyết định trong cuộc sống song nếu đó là việc đơn giản, cần bắt tay ngay vào hành động thì người thông minh có thể gặp trở ngại.
Họ là những người cầu toàn
Theo Sethi, chủ nghĩa hoàn hảo chính là “phiên bản nỗi sợ thất bại của người thông minh".
Họ sợ trông mình thật ngốc
Những người thông minh và nhận thức được điều này thường sợ bản thân trông thật ngu ngốc. Điều này khiến họ đôi khi không dám đặt ra những câu hỏi hay làm bất cứ điều gì để lộ ra phần kiến thức mình chưa biết.
Họ biết còn rất nhiều điều mình không biết
Bạn đã bao giờ nghe nói về hiệu ứng Dunning-Kruger chưa? Có thể bạn chưa biết thuật ngữ này song chắc chắn bạn đã từng trải qua nguyên tắc này.
Quy luật tâm lý này nói rằng chính những người kém cỏi nhất lại là người tự tin nhất, trong khi người thông minh nhất lại nghi ngờ chính khả năng của mình. Người thông minh biết rằng còn rất nhiều điều bản thân còn chưa biết trong khi người kém cỏi cho rằng tất cả mình đã biết rồi.
Điều này dẫn đến một sự thật là, những người thông minh nhất thường hoài nghi về bản thân mình và đôi lúc có cảm giác mình chỉ là một người hết sức bình thường, còn quá nhiều điều mình chưa biết.
Có thể rơi vào bẫy khuôn mẫu
Chúng ta thường nghĩ rằng, người dập khuôn là những kẻ ngốc. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã cho chúng ta một góc nhìn khác về điều ngược lại. Những người thông minh thường nhanh chóng tìm ra quy luật song điều này cũng khiến họ dễ quy chụp vấn đề vào các đặc điểm nhất định mà chỉ dựa trên những bằng chứng mỏng.
Tờ Atlantic cũng đưa ra kết luận rằng, "những kết quả này cho thấy người thông minh cũng có mặt trái, đó là họ thường phức tạp hóa vấn đề và đưa ra những kết luận không phù hợp".
Họ không thể cư xử như một người mới bắt đầu
"Khi bạn ngày càng thăng tiến hơn trong sự nghiệp của mình (trong các mối quan hệ, việc kinh doanh hay bất cứ việc gì khác), việc hành xử đúng như những người mới bắt đầu thực sự là khó khăn", Sethi nói.
Họ muốn bỏ qua những điều cơ bản
Đa phần những người nghĩ mình thông minh thường muốn bỏ qua những điều cơ bản, ít nhất là theo kinh nghiệm của Sethi. "Nhiều người nghĩ rằng họ đã giỏi rồi và không cần tới các nguyên tắc cơ bản nữa", ông chia sẻ.
Họ cô đơn
Một nghiên cứu gần đây cho kết quả rằng, so với những người kém thông minh hơn, những người thông minh có xu hướng dành nhiều thời gian để ở một mình hơn. Vì sao vậy?
"Những người có trí thông minh và biết tận dụng nó thường không muốn dành nhiều thời gian để giao tiếp với bên ngoài vì họ muốn tập trung cho những mục tiêu dài hạn khác", Carol Graham, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Brookings, người nghiên cứu về kinh tế học hạnh phúc, chia sẻ trên Washington Post.
Tuy nhiên, việc ít giao tiếp với xã hội không quá ảnh hưởng đến những người thông minh. Bạn có thể trở thành người khá cô độc song cảm giác cô đơn thì chưa chắc vì bạn còn bận rộn với rất nhiều ý tưởng tuyệt vời của mình.
Họ dễ bị phân tâm hơn
Bạn cảm thấy thật khó để tiếp tục làm việc trong khung cảnh văn phòng nhàm chán? Tin tốt dành cho bạn là, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn thông minh hơn người và có khả năng sáng tạo tốt.
“Những người thông minh hơn có thể dễ bị phân tâm hơn trong công việc vì họ gặp khó khăn trong việc ưu tiên tất cả những ý tưởng tuyệt vời mà họ nghĩ ra", tờ Money cho biết theo báo cáo về một cuộc khảo sát năm 2016 với hơn 10.000 nhân viên.
Một nghiên cứu khác gần đây của Đại học Northwestern đã cho thấy mối quan hệ giữa thành tựu sáng tạo với khả năng chống lại sự phân tâm hay theo ngôn ngữ chuyên ngành là: "Thành tựu sáng tạo trong thực tế có liên quan đến quá trình xử lý cảm xúc hoặc giảm khả năng sàng lọc, kiểm soát kích thích chưa tốt."
Họ bị kỳ vọng đè nặng lên vai
Có bộ não thông minh là điều thật tuyệt vời song đồng nghĩa với điều này là việc bạn phải đối phó với những kỳ vọng của mọi người về những điều kỳ diệu mà bạn làm được.
Một nghiên cứu theo dõi 1.500 đứa trẻ siêu thông minh (IQ từ 140 trở lên) trong nhiều thập kỷ cho thấy, nhiều người đã phải vật lộn để sống theo giấc mơ của bản thân và hy vọng của những người khác đặt lên mình.
Khi những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 80, các nhà nghiên cứu muốn họ nhìn lại những gì đã qua, về 80 năm cuộc đời. Thay vì chìm đắm trong những thành công, nhiều người lại nói rằng họ đã luôn bị ám ảnh bởi việc không xứng với kỳ vọng của nhiều người về họ khi còn trẻ.
"Cảm giác nặng nề đó - đặc biệt khi kết hợp với những kỳ vọng của người khác - là những vấn đề lặp đi lặp lại với những đứa trẻ thông minh".