Ngoài những bình luận mang tính phân biệt vùng miền, chủng tộc, quấy rối hay chính trị, dưới đây là những điều các chuyên gia tâm lý học khuyên bạn không bao giờ nên nói tại nơi làm việc.
Đôi khi, có những điều bạn thấy rất bình thường lại trở nên rất không ổn khi bạn chia sẻ ở văn phòng. Những lời khuyên của các chuyên gia dưới đây về điều không nên nói nơi làm việc sẽ giúp bạn tránh tự đẩy mình vào thế khó.
Bất cứ điều gì trong cuộc họp mà bạn không muốn bị ghi lại
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Ben Dattner cho biết: “Tôi luôn khuyên khách hàng của mình nói chuyện như thể tất cả mọi người đang lắng nghe họ bởi vì trong thế giới ngày nay, khá nhiều người đang lắng nghe bạn. Dù bạn điều bạn nói là gì, hãy tự hỏi xem bạn có muốn những lời nói đó xuất hiện trên báo, trong báo cáo hay biên bản nào đó không. Nhìn chung, bạn nên tránh đề cập đến các vấn đề như tôn giáo, chính trị, ngoại hình của ai đó hoặc bất cứ điều gì có thể khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng, phân biệt”.
"Điều này thật nhàm chán!"
Chúng ta đều biết rằng có những cuộc họp khiến mình cảm thấy thật lãng phí thời gian, việc tham gia là không cần thiết. Tuy nhiên theo tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Melanie Greenberg, đừng bao giờ nói to điều đó trong cuộc họp hoặc thì thầm với đồng nghiệp. Nó có thể khiến sếp nghĩ rằng bạn không phải là một thành viên của nhóm, thấy mọi người thật nhàm chán và nghĩ rằng mình có nhiều việc tốt hơn để làm thay vì ngồi họp.
Chia sẻ quá chi tiết về những ngày cuối tuần với sếp
Nhiều người thường sẽ vui vẻ chia sẻ chi tiết về chuyến du lịch hay buổi tụ tập cuối tuần của mình khi được sếp hỏi “Cuối tuần thế nào?”. Tuy nhiên điều này thực sự không khiến bạn trở nên chuyên nghiệp.
Sẽ tốt hơn khi bạn nói lời cảm ơn cấp trên vì đã hỏi, chia sẻ vài thông tin cơ bản và hỏi xem cuối tuần của họ đã diễn ra thế nào. Chia sẻ quá chi tiết về những gì bạn đã làm trong thời gian cá nhân của mình là điều không nên ở nơi làm việc.
"Đó không phải lỗi của tôi"
Khi sếp đến gặp bạn vì họ lo lắng cho công việc của bạn hoặc dự án mà bạn đã tham gia, việc chối bỏ trách nhiệm là điều tối kỵ. Tiến sĩ Greenberg chia sẻ:
“Khi bạn đổ lỗi cho người khác và không chịu trách nhiệm, điều đó giống như bạn đang cố để tấn công những người khác trong nhóm của mình. Nó thực sự khiến bạn trở nên trẻ con và không hề chuyên nghiệp. Cấp trên của bạn cũng có thể thấy rằng bạn là người không biết lắng nghe và nhận những phản hồi mang tính xây dựng”.
Nói với khách hàng: "Đó là một ý tưởng ngu ngốc"
Những người khôn ngoan sẽ không phát ra điều này thành tiếng. Nếu bạn nghĩ rằng khách hàng của mình sẽ mắc sai lầm lớn, có quan điểm sai lầm, bạn có thể đưa ra đề xuất của mình nhưng đừng chiến đấu với ý kiến của họ.
Theo tiến sĩ Dattner: “Tôi đã có rất nhiều khóa huấn luyện về cách làm dịch vụ khách hàng. Chắc hẳn bạn đã biết quan điểm “Khách hàng luôn đúng” song điều đó không có nghĩa là bạn không nên khéo léo đề xuất khi thấy đối phương đang đưa ra những quyết định sai lầm hoặc nhìn nhận theo cách sai lầm.
Tất nhiên, bạn chắc chắn không nên nói bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy như bạn không tôn trọng họ, nghĩ rằng họ đang mắc sai lầm, đánh giá thấp năng lực của họ hoặc bất cứ điều gì tương tự thế. Hãy khéo léo hỏi xem bạn có thể đưa ra đề xuất mà bạn nghĩ sẽ là giải pháp cho vấn đề hay không”.
Gọi ai đó bằng cái tên quá thân mật
Các môi trường làm việc khác nhau sẽ có đặc thù cũng như văn hóa làm việc khác nhau song nhìn chung, bạn nên cẩn thận trong cách xưng hô, gọi đồng nghiệp. Không ít người có thói quen gọi đồng nghiệp bằng những từ, biệt danh quá thân mật và ngay cả khi bạn thấy hoàn toàn ổn, điều này có thể khiến người kia cảm thấy không thoải mái, thậm chí là quấy rối nơi công sở.
Đối xử với bất kỳ ai như trợ lý cá nhân của mình
Đừng bao giờ yêu cầu nhân viên văn thư hay người quét dọn hoặc bất kỳ đồng nghiệp nào khác thực hiện công việc cá nhân cho bạn hoặc nói chuyện với họ một cách thiếu tôn trọng, lịch sự. Những người khôn ngoan và chuyên nghiệp nhất luôn biết đối xử tôn trọng với mọi người tại văn phòng và không yêu cầu bất kỳ ai làm điều gì đó không thuộc trách nhiệm công việc của họ.