Chúng ta tin rằng thành công sẽ là điều giúp ta có được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của mọi người. Chúng ta bán sức khỏe của mình, cố làm việc ngày đêm để xây dựng hình ảnh thật long lanh thay vì làm những điều khiến bản thân hạnh phúc.
Đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu với chính mình vì mãi chẳng thể đạt được những dự định, kế hoạch đã ấp ủ? Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình luôn phải để ý tới cách người khác nhìn nhận, đánh giá về mình như vậy?
Đại dịch COVID-19 có lẽ là khoảng thời gian khiến không ít người phải thay đổi suy nghĩ của mình, khi dịch bệnh khiến ranh giới sự sống cái chết trở nên mong manh hơn, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn sự hữu hạn của cuộc sống này. Chứng kiến những sự mất mát, ta càng nhận thức rõ hơn việc mình cần thay đổi cách mà ta vẫn sống, để mai này khi nằm hấp hối trên giường bệnh không còn hối hận vì đã dành cả đời để theo đuổi những điều phù phiếm.
Từ chối và xấu hổ
"Việc đương đầu với sự từ chối là điều cần thiết và hãy chấp nhận rằng bạn sẽ bị từ chối" - Robert Genn.
Sự từ chối và cảm giác xấu hổ dù chúng không gây hại cho bạn về mặt thể chất song đây có lẽ là hai nỗi sợ lớn nhất trong hầu hết chúng ta. Thế nhưng có một sự thật là, những điều này trên thực tế lại hoàn toàn không tệ như bạn tưởng tượng. Sau khi bị từ chối, không có được thứ mình muốn, bạn sẽ nhanh chóng quên đi mà thôi.
Có người từng nói rằng:
"Khi 20, bạn bận tâm đến những điều mọi người nghĩ. Khi 40, bạn ngừng bận tâm tới điều mà mọi người nghĩ và khi 60, bạn nhận ra trước đó chẳng ai nghĩ gì về mình cả."
Vấn đề của chúng ta là đã quá quan tâm đến cảm xúc bất chợt mà quên đi hạnh phúc lâu dài. Đây không phải là chuyện có thể thay đổi trong một sớm một chiều song chúng ta không ai hoàn hảo nhưng luôn có thể trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của mình. Ở một mức độ trưởng thành nhất định, bạn sẽ nhận ra có những điều thực sự không đáng để quá quan tâm nhưng ta lại để chúng ngăn cản mình làm những điều mình muốn.
Sự rủi ro
"Tôi sẽ nói cho bạn điều gì đã thay đổi cả cuộc đời tôi: Cuối cùng tôi phát hiện ra tất cả mọi thứ đều có rủi ro. Ngay giây phút bạn sinh ra cũng là một rủi ro. Nếu bạn nghĩ thử sức là rủi ro, sẽ có lúc bạn phải hối hận vì đã không dám thử", Jim Rohn.
Hãy nhớ rằng, rủi ro và thành quả luôn đi đôi với nhau. Bạn càng mạo hiểm thì bạn sẽ càng kỳ vọng gặt hái được nhiều thành công. Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, mỗi cơ hội đều mang theo những rủi ro tiềm ẩn.
Rủi ro là thứ có thể giúp bạn bước đến đỉnh thành công, cũng có thể là thứ phá vỡ những gì bạn đã xây dựng được. Quan trọng là cách chúng ta tính toán, chấp nhận rủi ro như thế nào. Nếu thứ bạn muốn làm không đến mức đẩy bạn vào cảnh túng quẫn thì sao bạn lại không dám thử nhỉ? Đối mặt với cái chết mới là điều đáng sợ, ngoài ra tiền bạc hay những thứ hào nhoáng khác đều là điều phù phiếm bạn chẳng thể mang đi.
Khi bạn chấp nhận rủi ro nhưng mọi thứ lại không hề như mong đợi, bạn mất mát nhưng vẫn sẽ còn nhiều cơ hội để làm lại. Còn nếu bạn thành công, đó sẽ là những cột mốc đáng nhớ khi bạn đạt được thành công nhờ dám chấp nhận những điều người khác không dám.
Những chiếc C.V xin việc bóng bẩy
"Tại sao con người có thể thích thú với việc thức dậy lúc 6h30 sáng bởi tiếng chuông báo thức rồi ra khỏi giường, thay đồ, uể oải cố ăn sáng, đánh răng, rửa mặt rồi vượt qua không biết bao nhiêu cái đèn đồ chật cứng người chỉ để đến một nơi bạn làm ra cả đống tiền cho người khác và được yêu cầu phải biết ơn vì được cho cơ hội thực hiện điều đó?" - Charles Bukowski
Không ít người trong số chúng ta dành cả đời chấp nhậ làm công việc mình không yêu thích, mỗi sáng lê bước chân tới văn phòng chỉ để có được số tiền trang trải cuộc sống. Có người khác thì làm việc đến kiệt sức, làm bạn với những đêm thức trắng chỉ để xây dựng những hình ảnh tốt đẹp nhất về bản thân. Đã bao giờ bạn tự hỏi, chúng ta làm vậy để làm gì, đánh đổi sức khỏe, các mối quan hệ và hạnh phúc của mình để lấy điều gì chưa? Thế nhưng, liệu bạn đã từng hỏi mình làm thế để làm gì, để gây ấn tượng cho ai chưa?
Bạn cố sức trở thành một luật sư vì đó là ước mơ của rất nhiều người song trong đó không có bạn. Người đời có ngưỡng mộ bạn không? Có chứ! Khi họ thấy bạn lịch lãm với bộ vest bước ra từ chiếc xế hộp sang xịn, họ sẽ ấn tượng nhưng chỉ cỡ 5 giây ngắn ngủi thôi. Khi bạn làm việc mà mình không thích, dù có kiếm được nhiều tiền cũng không thể nào khỏa lấp những khoảng trống trong bạn và công việc cũng không thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Đây chính là một trong những bi kịch mà con người trong xã hội hiện đại chúng ta phải đối mặt. Chúng ta tin rằng thành công sẽ là điều giúp ta có được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của mọi người. Chúng ta bán sức khỏe của mình, cố làm việc ngày đêm để xây dựng hình ảnh thật long lanh thay vì làm những điều khiến bản thân hạnh phúc.
Vấn đề mấu chốt là bạn hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ việc làm điều mình yêu thích. Thay vì cố gắng kiếm tiền từ những điều mình hoàn toàn không hề thích thú rồi dùng những đồng tiền kiếm được để khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn, đừng ngại ngần làm những gì mình thích. Khi phải đối mặt với cái chết, bạn sẽ chẳng còn nhớ về những thành tựu đạt được trong sự nghiệp mà vốn mình không hề yêu thích kia đâu.